VNHN - Huyện Thọ Xuân thuộc tỉnh Thanh Hoá, với cấu trúc địa lý một cách hài hòa giữa núi non, ruộng đồng, sông suối lại ẩn chứa trong lòng nhiều huyền thoại đặc sắc nhất là cố đô Lam Kinh đầy tính sử thi và hùng tráng. Từ xa xưa, nhân dân cả nước biết đến Thọ Xuân không chỉ là vùng đất lịch sử phát triển lâu đời, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử sôi động, hào hùng của dân tộc, là quê hương của nhiều danh nhân, hào kiệt, đặc biệt là vùng đất phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê đã ngự trị ngai vàng, giữ vững quốc thái dân an, xã tắc thanh bình. Có thế nói Thọ Xuân là cái nôi linh thiêng của Xứ Thanh “Mảnh đất địa linh nhân kiệt”, có tiềm năng dồi dào, phong phú về nhiều loại hình du lịch Văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch danh lam thắng cảnh.
Di tích quốc gia đặc biệt – Đền thờ Lê Hoàn
Trên địa bàn huyện có hơn 200 di tích lớn nhỏ các loại, trong đó 13 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 34 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt và hai danh lam thắng cảnh như núi Mục Sơn, đập Bái Thượng. Ngoài ra, di sản phi vật thể cũng phong phú và đa dạng với nhiều trò diễn dân gian, lễ hội, nghề truyền thống như trò Xuân Phả, ca Trù, bánh gai Tứ Trụ. Đặc biệt là từ khi có Luật Di sản Văn hóa, Luật Du lịch được ban hành, du lịch huyện Thọ Xuân đã có những bước chuyển biến tích cực. Công tác đầu tư tôn tạo công trình Văn hoá và phát huy giá trị các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở Thọ Xuân được các cấp, ngành quan tâm như: Dự án Khu di tích lịch sử Lê Hoàn, khu di tích lịch sử Lam Kinh, di tích cách mạng Lê Văn Sỹ...
Trong những năm qua việc khai thác tiềm năng du lịch ở huyện Thọ Xuân chủ yếu thông qua tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Xuân Phả, lễ hội Cao Sơn, lễ hội Lê Thánh Tông, qua đó du lịch đã bước đầu được quan tâm và đầu tư bằng những chương trình quảng cáo trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí, tờ rơi, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, băng zôn và những gian hàng chợ quê truyền thống, những phòng trưng bày triển lãm. Do đó đã đón và giới thiệu hàng triệu lượt du khách đến thăm quan du lịch và dâng hương tại địa phương.
Cổng vào di tích quốc gia đặc biệt – Đền thờ Lê Hoàn
Đền thờ Lê Hoàn nằm ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Năm 2018, Đền thờ Lê Hoàn được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Đền hiện được xem là ngôi Đền cổ nhất xứ Thanh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay Đền đã được tu bổ, tôn tạo khang trang nhưng vẫn bảo tồn nguyên dáng vẻ cổ kính. Trong Đền còn lưu giữ nhiều đồ vật quý, đặc biệt là có 1 đĩa bằng đá trắng, tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn, đường kính 36cm, trong lòng đĩa ghi chữ: “Giang Nam nhất phiến tuyết, Trác khí vạn niên trân”. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn có phong cách kiến trúc đền thờ truyền thống của người Việt và nghi lễ bài trí gắn liền với tâm thức cổ truyền. Giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Đền thờ Lê Hoàn là lối kiến trúc hình chữ Công, có hệ vì kèo đặc trưng gồm giá chiêng, chống rường, con nhị, kéo góc theo lối dầm đỡ chống nóc,… tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể ngôi nhà. Đền thờ Lê Hoàn còn có những bức chạm thủng, chạm nổi, chạm bong tinh xảo trên một đồ án bố cục chặt chẽ, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của những nghệ nhân tài hoa. Đặc biệt, đền còn bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ như văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, đại tự, hương án, khám thờ, tượng pháp, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674-1887, 6 đạo lệnh chỉ của các chúa Trịnh, …
Qua nhiều thế kỷ tồn tại, đền thờ Lê Hoàn luôn là nơi hậu thế hướng về, bày tỏ sự thành kính, ngưỡng vọng, tri ân và thực hành các nghi lễ thờ cúng người anh hùng dân tộc – vị vua khai sáng vương triều Tiền Lê. Trong suốt 24 năm trị vì của ông, đất nước luôn bình yên, cuộc sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc bởi nhiều cải cách được coi là những tiến bộ vượt bậc so với các triều đại phong kiến trước đây. Ghi ơn những công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập quê hương ông.
Bà con xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) làm bánh răng bừa phục vụ du khách đến với lễ hội Lê Hoàn
Lễ hội truyền thống Lê Hoàn diễn ra từ ngày 7-9/3 âm lịch hàng năm tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như: Hội thi dựng trại binh thời Lê, các trò chơi, trò diễn dân gian, thi đấu vật, kéo co, cờ tướng, thi làm bánh lá răng bừa,…
Đặc biệt, tại Lễ hội đền Lê Hoàn, mọi người sẽ được thỏa sức ngắm nhìn các bà, các chị thoăn thoắt đôi tay làm bánh lá răng bừa ở không gian của hội chợ quê tại chính lễ hội này. Bánh lá răng bừa, chiếc bánh nhỏ xinh mà gói trọn cả tấm chân tình của người làm bánh. Người dân ở đây cho biết nghề làm bánh răng bừa của làng đã có hơn 1.000 năm tuổi, bánh vẫn giữ được nét đặc trưng hương vị ẩm thực truyền thống của địa phương. Bánh lá răng bừa của làng đã từng được tham gia ở nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, ở Lễ hội Lam Kinh, bánh đi Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... Làng nghề làm bánh lá răng bừa ở Trung Lập được công nhận là làng nghề truyền thống vào ngày 21/1/2015. Hiện nay, ở làng Trung Lập có hơn 200 hộ làm nghề, chính quyền địa phương đang cùng với người dân và các ngành chức năng trong huyện đã có đề án xây dựng thương hiệu cho bánh làng nghề. Kỳ vọng, trong hiện tại và tương lai du lịch huyện Thọ Xuân sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế./.