Bên cạnh khu di tích quốc gia đặc biệt Hương Sơn có mùa lễ hội kéo dài 3 tháng đầu năm, Mỹ Đức còn sở hữu tiềm năng lớn về du lịch sinh thái và nông nghiệp. Đây chính là thế mạnh của huyện để đẩy mạnh phát triển du lịch “xanh”, đa dạng hóa sản phẩm du lịch - dịch vụ, tạo bước đột phát trong phát triển.
Tuy nhiên, hơn một năm qua dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới, trong nước, thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức cũng nằm trong hành trình đó, du lịch tâm linh cũng tạm dừng. Hy vọng, dịch sớm dập để huyện Mỹ Đức tiếp tục đồn sức, đồng lòng khai thắc và tiềm năng lợi thế của địa phương mình.
Chùa Hương - Địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng.
Lợi thế được thiên nhiên ban tặng nhiều quần thể danh thắng di tích lễ hội và du lịch sinh thái đã mở ra hướng chuyển đổi kinh tế cho Mỹ Đức. Xác định nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là khai thác lợi thế du lịch, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã có nhiều chính sách thông thoáng thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, đáp ứng yêu cầu vui chơi giải trí, du lịch.
5 năm qua, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, chiếm khoảng 40% cơ cấu kinh tế của huyện, UBND huyện Mỹ Đức đã đầu tư gần 400 tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức quyết tâm, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, ưu tiên cho phát triển du lịch, dịch vụ… Cùng với các giải pháp phát huy sức mạnh nội lực, huyện Mỹ Đức nhận được sự quan tâm, đầu tư ngày càng đầy đủ, toàn diện của các cấp, ngành chức năng và cộng đồng xã hội. Nhờ đó, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Mỹ Đức đều phát triển bứt phá.
Để phát triển các loại hình du lịch, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân với ý thức tự giác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường, xây dựng nếp sống văn minh và truyền thống hiếu khách của nhân dân địa phương.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá bằng nhiều hình thức; lựa chọn đào tạo các ngành nghề phục vụ cho các hoạt động du lịch; chú trọng liên kết với cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý hiệu quả rác thải tại các điểm du lịch...
Ngoài các sản phẩm du lịch, văn hóa đã và đang tạo được tiếng vang với du khách, như đầm sen An Phú, hoa súng chùa Hương, múa rối cạn Tế Tiêu, dệt tơ sen Phùng Xá..., nhiều hộ dân, doanh nghiệp ở Mỹ Đức đã bắt tay vào phát triển dịch vụ homestay, xây dựng các nhãn hiệu tập thể sản phẩm OCOP như: Rượu mơ Hương Tích, rau sắng chùa Hương, gạo chất lượng cao Mỹ Thành, bưởi diễn Bột Xuyên, bánh tẻ Phúc Lâm, cá Tuy Lai, mật ong Đốc Tín...
Bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ, huyện Mỹ Đức chủ động cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ trong các hoạt động du lịch và dịch vụ. Đó cũng chính là cách để huyện Mỹ Đức tăng cường quảng bá, giới thiệu về một miền quê thân thiện và mến khách với mỗi du khách thập phương.