VNHN - Theo Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới đã yêu cầu tổ chức này cung cấp các khoản vay khẩn cấp để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính do Covid-19 gây ra.
minh họa - Internet
Trong cuộc họp giữa các Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20), Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, hơn 100 quốc gia thành viên đã đề nghị IMF cung cấp các gói cứu trợ tài chính khẩn cấp.
Bà Georgieva hôm 16/4/2020 cho biết, IMF sẵn sàng huy động toàn bộ năng lực cho vay 1.000 tỷ USD của mình để giúp các nước thành viên ứng phó với dịch bệnh. Đến nay, đã có 10 quốc gia nhận được viện trợ khẩn cấp và quốc gia còn lại sẽ nhận được nguồn viện trợ vào cuối tháng 4.
Phát biểu của bà Georgieva được đưa ra sau khi tổ chức này cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930. Chính phủ và các quan chức y tế cần phải hợp tác để ngăn chặn những kịch bản tệ hơn. có thể xảy ra.
Người đứng đầu IMF khẳng định "đã thực hiện mọi biện pháp có thể" và khuyến khích các ngân hàng trung ương "hỗ trợ hết khả năng của mình". Đồng thời, bà Georgieva khuyên các tổ chức nên giữ lại các biên nhận hỗ trợ: "Chúng tôi không muốn uy tín và sự minh bạch bị xem nhẹ trong thời khủng hoảng."
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, người đứng đầu IMF thừa nhận, tổ chức này được biết đến là nơi thường xuyên đặt ra các điều kiện khó khăn đối với những quốc gia tìm kiếm cứu trợ.
Song, đối với dịch Covid-19 lần này, IMF chỉ yêu cầu các nước hãy sử dụng gói cứu trợ để trả lương cho các y bác sĩ và đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế, để có thể bảo vệ những người dễ bị tổn thương do dịch bệnh và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Hôm 14/4, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, tệ hơn nhiều so với thời điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Con số này hoàn toàn đi ngược lại so với dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm nay của tổ chức này vào tháng 1.
IMF cũng cảnh báo nguy cơ suy thoái có thể kéo dài đến năm 2021 nếu các nhà hoạch định chính sách không chung tay phối hợp để ngăn chặn dịch Covid-19. Bà Georgieva lưu ý, nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng trở lại 5,8% vào năm 2021, nếu dịch bệnh được kiểm soát và các trường hợp lây nhiễm mới bắt đầu giảm xuống.
Bảo Quân