Theo khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản tại Asean, trong số 6 quốc gia Asean thì Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia được đánh giá là các quốc gia “Định hướng xuất khẩu”. Trong khi Indonesia và Thái Lan là các nước có “Đinh hướng nhu cầu trong nước”.
Theo khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản tại Asean, trong số 6 quốc gia Asean thì Việt Nam vào nhóm “Định hướng xuất khẩu”. Ảnh minh họa: Internet
Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thông tin, cuộc khảo sát này được thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp có ý định mở rộng hoạt động tại Malaysia giảm ít nhất (giảm 6,7%) trong số 6 quốc gia Asean tham gia khảo sát.
JETRO thông tin, chỉ hơn 1/3 (tương đương với 36,1%) doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Malaysia bày tỏ ý định tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây trong vòng 1-2 năm tới. Trong đó, các lĩnh vực chủ yếu được tiếp tục đầu tư là thực phẩm, thiết bị y tế và vận tải. Đây là những lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có ý định tiếp tục mở rộng đầu tư cao nhất, vượt trên 60%. Còn lĩnh vực điện và điện tử, ngành công nghiệp chính ở Malaysia, có tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động ở mức 38,3%, cao hơn mức trung bình chung của quốc gia này.
Cũng theo khảo sát này cho thấy, gần 47% các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1 đến 2 năm tới. Bên cạnh đó, có 16,4% doanh nghiệp sẽ tăng cường đầu tư thiết bị, đầu tư mới trong thời gian tới. Các lĩnh vực được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư gần đây không chỉ là công nghiệp chế tạo, chế biến mà còn có cả chuyển đổi số, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao…
Lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn đầu tư tại Việt Nam là tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm thuộc hàng tốt nhất trong khu vực, khiến quy mô nền kinh tế ngày một lớn, mức tiêu dùng của người dân cũng ngày một tăng.
Đáng chú ý, sau khi dịch COVID-19 bùng nổ, uy tín của Việt Nam càng được củng cố hơn. Tính đến thời điểm này, Việt Nam rất thành công trong việc kiềm chế và kiểm soát đại dịch COVID-19. Do đó, các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đánh giá rất cao khả năng quản trị rủi ro tầm quốc gia của Chính phủ Việt Nam, khiến doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng, mở rộng quy mô làm ăn tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn đầu tư tại Việt Nam là tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm thuộc hàng tốt nhất trong khu vực. Ảnh minh họa: Internet
Hầu hết các công ty Nhật Bản hoạt động tại các quốc gia Asean dự kiến sẽ hoạt động bình thường hóa vào nửa cuối năm 2021 sau dịch bệnh Covid-19. Hơn 20% công ty Nhật Bản tại Việt Nam và Philippines đã xuất khẩu toàn bộ hàng hóa. Liên quan đến tỷ lệ sáp nhập, cuộc khảo sát nêu rõ, trong khu vực Asean, tỷ lệ này tại Singapore và Malaysia tương đối cao. Tại Indonesia, Singapore, Malaysia và Thái Lan, gần 50% thoả thuận sáp nhập đến từ các công ty trong nước.