Hôm nay (5/9) - ngày khai giảng năm học mới 2021-2022, mặc dù đại dịch Covid hoành hành khiến nhiều học sinh và thầy cô không thể trực tiếp tới trường, nhưng các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức khai giảng năm học mới với nhiều hình thức linh hoạt, tạo động lực cho các thầy cô, học sinh và toàn ngành giáo dục quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm học mới.
Tiết mục văn nghệ chào mừng năm học mới 2021-2022 tại Trường THCS Trưng Vương. Mọi hoạt động của Lễ khai giảng được truyền hình trực tiếp tới toàn thể học sinh, giáo viên, nhân dân Thủ đô. Ảnh: Duy Linh
Tại Hà Nội
Sáng nay, đúng 7 giờ 30, hơn 2 triệu học sinh thủ đô Hà Nội lần đầu tiên tham dự lễ khai giảng đặc biệt, được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp trên truyền hình. Buổi lễ khai giảng chung cho tất cả các em được tổ chức tại Trường THCS Trưng Vương, một ngôi trường có lịch sử lâu đời, nằm ở trung tâm thành phố.
Lễ khai giảng năm học mới tại Hà Nội đã diễn ra thật đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng không kém phần trang trọng, mang lại nhiều cảm xúc cho các học sinh.
Vẫn có tiếng trống trường quen thuộc vang lên đánh dấu một năm học mới bắt đầu, nhưng năm nay các con giao tiếp với thầy cô, với nhau qua “lớp học trực tuyến”. Nhiều băn khoăn về cách thức học mới này đã được nêu ra trước thềm lễ khai giảng, nhưng cả thầy trò và các phụ huynh đều tự nhủ sẽ cố gắng tối đa trong điều kiện của mình, để đáp ứng được những yêu cầu trong tình hình mới.
Bước vào năm học đặc biệt này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết ngành giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”; Tiếp tục phát động, đẩy mạnh phong trào “Máy tính cho em”, hỗ trợ học sinh về thiết bị học tập trực tuyến để sẵn sàng cho năm học mới. Các trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đã tiếp nhận, tạo điều kiện cho gần 900 học sinh chưa thể về học tập tại nơi thường trú do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Cùng với toàn ngành giáo dục, Hà Nội sẽ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng với các yêu cầu cốt lõi.
Để ứng khắc phục, ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục Hà Nội sẽ đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục, cũng như điều kiện thực tế của người học. Kho học liệu điện tử sẽ được tiếp tục xây dựng phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình…
Ngay trước thềm năm học mới 2021-2022, thành phố đã thống nhất chủ trương thực hiện miễn giảm 50% học phí cả năm học cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông với tổng nguồn kinh phí 900 tỷ đồng.
Tại TP Đà Nẵng
Đúng 7 giờ sáng nay (5/9), chương trình toạ đàm "Đà Nẵng - Chào năm học mới” với thời lượng 30 phút do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng sản xuất được phát sóng, với các nội dung thông tin liên quan đến công tác triển khai năm học mới 2021-2022 tại các trường học, địa phương; truyền tải thông điệp của lãnh đạo Thành phố gửi tới cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và phụ huynh, học sinh.
Sáng cùng ngày, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức qua internet để truyền tải đến tất cả học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên, nhân viên thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai giảng năm học mới; hướng dẫn tổ chức hoạt động chuyên môn đầu năm học, hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng, chống Covid-19 ở nhà cũng như khi được trở lại trường học tập và các hoạt động khác theo kế hoạch của nhà trường…
Tại TP Hồ Chí Minh
1,3 triệu học sinh bước vào năm học mới mà không có lễ khai giảng. Đầu tháng 9/2021, học sinh trung học tại TP này bắt đầu tập trung trực tuyến, nghe phổ biến nội quy, phương pháp học để bắt đầu chương trình mới từ ngày 6/9. Học sinh tiểu học vào lớp muộn hơn 2 ngày, có nửa tháng làm quen với môi trường học trực tuyến trước khi bước vào chương trình.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, chuẩn bị phương án tổ chức dạy học trên Internet đến hết học kỳ I. "Không có khai giảng, tựu trường, tập trung. Từ ngày 1 đến 5/9 các trường tổ chức, chuẩn bị học liệu để sẵn sàng dạy và học trực tuyến. Nếu như trước đây học trực tuyến là giải pháp tình thế thì bây giờ học trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới nếu tình dịch Covid-19 không được kiểm soát", Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu thông tin.
Giống như TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình và Cà Mau cũng không tổ chức khai giảng năm học mới. Nhiều tỉnh phía Nam như Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Đồng Nai và Hậu Giang sẽ khai giảng từ 13 đến 20/9, chưa quyết định tổ chức theo hình thức nào.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Khai giảng năm học 2021 - 2022 bằng hình thức truyền hình trực tiếp, kết hợp trực tuyến trên nền tảng và phương thức truyền thông số của Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh. Thời lượng tổ chức truyền hình trực tiếp trực tuyến là 30 phút, 7 giờ - 7 giờ 30 ngày 5/9.
Tại Cao Bằng: Tuy là tỉnh chưa có ca mắc Covi-19 trong cộng đồng nhưng Lễ khai giảng của các nhà trường sẽ không tập trung, mà chia về mỗi lớp học, do giáo viên chủ nhiệm quản lý.
Tại Thái Nguyên: 4 địa phương khai giảng trực tuyến, 5 địa phương tổ chức trực tiếp.
Tại Hà Tĩnh: Hơn 320.000 học sinh dự lễ khai giảng trực tuyến qua sóng truyền hình lúc 7 giờ sáng 5/9. Lễ khai giảng năm học mới trực tiếp được tổ chức tại trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh).
Tại Kon Tum: Sáng 9/5, gần 124 nghìn học sinh các cấp tỉnh Kon Tum đã có một buổi khai giảng năm học mới 2021-2022 đáng nhớ, bằng hình thức tổ chức, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kon Tum.
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Kon Tum có 397 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập. Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thì có 135 trường mầm non (23 trường mầm non ngoài công lập), 97 trường tiểu học, 51 trường tiểu học - trung học cơ sở, 62 trường trung học cơ sở, 28 trường trung học phổ thông. Toàn tỉnh có 918 điểm trường lẻ, trong đó còn 775 điểm trường lẻ đang sử dụng.