22/01/2025 lúc 21:47 (GMT+7)
Breaking News

Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Tư tưởng về nhà nước pháp quyền xuất hiện rất sớm trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, gắn liền với tư tưởng về dân chủ và thượng tôn pháp luật. Ở phương Tây, tư tưởng nhà nước pháp quyền xuất hiện từ thời triết học Hy Lạp cổ đại với Socrates, Democrit, Platon, Aristotle…(1). Tư tưởng nhà nước pháp quyền phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ cách mạng tư sản ở phương Tây, với những nhà triết học tiêu biểu như John Locke, Ch.S. Montesquieu, hay J.J. Rousseau.

Hiện nay, tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã mang tính chất phổ quát, được nhiều quốc gia chấp nhận và vận dụng, trở thành một thành tựu tinh hoa tư tưởng của nhân loại với những giá trị tiến bộ về dân chủ, quyền con người và tính tối cao của hiến pháp và pháp luật.

Những kết quả đạt được thời gian qua

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế là một bài học xuyên suốt trong tiến trình cách mạng của Việt Nam. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(2). Trong vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, có thể thấy Đảng ta đã vận dụng bài học này ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, những nội dung tiến bộ của tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu từ rất sớm. Năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra tám yêu cầu tập trung vào bảo đảm các quyền con người, quyền công dân và “thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”(3); trong bài Việt Nam yêu cầu ca, Người viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành; Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”(4). Tư tưởng về một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam tiếp tục được nêu  trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 và Hiến pháp năm 1946. Hai văn kiện này có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thể hiện rõ nét tư tưởng dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thượng tôn pháp luật - những đặc trưng cơ bản nhất của một nhà nước pháp quyền.

Đặc biệt, từ sau khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới (từ năm 1986), tư tưởng về Nhà nước pháp quyền bắt đầu được đẩy mạnh nghiên cứu, mà kết quả là tư tưởng về nhà nước pháp quyền không còn được xem là tư tưởng đặc thù, thuộc tính vốn có của riêng chủ nghĩa tư bản, mà là một giá trị, tinh hoa tư tưởng của nhân loại được phát triển mạnh mẽ dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Hơn nữa, thực tiễn các nước cho thấy việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là một xu thế lớn, mang tính phổ quát trên phạm vi toàn cầu. Do đó, việc tiếp thu tư tưởng về Nhà nước pháp quyền vào Việt Nam là sự kế thừa tinh hoa tư tưởng nhân loại và phù hợp với xu thế tiến bộ, khách quan của thời đại. Xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam được thực hiện từ Hiến pháp năm 1992, trở thành đường lối, chủ trương của Đảng ta (bắt đầu từ Hội nghị ĐBTQ giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994). Nhìn lại hai năm xây dựng Nhà nước pháp quyền, Báo cáo chính trị tại Hội nghị xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới là xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, quản lý mọi mặt xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa(5). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), khẳng định một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là một xã hội “có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một trong tám phương hướng cơ bản cần quán triệt và thực hiện trong giai đoạn hiện nay, được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai, việc kết hợp định hướng xã hội chủ nghĩa vào xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam phản ánh xu thế tất yếu, khách quan của thời đại ngày nay. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội chỉ rõ chủ nghĩa xã hội hay ở bậc cao là chủ nghĩa cộng sản là hình thái tiếp theo, ưu việt hơn so với chủ nghĩa tư bản. Sự vận động đi lên chủ nghĩa xã hội là khuynh hướng tất yếu khách quan. Do đó, việc xác định rõ định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là đúng hướng, phù hợp với xu thế thời đại. 

Thứ ba, vận dụng sáng tạo tư tưởng Nhà nước pháp quyền vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam không phải là sự tiếp thu máy móc, giáo điều tư tưởng Nhà nước pháp quyền trên thế giới, mà phải phù hợp với chế độ chính trị chủ nghĩa xã hội của Nhà nước ta. Do đó, Nhà nước pháp quyền Việt Nam vừa mang các nội dung giống với nhà nước pháp quyền trên thế giới, vừa mang tính đặc thù định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam không phải là Nhà nước đa nguyên đa đảng, mà là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước là sự lựa chọn khách quan của lịch sử dân tộc, bảo đảm đất nước phát triển theo định hướng chủ nghĩa xã hội. Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam không theo tư tưởng “tam quyền phân lập” như mô hình nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa hiện nay(6). Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013 khẳng định nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất. Quan hệ giữa các cơ quan nhà nước thực thi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau. Nguyên tắc này xuất phát từ quan điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể và là cội nguồn của quyền lực nhà nước dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam(7).

Việc vừa tiếp thu có chọn lọc, vừa vận dụng sáng tạo tư tưởng nhà nước pháp quyền trên thế giới vào thực tiễn cụ thể của Việt Nam từ Đổi mới đến nay, đã dần làm sáng tỏ hơn bản chất và đặc trưng của Nhà nước pháp quyền mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang xây dựng, hoàn thiện. Đó là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp; thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất và do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tiếp tục kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW) có tính chất quan trọng và tầm chiến lược quan trọng. Nghị quyết đã đánh giá thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế trong 30 năm xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, đưa ra mục tiêu, trọng tâm và xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nhà nước pháp quyền từ nay đến năm 2030 với tầm nhìn năm 2045. Một trong các quan điểm chỉ đạo là: “Bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 27-NQ/TW, cần tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, cần nhận thức rõ về vai trò quan trọng của luật pháp quốc tế trong xu thế lớn của thời đại hiện nay. 

Luật pháp quốc tế là “luật chơi” được các quốc gia xây dựng, phản ánh cân bằng lợi ích giữa các quốc gia, cùng hướng đến mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, đồng thời cũng phản ánh tiến bộ xã hội trên phạm vi quốc tế. Luật pháp quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, bao quát hơn và đầy đủ hơn. Giai đoạn từ năm 1945 đến nay có thể xem là thời đại của một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Có thể nói, đây là một trong những xu thế lớn của thời đại ngày nay - xu thế pháp quyền trong quan hệ quốc tế. Tận dụng được xu thế này sẽ vừa giúp Việt Nam thực hiện tốt và đúng các cam kết quốc tế, đồng thời thể hiện rõ với cộng đồng quốc tế về Nhà nước pháp quyền Việt Nam luôn tôn trọng, ứng xử và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế(8).

Nhận thức được xu hướng pháp quyền trong quan hệ quốc tế, Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu rõ: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”(9). Có thể thấy, luật pháp quốc tế là định hướng cho việc tối đa hóa lợi ích quốc gia - dân tộc. Hơn nữa, cần xác định việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế hiện nay là một trong những nội dung quan trọng của việc bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, thông qua việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định để đất nước phát triển. Do đó, tôn trọng luật pháp quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Bên cạnh đó, luật pháp quốc tế cũng phản ánh tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn cầu, nhất là các giá trị về quyền con người; tăng cường tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người là một xu thế lớn trên thế giới hiện nay. Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều chú trọng ghi nhận và và bảo vệ quyền con người, quyền công dân - điều này cho thấy Việt Nam đã tiếp thu và hội nhập sâu vào xu thế quốc tế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta không áp dụng máy móc cách làm của các nước, mà tham khảo kinh nghiệm và xây dựng các quy định cụ thể hóa các quyền con người phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Do đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW yêu cầu phải tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quy định của Hiến pháp về quyền con người, và nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. 

Nhận thức đúng vai trò của luật pháp quốc tế, hai nhiệm vụ cần được thực hiện như sau: 

Một là, không chỉ tôn trọng và bảo đảm thực thi luật pháp quốc tế mà cần tham gia vào quá trình phát triển luật pháp quốc tế. Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu rõ: “Chủ động tham gia, đóng góp vào việc xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự quốc tế, khu vực”. Tham gia sâu vào các thể chế pháp lý quốc tế cũng tạo động lực và áp lực cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật ở Việt Nam. Ví dụ, trong lĩnh vực thương mại quốc tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là các hiệp định có tiêu chuẩn cao và bao trùm, không chỉ điều chỉnh quan hệ thương mại thuần túy giữa các quốc gia mà còn lồng ghép các quyền con người như quyền lao động, quyền về môi trường, xóa đói, giảm nghèo, quyền phụ nữ, minh bạch hóa và chống tham nhũng(10)… Cải cách thể chế mạnh mẽ sẽ góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính. 

Hai là, quán triệt nguyên tắc pháp quyền trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại nói chung và các xử lý đối ngoại cụ thể; chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Định hướng chung là cần đưa nguyên tắc pháp quyền vào việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam và hội nhập quốc tế. Thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong công tác đối ngoại góp phần làm sâu sắc, củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước thông qua việc nâng cấp các quan hệ chính trị lên quan hệ pháp lý, nâng cao hình ảnh Việt Nam và sự tin cậy của bạn bè quốc tế, đồng thời là sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại. Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nêu cao tính nhân văn, nhân nghĩa, đạo lý, pháp lý trong quan hệ quốc tế”(11). 

Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW yêu cầu cần hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ điều chỉnh quan hệ giữa pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thực tiễn cũng cho thấy, các cơ quan nhà nước thường không áp dụng quy định điều ước quốc tế mặc dù đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế. Vấn đề này cần phải được khắc phục trong thời gian tới thông qua việc nâng cao trình độ và hiểu biết của cán bộ, công chức về điều ước quốc tế.

Thứ hai, tăng cường nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn Việt Nam. 

Hiện nay, Việt Nam là một nước đang phát triển với điều kiện kinh tế - xã hội chuyển biến nhanh, nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn đòi hỏi phải ban hành pháp luật để điều chỉnh. Trong khi đó, nhiều nước phát triển đã trải qua giai đoạn này để có hệ thống pháp luật và tư duy pháp lý phát triển, hoàn thiện ở mức cao. Việc tham khảo kinh nghiệm của các nước này sẽ giúp Việt Nam có những tham chiếu hữu ích cho việc ban hành pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không yêu cầu cụ thể phải tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quy trình lập pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền thường tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm các nước, tổ chức các hội thảo quốc tế trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong giai đoạn tới, cần tăng cường nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nâng cao tính tổng hợp và bao quát khi tham khảo kinh nghiệm các nước để có thể vận dụng phù hợp vào thực tiễn Việt Nam.

Thứ ba, chuẩn bị nguồn nhân lực trong các cơ sở đào tạo luật có đủ năng lực, trình độ phù hợp cho hội nhập quốc tế trong lĩnh vực luật pháp. 

Đối với các cơ sở đào tạo luật, các giảng viên, nghiên cứu viên cần được trang bị về ngoại ngữ để có thể học tập, tham khảo, so sánh kinh nghiệm của các nước thuộc các truyền thống pháp lý khác nhau, phục vụ cho nhiệm vụ dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực ngành luật cho đất nước, đồng thời có thể cung cấp kinh nghiệm quốc tế cho các cơ quan nhà nước. Ở phạm vi rộng hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực ngành luật góp phần triển khai thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, một trong ba đột phá chiến lược theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng. 

Thứ tư, phát huy sức mạnh dân tộc trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đòi hỏi phải bám sát thực tiễn, điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo điều kiện để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ này đòi hỏi trước hết và quan trọng nhất là bảo đảm tuyệt đối và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại không chỉ là bài học xuyên suốt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, mà cần phải được tiếp tục vận dụng sáng tạo trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong giai đoạn cách mạng mới, việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần chú trọng việc tăng cường nhận thức về vai trò của luật pháp quốc tế; tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực luật pháp, tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật; chuẩn bị nguồn nhân lực pháp luật phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và phải nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.

----------------------

Ghi chú:

(1) Ở phương Đông, Hàn Phi Tử với học thuyết pháp trị chủ trương sử dụng pháp luật để cai trị thiên hạ. 

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.325.

(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.469-470, tr.472-474.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 53, Nxb CTQG-ST, H.2007, tr.224-226.

(6), (7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 54, Nxb CTQG-ST, H.2007, tr.37, tr.35-36.

(8) Xem: https://www.tapchicongsan.org.vn.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb CTQG-ST, H.2022, tr.45. 

(10) Xem: https://www.tapchicongsan.org.vn

(11) Xem: https://baochinhphu.vn.  

TS Phạm Lan Dung - Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao

...