22/12/2024 lúc 20:04 (GMT+7)
Breaking News

IDI tìm đường xuất khẩu sang Mỹ

Theo ông Lê Văn Chung, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (mã IDI) cho biết, Công ty đang xúc tiến các thủ tục để xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Đây vốn là thị trường lớn của Công ty trước kia.

Theo ông Lê Văn Chung, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (mã IDI) cho biết, Công ty đang xúc tiến các thủ tục để xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Đây vốn là thị trường lớn của Công ty trước kia.

Cũng theo ông Chung, IDI từng xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch lên tới trăm triệu USD/năm, khi đó Công ty được hưởng thuế suất bằng 0. Tuy nhiên, sau các vụ kiện chống bán phá giá, thuế suất áp với Công ty ở mức cao vô lý nên hiện nay IDI đang làm việc với các luật sư để thiết lập lại thị trường xuất khẩu này, trọng điểm của Công ty trong các năm kế tiếp.

Theo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 ước đạt từ 2 - 2,2 tỷ USD, tiếp tục khẳng định là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Hiện sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt tại khoảng 125 thị trường; trong đó Trung Quốc, Mỹ, EU và ASEAN là những thị trường chủ lực. Trong đó Mỹ chiếm thị phần gần 20%, Trung Quốc chiếm thị phần 32% và EU chiếm thị phần 15%.

Tại Mỹ, 70% kênh tiêu thụ nằm ở lĩnh vực dịch vụ (nhà hàng, khách sạn), còn lại là bán lẻ. Dữ liệu từ Worldfishcenter cho thấy, kênh dịch vụ đã hồi phục mạnh về mức trước đại dịch.

Thống kê của CTCK BSC cho thấy, trong Top 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, hiện có Vĩnh Hoàn xuất khẩu sang Mỹ chiếm thị phần lớn. Với Nam Việt, thị trường Trung Quốc và Thái Lan chiếm khoảng một nửa thị phần. Với IDI,  thị trường Trung Quốc chiếm 44% thị phần, tiếp đến là các thị trường Nam Mỹ như Mexico, Brazil.

Giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam hiện không ngừng tăng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nếu như năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phi lê vào Mỹ đạt giá khoảng 3,5 USD/kg thì năm 2021 tăng lên từ 4 - 4,5 USD/kg; các thị trường ở châu Á và Nam Mỹ, giá xuất khẩu cá tra cũng khá tốt từ 3,5 - 4 USD/kg, mức giá cao nhất trong hàng chục năm qua. Theo ông Lê Văn Chung, các hợp đồng xuất khẩu sang Nam Mỹ của IDI hiện đạt được mức giá 3,9-3,95 USD/kg. Thị trường thuận lợi giúp Công ty chọn lọc được các đơn hàng giá tốt và điều kiện thanh toán tốt hơn nhiều so với trước đây.

IDI được đánh giá có năng lực xuất khẩu quy mô lớn sang các thị trường khó tính bởi hiện nay Công ty đã làm chủ quy trình sản xuất khép kín bao gồm: từ con giống, ao nuôi, thức ăn thủy sản, đến nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại, công nhân lành nghề, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kể từ tháng 3/2016, khi Đạo luật Farm Bill có hiệu lực, cá tra Việt Nam chịu sự kiểm soát chất lượng sản phẩm và cả vùng nuôi từ FSIS (Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA). Với yêu cầu này, trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp phải đảm bảo có con giống tốt, có vùng nuôi đạt chuẩn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.

Từ năm 2008, IDI đã tổ chức các vùng nuôi theo quy trình khép kín. Hiện nay, diện tích tự nuôi cá và nuôi liên kết của công ty lên tới 400 ha, đạt các tiêu chuẩn Global GAP, ASC, BAP. Nông dân được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học và được thu mua sản phẩm đầu ra. Với việc hình thành vùng nuôi liên kết quy mô lớn như vậy, IDI hoàn toàn chủ động trong việc cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy đông lạnh, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cạnh tranh.