13/01/2025 lúc 23:45 (GMT+7)
Breaking News

Kết nối tương lai bằng “đường ray” quá khứ

“Kết nối tương lai bằng đường ray quá khứ” là tên dự án của tác giả Lê Quốc Trí, cũng là một giải pháp biến Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành tổ hợp không gian văn hóa, công cộng, thương mại, dịch vụ, hậu cần. Đây cũng là một trong 25 dự án xuất sắc lọt vào vòng Bình chọn cuộc thi “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”.

“Kết nối tương lai bằng đường ray quá khứ” là tên dự án của tác giả Lê Quốc Trí, cũng là một giải pháp biến Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành tổ hợp không gian văn hóa, công cộng, thương mại, dịch vụ, hậu cần. Đây cũng là một trong 25 dự án xuất sắc lọt vào vòng Bình chọn cuộc thi “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”.

Phối cảnh Bảo tàng nhà máy xe lửa Gia Lâm - một trong những hạng mục của dự án “Kết nối tương lai bằng đường ray quá khứ”.

Kết nối tương lai từ quá khứ có lẽ cũng là khởi nguồn của những ý tưởng cải tạo các nhà máy cũ thành những không gian sáng tạo mới của một đô thị giàu tài sản văn hóa như Hà Nội. Hà Nội từng thành công với mô hình tổ hợp giải trí, nghệ thuật rất hút công chúng như Zone 9 và đang tìm kiếm những ý tưởng xây dựng các không gian sáng tạo tương tự.

Từ tháng 10/2020, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc tổ chức Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội. Đồng hành cùng các đơn vị này có Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (đại diện bởi ECUE) và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam.

Sau gần 8 tháng phát động, đến nay, Cuộc thi đã lựa chọn được 25 dự án xuất sắc vào vòng bình chọn trong tổng số 93 phương án dự thi từ các cá nhân, tổ chức trong nước, quốc tế. Vòng bình chọn sẽ diễn ra đến ngày 20/7 với 25 phương án cũng là 25 ý tưởng nhằm củng cố các không gian sáng tạo cũng như khơi dậy, đánh thức tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Một trong 25 dự án xuất sắc và gây được ấn tượng với người xem là giải pháp làm mới không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm của tác giả Lê Quốc Trí. Theo đó, không gian mới của Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ bao gồm: bảo tàng nhà máy xe lửa; khu dịch vụ hậu cần; khu nhà ga và metro Gia Lâm; khu trình diễn nghệ thuật sáng tạo; khu trung tâm thương mại dịch vụ; khu trung tâm văn hóa ẩm thực; khu công viên xanh trung tâm. Với ý tưởng chủ đạo là lõi không gian xanh và tuyến phố đi bộ sẽ kết nối dự án với bối cảnh chung quanh, tác giả chú trọng vào phát triển không gian công cộng với vườn hoa, công viên, nhạc nước, quảng trường sự kiện, phố đi bộ, không gian đi bộ ven hồ…

Cũng như tác giả Lê Quốc Trí, nhóm tác giả Phạm Kiên – Phạm Khánh giành nhiều tâm huyết với dự án biến Nhà máy thuốc lá Thăng Long thành Công ty sáng tạo. Theo hai tác giả, sở dĩ họ chọn Nhà máy thuốc lá Thăng Long vì công trình là một thí dụ tiêu biểu cho kiến trúc công nghiệp ở Hà Nội và Việt Nam nên những thử nghiệm tại đây có thể được áp dụng cho nhiều dự án khác trong tương lai. Công ty sáng tạo Thăng Long mà nhóm tác giả triển khai sẽ gồm: làng sáng tạo, không gian làm việc sáng tạo, không gian làm việc chung, nhà triển lãm, nhà văn hóa, không gian giải trí, bách hóa sáng tạo, không gian ẩm thực…

Với bất kỳ một dự án tái sử dụng và biến đổi công năng nào, sự thành công của dự án phụ thuộc phần lớn vào bản thân hiện trạng của công trình, cụ thể ở hai khía cạnh chính là giá trị và tiềm năng. Giá trị bao gồm giá trị của lịch sử công trình di tích, giá trị thiết kế kiến trúc, giá trị với đô thị hay giá trị với người dân, đặc biệt trong ký ức và trải nghiệm của họ. Trong khi đó, tiềm năng có thể được đánh giá thuần túy về hiệu quả kinh tế, nhưng cũng có thể ảnh hưởng giá trị lịch sử của công trình. Vì thế, cùng với nhiều ý tưởng kiến trúc độc đáo, các tác giả, nhóm tác giả của 25 dự án xuất sắc đều hy vọng, thay vì những “khối bê-tông” đơn thuần, “thế chỗ” cho các nhà máy cũ sẽ là những không gian công cộng, không gian sáng tạo có giá trị và tiềm năng cho Hà Nội.