VNHN - Dọc các con đường dẫn vào huyện mới Ia H’drai, tỉnh Kon Tum là ngút ngàn màu xanh của những cánh rừng cao su chạy dài đến vô tận. 5 năm, kể từ ngày chia tách huyện, Ia H’drai hôm nay đã có nhiều đổi thay đến bất ngờ, từ trung tâm huyện lỵ được xây dựng mới cho đến những vùng đồi núi trọc ngày xưa giờ đã được phủ xanh những cánh rừng cao su xanh mướt, tạo cho vùng đất nơi biên cương này một sinh khí mới, một tâm thế mới trong tương lai.
Đường lên biên giới
Với chiều dài 76 km đường biên giới giáp với tỉnh Ratanakari của vương quốc Campuchia, việc phát triển kinh tế ở đây có nhiều mục tiêu mà mỗi bước đi đều phải cố gắng và phải tính toán thật kỷ càng. Ia H’drai được chọn là huyện điểm của tỉnh Kon Tum để tiến hành Đại hội Đảng bộ huyện vào những ngày giữa tháng 5 năm 2020, điều đó cho thấy tầm chiến lược về phát triển kinh tế xã hội của vùng đất nơi biên cương này.
Hiện nay cây trồng chủ lực của địa phương chủ yếu là cây cao su, với tổng diện tích là 24.700 hec ta, chiếm 92% tổng diện tích cây trồng của toàn huyện, nên màu xanh của cây cao su đã làm cho sự khắc nghiệt của khí hậu vùng biên cương được cải thiện rất nhiều. Cây cao su nơi đây đã mang lại cho cuộc sống các dân tộc vùng biên một sự ổn định và ngày càng khởi sắc, với cơ sở hạ tầng từng bước được đáp ứng đã tạo điều kiện để các gia đình công nhân cao su yên tâm sản xuất. Cùng với việc phát triển cây cao su thì Ia H’drai còn phát huy tiềm năng sẵn có của mình, đó là phát triển thương mại dịch vụ và du lịch. Các lòng hồ, dòng sông, thác nước đã tạo nên điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là khai thác các loại cá ở lòng hồ thủy điện Sê San như cá anh vũ, cá lăng mà đặc biệt là cá cơm sông ở lòng hồ thủy điện, một món ăn dân dã nhưng sạch và ngon nức tiếng từ ngàn xưa đến giờ.
Cá cơm phơi khô
Du thuyền trên lòng hồ Sê San
Một trong những điểm du lịch khi đến với Ia H’drai là ngắm thác 7 tầng, xã Ia Dom; đi thuyền trên lòng hồ Sê San hay đến với làng chài ở xã Ia Tơi, một làng chài mang phong cách của miền Tây sông nước giữa cao nguyên đại ngàn, nơi quần tụ của mấy chục hộ dân chủ yếu từ Miền Tây lên đây lập nghiệp. Đến làng chài du khách được thưởng thức những món ăn khai thác và chế biến ngay tại hồ, được trãi nghiệm làm ngư dân đánh cá, sản vật bắt được sẽ chế biến thành những món ăn theo sở thích của từng người như nấu lẫu, chiên xù, bóp gỏi, nướng …, rồi ngắm hoàng hôn nơi biên cương. Đêm xuống dưới ánh lửa bập bùng, quây quần bên nhau trong âm điệu cây đàn ghi ta, thưởng thức cá nướng vừa đánh bắt từ hồ. Một lần đến nơi đây sẽ là một kỷ niệm khó quên trong ký ức.
Hoàng hôn trên hồ Sê San
Ngoài những tiềm năng về cây công ghiệp cao su, tiềm năng du lịch, thì Ia H’drai còn là vùng phát triển các các trang trại chăn nuôi, trồng trọt với quy mô lớn trên những diện tích đất trống, đồi núi trọc, nhằm cải tạo môi trường sinh thái và tạo sinh kế cho bà con các dân tộc Kinh, Jarai, Thái, Tày, Nùng... Với tổng diện tích đất phát triển cây công nghiệp, nông nghiệp còn nhiều và đa số người dân sống bằng nghề nông, do đó việc xác định mục tiêu kinh tế cho tương lai của huyện vẫn còn điều trăn trở. Vấn đề trước tiên là phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, ổn định cuộc sống cho người dân, tiếp theo là những bước đi có tính chiến lược và những quyết sách mang tính đột phá cho vùng đất còn ẩn chứa nhiều tiềm năng như phát triển điện năng lượng mặt trời, xây dựng các trang trại có quy mô lớn để trồng trọt cây ăn trái, chăn nuôi gia súc để chế biến sữa chế biến thịt…
Hiện nay, điều kiện thuận lợi về giao thông đến với Ia H’drai được thông suốt, có thể từ Gia Lai qua, từ Đăk Tô, Sa Thầy lên. Cùng với đó thì hệ thống điện lưới quốc gia đã phũ khắp bản làng, sắp đến nhà máy nước được đưa vào hoạt động là giải quyết cơ bản nổi lo thiếu nước bấy lâu nay. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng một tương lai tươi sáng cho miền biên cương này sẽ được phát thảo và quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ mới từ sau Đại hội Đảng bộ Ia H’drai sắp đến. Hy vọng trong tương lai không xa miền đất biên cương này sẽ phủ xanh một màu xanh hy vọng./.