16/10/2024 lúc 07:24 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Văn Yên: Ứng dụng KHKT vào xây dựng sản phẩm OCOP

Văn Yên (Yên Bái) là huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như các loại cây cây dược liệu, quế, gạo và nhiều sản phẩm truyền thống khác. Với việc ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và chế biến, nhiều sản phẩm có thế mạnh trên địa bàn huyện đã nhanh chóng tháo gỡ được những khó khăn về công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, từ đó hình thành và phát triển 48 sản phẩm nông nghiệp có uy tín, chất lượng vượt trội được chứng nhận OCOP.
Huyện Văn Yên (Yên Bái) đánh giá chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Sau gần 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Văn Yên đã được nâng tầm cả về mẫu mã, chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đến nay, huyện có 48 sản phẩm được công nhận là sản phẩm ocop từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm ocop đạt 4 sao. “đòn bẩy” không thể thiếu để xây dựng và đưa sản phẩm OCOP vươn xa trên thị trường chính là vai trò của khoa học kỹ thuật.

Đồng chí Phạm Trung Kiên – Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm OCOP ở huyện Văn Yên có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn huyện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2024. Riêng trong năm 2024, huyện Văn Yên đặt mục tiêu xây dựng đánh giá 6 sản phẩm OCOP mới đạt từ 3 sao trở lên.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các địa phương dựa vào điều kiện, thực tế sản xuất của các sản phẩm chủ lực, nổi trội, mang tính địa phương, có sức mạnh cộng đồng và nhu cầu tham gia Chương trình OCOP của chủ thể. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã tiến hành triển khai cho các đơn vị chủ thể đăng ký các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024. Trên cơ sở đó, đánh giá và lựa chọn các sản phẩm khả thi, đầy đủ thông tin, đánh giá sơ bộ để đề xuất thực hiện.

Trà Quế sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên.

Đến thời điểm hiện tại, Văn Yên đã có 12 sản phẩm đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, đó là  Cao cà gai leo dạng  Gel uống liền của HTX dịch vụ sản xuất NN Yên Bái, xã Đông An; Tinh dầu quế nguyên chất của HTX dịch vụ tông hợp Thác Tiên, xã Mỏ Vàng; Nước rửa tay Quế Văn Yên  của HTX Quế Văn Yên, Thị trấn Mậu A; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày STC của Công ty TNHH  STOCO, Thị trấn Mậu A; Cà chua beef T&T Farm và Cà chua trái cây T&T Farm của  HTX dịch vụ NN hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp;  Tinh dầu Quế  của HTX Lâm Phương Linh, xã Mậu Đông; Bưởi da xanh của Tổ Hợp Tác trồng bưởi Lâm Giang, xã Lâm Giang; Nước rửa tay Đại Phú An và Nước lau sàn Đại Phú An của Công ty Cổ phần Nam dược Đại Phú An, xã An Thịnh; Du lịch sinh thái - cộng đồng Khe Cam của  Tổ hợp tác du lịch  sinh thái -  cộng đồng Khe Cam, xã Ngòi A; Tinh dầu quế nguyên Chất Trường An của Công ty TNHH Trường An ở xã Phong Dụ Thượng.  Những sản phẩm đăng ký xây dựng OCOP đều là sản phẩm đặc trưng, riêng có, có cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển  kinh tế khu vực nông thôn. Đồng thời là cơ sở để giúp cho hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, tạo việc làm và quen trọng hơn là hướng người dân đến sản xuất nông nghiệp cạnh tranh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP các hộ gia đình, tổ chức đã chú trọng xây dựng và phát triển sản phẩm của mình từ nguồn gốc nguyên liệu cho đến các công đoạn cho ra sản phẩm và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh chất lượng với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của bản thân.”

Tinh dầu sả Đại Phú An.

Công ty Cổ phần Nam dược Đại Phú An, huyện Văn Yên là chủ thể sở hữu của nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe được công nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên tại địa phương. Theo đơn vị này, việc sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dược liệu có nhiều thuận lợi. Một phần từ gia đình có truyền thống làm nghề thuốc nam với các bài thuốc cổ truyền được lưu giữ từ các thế hệ đi trước. Yếu tố khác là tận dụng những lợi thế về vùng nguyên liệu ở địa phương có sự phong phú đa dạng về các chủng loại cây dược liệu mang hàm lượng dược tính cao. Nhờ đó công ty đã định hướng  phát triển các bài thuốc kết hợp với chế biến sâu thành các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Bà Trần Thị Nhung - Phó Chủ tịch HĐQT CT cổ phẩn Đại  Phú An, huyện Văn Yên : “ Để sản xuất các sản phẩm đạt chỉ tiêu chất lượng, Công ty đã tận dụng tốt lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để lựa chọn những cây nguyên liệu, thảo dược sinh trưởng tốt, có hàm lượng hoạt chất cao. Liên kết với các hộ dân để thực hiện trồng, chăm sóc, khai thác, sơ chế theo đúng yêu cầu kỹ thuật trước khi  đưa vào sản xuất.”

Gia đình bà Hà Thị Hoa, thôn Trung Tâm, xã Đại Phác có khoảng hơn 100 gốc cây long não, đây là 1 trong những cây nguyên liệu chủ yếu trong 1 số sản phẩm của CT CP Nam dược Đại Phú An. Loài cây này có các bộ phận từ rễ, thân cành lá đều có giá trị làm thuốc. Bà Hoa cho hay: “ Xác định trồng cây làm  nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thuốc nên gia đình tôi luôn chú trọng đến việc chăm sóc. Ngoài việc lựa chọn khu vực trồng cây đón nhiều ánh nắng mặt trời, thường xuyên xới cỏ vun gốc khi cây còn nhỏ, tôi còn chú trọng đến việc không sử dụng thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc. Nhờ đó mà giá trị của cây được nâng lên đáng kể.”

Các sản phẩn OCOP của công ty TNHH Đại Phú An.

Từ các nguồn dược liệu, để chế biến thành các sản phẩm như tinh dầu, dạng lỏng, hay cao đòi hỏi phải có dây chuyền công nghệ khép kín. Công ty CP Nam dược Đại Phú An đã đầu tư máy móc để sản phẩm đảm bảo đảm các tiêu chuẩn và đạt chất lượng cao, công ty đã đổi mới và đưa vào vận hành hệ thống máy móc ở tất cả các khâu như băm, nghiền, tách, triết, tinh chất, cô đặc, đóng chai… Bà Trần Thị Nhung - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam dược Đại Phú An nói : “Xây dựng liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Công ty CP Nam Dược Đại Phú An đã xây dựng khu trưng bày các sản phẩm ocop, tham gia các hội chợ, triển lãm do địa phương, tỉnh tổ chức. Đây là cách tiếp cận và mở rộng thị trường, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm ocop có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt và giá cả phù hợp.”

Biểu tượng lo go Quế Văn Yên hầu như ở khắp mọi nơi trên địa bàn huyện, cây Quế không chỉ giúp người dân Văn Yên xóa đói, giảm nghèo bền vững, làm giàu, mà còn là "biểu tượng" kinh tế, văn hóa của tỉnh Yên Bái nói chung, huyện Văn Yên nói riêng với rất nhiều sản phẩm độc đáo. Tận dụng lợi thế về cây “ vàng xanh” này, Hợp tác xã Quế Văn Yên được thành lập năm 2018, với ngành nghề kinh doanh chính chuyên thu mua, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây quế. Quá trình phát triển, HTX đã có sự sáng tạo và nhạy bén để tạo ra các sản phẩm đa dạng, độc đáo từ cây quế, được thị trường đón nhận, và là đơn vị TOP đầu của tỉnh về số lượng sản phẩm, góp phần đưa Quế Văn Yên trở thành sản phẩm chủ lực của Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái. Ông Đặng Công Long - Giám đốc HTX Quế Văn Yên, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cho biết : “ Trong số 7 sản phẩm OCOP của HTX,  sản phẩm từ tinh dầu quế và đồ thủ công mỹ nghệ là những sản phẩm đặc trưng, mang lại doanh thu và uy tín của HTX trên thị trường.  Theo đó, HTX chú trọng đến lựa chọn vùng nguyên liệu, ứng dụng KHKT trong sản xuất tinh dầu, có hệ thống bao bì, nhãn mác, mã QR được HTX đầu tư để nhận diện sản phẩm của mình. Với những sản phẩm là đồ thủ công mỹ nghệ từ quế đề cao quá trình xử lý nguyên liệu gỗ, đảm bảo khi đưa vào chế tác gỗ không bị cong, vênh, nứt. Nhờ đó tăng vẻ đẹp về mẫu mã, hình thức và chất lượng cho sản phẩm.”

Lãnh đạo huyện Văn Yên giới thiệu các sản phẩm OCOP được sản xuất từ Quế.

Đồng chí Trần Xuân Phùng - Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cho hay: “ Chỉ tính riêng từ quế, trên địa bàn thị trấn Mậu A hiện đã xây dựng được 13/16 sản phẩm ocop do các chủ thể thực hiện. Việc liên kết từ khâu người trồng đến khâu nhà sản xuất, thành phẩm và phân phối sản phẩm ra thị trường đối với sản phẩm ocop đều dựa trên các yếu tố khoa học kỹ thuật. Khoa học hiện diện từ khâu chuẩn về nguyên liệu, sử dụng công cụ, hệ thống máy móc để hoàn thiện sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến phân phối ra thị trường qua hệ thống bán lẻ hay tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ở địa phương, qua các sàn thương mại điện tử. Do đó gắn xây dựng chương trình mỗi xã 1 sản phẩm với áp dụng KHKT được địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân qua các chương trình, nghị quyết, đề án hỗ trợ.”

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng, là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mạnh mẽ hơn, góp phần giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.  Để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm vai trò của khoa học công nghệ là rất rõ ràng. Từ những bước đi đầu tiên, lựa chọn cây gì con gì phù hợp, trồng cây nuôi trồng như thế nào cho đến việc vận dụng yếu tố khoa học trong các khâu chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm. Khoa học kỹ thuật hiện diện trong hệ thống máy móc, dây chuyền công nghệ sản xuất và xây dựng, quản lý, điều hành hệ thống chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm ra thị trường. Ở công đoạn nào, nếu khoa học kỹ thuật và công nghệ được phát huy thì ở đó chất lượng sản phẩm được nâng lên, giảm được nhân công và sức lao động, hạn chế tối đa sự tham gia của con người vào quy trình sản xuất, sản phẩm làm ra đảm bảo về chất lượng, đa dạng về mẫu mã.

Đoàn Tuấn - Thu Nhài