14/01/2025 lúc 16:55 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Phú Lương, Thái Nguyên: Bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị các di tích

Những năm qua, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phát huy hiệu quả các di tích là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục truyền thống lịch sử cho nhân dân địa phương.

Những năm qua, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phát huy hiệu quả các di tích là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục truyền thống lịch sử cho nhân dân địa phương.

Trên 300m đường vào di tích Địa điểm tổ chức Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ Nhất toàn quốc năm 1952 tại xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành (Phú Lương) mới được đổ bê tông.

Trong tổng số hơn 100 di tích, huyện Phú Lương hiện có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 14 di tích  lịch sử văn hóa cấp tỉnh và gần 100 di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng và phát triển của địa phương. Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Nhận thức việc bảo tồn các di sản, di tích là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, những năm qua, huyện Phú Lương luôn quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích; thành lập và điều hành có hiệu quả ban quản lý của từng khu, điểm di tích; lựa chọn những người gắn bó, tâm huyết với các di tích trên từng địa bàn để kiện toàn vào ban quản lý; chỉ đạo chặt chẽ công tác trông coi, bảo vệ, giữ gìn các cơ sở vật chất, di vật, cổ vật thuộc khu di tích; yêu cầu theo dõi hiện trạng và kịp thời báo cáo cấp trên khi có hư hỏng, xuống cấp để trùng tu, khắc phục… Công tác quản lý, bảo vệ, vệ sinh môi trường và phát huy giá trị của di tích được thực hiện thường xuyên và liên tục.

Để bảo tồn, phát huy tốt giá trị các di tích, UBND huyện trực tiếp quản Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đền Đuổm và Di tích Lịch sử văn hóa Đền Trình. Nhiều năm qua, hai di tích này đã được bảo vệ và phát huy hiệu quả, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục truyền thống lịch sử. Ví dụ như đối với Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đền Đuổm nằm trên địa bàn xã Động Đạt. Những năm gần đây, huyện Phú Lương đã đầu tư gần 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và nguồn công đức để khắc phục, tu bổ các điểm xuống cấp bảo đảm chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Đồng thời, xây dựng thêm các hạng mục phục vụ lễ hội, nâng tầm di tích, góp phần phát huy giá trị Di tích.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử văn hóa Đền Đuổm cho biết: Trung bình mỗi năm, Đền Đuổm đón tiếp trên 300 nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái vị Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh và hòa mình vào các hoạt động lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa. Không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, di tích được nhân dân địa phương và du khách xem là nơi giáo dục tinh thần uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Bên cạnh hai di tích kể trên, các di tích còn lại, huyện giao toàn bộ cho các địa phương quản lý. Trên cơ sở đó, địa phương thành lập ban quản lý để tổ chức các hoạt động bảo vệ, phát huy di tích; đồng thời, giao trực tiếp cho các đơn vị, tổ chức chính trị xã hội và người dân địa phương bảo vệ, chăm sóc di tích thường xuyên. Với cách làm này, các di tích trên địa bàn huyện đã được bảo vệ và phát huy tốt hiệu quả là nơi giáo dục truyền thống, sinh hoạt văn hóa cho nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương.

Đơn cử như đối với Di tíchLịch sử Quốc gia Xưởng Quân giới Giang Tiên - là nơi chế tạo thành công súng Bazôka của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp, sau khi được giao về thị trấn Giang Tiên quản lý, không chỉ được bảo vệ, tu bổ thường xuyên mà còn phát huy tốt giá trị lịch sử, là nơi giáo dục truyền thống cách mạnh cho người dân đặc biệt là thế hệ trẻ. Tương tự cách làm của Giang Tiên, để phát huy tốt giá trị Di tích Địa điểm tổ chức Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu lần thứ nhất toàn quốc năm 1952, tại xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành cũng giao cho người dân trực tiếp quản lý, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động gắn liền với Di tích để giáo dục truyền thống, lịch sử cho người dân đặc biệt là thế hệ trẻ. Mới đây, UBND xã đã vận động 7 hộ dân hiến đất, mở rộng đường, đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổ bê tông trên 300m đường vào Di tích với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Ông Lương Hải Long, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chúng tôi thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, giáo dục tư tưởng, truyền thống cho cán bộ, đảng viên tại Di tích này, đồng thời tổ chức đón tiếp các đoàn của Trung ương, tỉnh và huyện về thăm hằng năm.

Không chỉ phát huy di tích, di sản trong việc giáo dục truyền thống, lịch sử, huyện Phú Lương đang xây dựng các tua, tuyến du lịch về nguồn, du lịch tâm linh và du lịch văn hóa cộng đồng gắn với các di tích, di sản trên địa bàn. Các chương trình phát triển du lịch đều được xây dựng trên cơ sở bảo tồn tính nguyên vẹn và gìn giữ tối đa giá trị lịch sử văn hoá của các khu, điểm di tích. Huy động được nhiều nguồn vốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc trùng tu, tôn tạo khu di tích.