19/01/2025 lúc 22:21 (GMT+7)
Breaking News

Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn năm 2019

Hôm nay 22-3, Lễ hội Quán Thế Âm (QTA) 19/2 - Ngũ Hành Sơn 2019 sẽ chính thức khai mạc tại chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Đây là một trong những Lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật; đồng thời là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền tốt đẹp của lễ hội dân gian của đất nước và địa phương gắn

Hôm nay 22-3, Lễ hội Quán Thế Âm (QTA) 19/2 - Ngũ Hành Sơn 2019 sẽ chính thức khai mạc tại chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Đây là một trong những Lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật; đồng thời là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền tốt đẹp của lễ hội dân gian của đất nước và địa phương gắn với Danh lam Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn- Di tích Quốc gia đặc biệt.

Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn 2019 

Lễ hội được diễn ra hàng năm vào ngày 19/2 âm lịch, đây là dịp để đồng bào Phật tử nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.  

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi - Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban Lễ hội QTA 19/2 - Ngũ Hành Sơn năm 2019, “Nét mới của lễ hội Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn 2019 là sẽ có sự tham dự của các đoàn đại biểu Phật giáo Hàn Quốc. Vì vậy, cùng với các hoạt động quốc tế như triển lãm ảnh thánh tích Phật giáo Ấn Độ, biểu diễn thư pháp nghệ thuật Nhật Bản, nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản... thì đặc biệt tại lễ hội năm nay sẽ trình diễn nghi lễ NabiIum – một di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc.” 

Đáng chú ý, trong khuôn khổ lễ hội năm nay sẽ diễn ra chương trình giao lưu “Truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam – Hàn Quốc” vào sáng 23/3 tại chùa Quán Thế Âm. Chương trình nhằm giới thiệu tổng quan văn hóa Phật giáo Việt Nam và Hàn Quốc; giới thiệu những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc qua ngôn ngữ Phật giáo, pháp phục Phật giáo, kiến trúc Phật giáo và việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo; giới thiệu những kinh nghiệm, bài học và định hướng cơ bản để tăng cường vai trò của Phật giáo trong thời đại toàn cầu hóa, giao lưu, hội nhập quốc tế…

Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn đã được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Từ đó đến nay, được sự quan tâm của Trung ương, thành phố và quận Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô hơn, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng, lễ bái của đồng bào theo đạo Phật, du khách thập phương và trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch, tâm linh đặc trưng của thành phố và quận. Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn không những góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn quảng bá hình ảnh du lịch thành phố Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn đến với du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội QTA 19/2 - Ngũ Hành Sơn hàng năm thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách tham quan

Với những nét đặc trưng và độc đáo của mình, Lễ hội QTA 19/2 - Ngũ Hành Sơn chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và vùng lịch sử- văn hóa Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Vì vậy, Lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam, đồng thời thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc; là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa của các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Châu Á…

 

* Ngày 22-3 (nhằm 17-2 âm lịch): Khai mạc Hội Cờ làng, đẩy gậy (7 giờ), Lễ Khai kinh Thượng phan - Thượng kỳ (8 giờ), khai mạc triển lãm mỹ thuật tranh ảnh, thư pháp, thư hoa và ra mắt Đặc san Diệu Âm Lễ hội QTA 19/2; giao lưu thơ - nhạc Phật giáo; Triển lãm tranh ảnh chủ đề "Thiền"; mở cửa tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo; triển lãm sách Thái Hà; khai mạc triển lãm ảnh về Danh thắng Ngũ Hành Sơn và Chămpa thuộc Bảo tàng Đà Nẵng  (9 giờ); triển lãm tranh, ảnh du lịch và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; khai hội hô hát bài chòi Khu V (9 giờ - 13 giờ); trình diễn Nghi lễ Nabijum - Di sản văn hóa Phi vật thể của Hàn Quốc (14 giờ-17 giờ); lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa (15 giờ); lễ Tế xuân cầu Quốc thái - Dân an (17 giờ); biểu diễn nghệ thuật dân gian (18 giờ); khai mạc Lễ hội, biểu diễn Trống hội và múa Trình tường, chương trình nghệ thuật, trao Chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho Tượng Ngọc Nephrite (19 giờ-22 giờ).

* Ngày 23-3 (nhằm 18-2 âm lịch): Chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân (7 giờ); khai mở tượng danh nhân Sư Vạn Hạnh và Huyền Trân Công Chúa (8 giờ); giao lưu truyền thống văn hóa Việt Nam - Nhật Bản (8 giờ 30); hội cờ làng, đẩy gậy (9 giờ); nghi lễ cầu siêu Âm siêu Dương thới, Thiền Võ Đạo, Múa Phật giáo Hàn Quốc, biểu diễn nghệ thuật Nhật Bản (14 giờ-17 giờ); biểu diễn nghệ thuật dân gian (18 giờ); diễn thuyết của TS Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ (19 giờ); lửa trại chủ đề "Niềm tin ánh sáng" (21 giờ).

* Ngày 24-3 (nhằm 19-2 âm lịch): Lễ chính thức, nghi lễ Phật giáo - Lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (7 giờ); hội Đua thuyền truyền thống (8 giờ), pháp đàn Đại bi (14 giờ); biểu diễn nghệ thuật Nhật Bản (14 giờ - 17 giờ) bế mạc Lễ hội (17 giờ); lễ tạ, pháp đàn, hoa đăng (19 giờ 30). 

Như Quân

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng