13/01/2025 lúc 14:54 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Tân Lạc (Hòa Bình): Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tân Lạc là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, được thiên thiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Tận dụng những lợi thế đó, huyện Tân Lạc đang từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tân Lạc là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, được thiên thiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng với bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Tận dụng những lợi thế đó, huyện Tân Lạc đang từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có

Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Hòa Bình, có diện tích tự nhiên 532,05 km2; có hai tuyến quốc lộ đi qua, nhiều tuyến tỉnh lộ kết nối với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh; Tân Lạc được ví như cửa ngõ các tỉnh vùng Tây Bắc, rất thuận lợi trong việc thông thương hàng hóa, phát triển du lịch.

Trên địa bàn huyện Tân Lạc hiện có 19 điểm di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh được bảo vệ và khai thác. Trong đó, có 06 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 03 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 09 điểm được UBND tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê, 01 điểm dừng chân tại đèo cua đá trắng. Bên cạnh đó, Tân Lạc còn được thiên nhiên ban tặng cho một hệ sinh thái khá phong phú, với nhiều hệ động, thực vật đặc hữu, hệ thống sông suối, hồ đập, hang động dày đặc, khí hậu ôn hoà mát mẻ.

Động Thác Bờ được công nhận là dich tích quốc gia Việt Nam năm 2009.

Huyện có rất nhiều điểm tài nguyên đã và đang thu hút khách du lịch như: Động Thác Bờ, động Hoa Tiên, động Nam Sơn, vịnh Ngòi Hoa, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông...; các xóm dân tộc hiện đang thu hút sự quan tâm của du khách như xóm Mường cổ xóm Ải – xã phong phú; xóm Chiến xã Nam Sơn; xóm Bưởi xã phú Cường, xóm Ngòi xã Ngòi Hoa…

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Mường.

Tân Lạc còn được biết đến là vùng đất cổ Mường Bi, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của Người Mường. Nơi đây có những sản phẩm thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, rượu cần, đan lát.....; lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như: nếp nhà sàn truyền thống, trang phục dân tộc, hát ru, hát đúm, đánh chiêng, trình diễn mo Mường... Không những vậy, các lễ hội tại Tân Lạc cũng đã trở thành các sản phẩm du lịch quan trọng như: Lễ hội khai hạ Mường Bi xã Phong Phú; lễ hội chùa kè xã Phú Vinh, lễ hội truyền thống đánh bắt cá suối xã Lỗ Sơn… Tất cả những nét truyền thống đó chính là tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại đây.

Huyện Tân Lạc phát triển hoạt động du lịch cộng đồng ở xóm Ngòi (Suối Hoa).

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, huyện Tân Lạc đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. UBND huyện Tân Lạc đã phối hợp các sở, ngành chức năng hoàn thiện các quy hoạch ngành, thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông.

Song song với việc phát triển du lịch, huyện Tân Lạc rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường. Môi trường đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành du lịch; môi trường tự nhiên xanh – sạch – đẹp và an toàn chính là một tiêu chí bảo đảm chất lượng cuộc sống. Điều này càng đúng với du lịch, thậm chí môi trường đang là một nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, thương hiệu và chất lượng sản phẩm du lịch.

Toàn cảnh huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Để xây dựng hình ảnh du lịch Tân Lạc an toàn, thân thiện, văn minh, Ông Bùi Văn Nhỏ - chủ tịch UBND huyện Tân Lạc chia sẻ: “Chủ trương của huyện là phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường kết hợp với phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và lĩnh vực. Huyện Tân Lạc kiên quyết không chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào.”

Trong thời gian tới, huyện Tân Lạc tiếp tục khai thác và phát huy những tiềm năng sẵn có; đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng chất lượng và hiệu quả. Tin rằng, ngành du lịch sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội; Tân Lạc sẽ là điểm đến của du khách trong, ngoài nước khi đến tỉnh Hòa Bình.