Vừa qua, Ban Chỉ đạo chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thuỷ sản huyện Kim Sơn đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 15/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thuỷ sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Những năm qua, việc sử dụng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị cấm để đánh bắt thủy sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, tác động xấu đến các hệ sinh thái. Do đó, việc nghiêm túc thực hiện Kế hoạch sẽ giúp lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động khai thác thuỷ sản trên địa bàn huyện đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác (đánh bắt) thuỷ sản và công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong hoạt động khai thác thuỷ sản; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; góp phần phát triển bền vững ngành Thuỷ sản của huyện.
Việc sử dụng xung điện sẽ làm chết hoặc tê liệt các loài thủy sản.
Cùng với đó chủ động đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản; hành vi vi phạm pháp luật về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên phạm vi toàn huyện đối với các hoạt động khai thác thuỷ sản; quá trình kiểm tra, kiểm soát không gây tác động, cản trở ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thuỷ sản đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Để kế hoạch được thực hiện hiệu quả nhất, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân không sử dụng các hình thức khai thác (đánh bắt) thuỷ sản mang tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản; kêu gọi tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật thuỷ sản; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giao nộp các vật liệu nổ, công cụ, dụng cụ trong khai thác thuỷ sản, tích cực phát hiện, tố giác các đối tượng không chấp hành.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác (đánh bắt) thuỷ sản trên địa bàn huyện thực hiện ký cam kết không vi phạm pháp luật thuỷ sản về khai thác thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Theo đó, chủ phương tiện (tàu cá) hoạt động khai thác trên biển, hệ thống sông ngòi; người dân khai thác, đánh bắt vùng kênh mương nội đồng, ao hồ, đánh bắt các nghề cố định (đăng, đáy, vó, lờ dây) tại các sông, cửa biển; các đối tượng có hành vi sử dụng kích điện, điện lưới, chất nổ, ngư cụ cấm trên địa bàn phải thực hiện ký cam kết không tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, các ngư cụ, công cụ, dụng cụ bị cấm để hoạt động khai tác thuỷ sản. Đồng thời giao nộp vật liệu nổ, các ngư cụ, công cụ, dụng cụ bị cấm hiện còn lưu giữ về chính quyền địa phương.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán ngư lưới trên địa bàn huyện thực hiện ký cam kết không kinh doanh, buôn bán các ngư cụ, công cụ, dụng cụ bị cấm để khai thác thuỷ sản; đồng thời giao nộp các ngư cụ, công cụ, dụng cụ bị cấm hiện còn lưu giữ về chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giao nộp các vật liệu nổ, công cụ, dụng cụ vị cấm trong khai thác thuỷ sản và tích cực đấu tranh, phát hiện, tố giác các đối tượng không chấp hành.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Để ngăn chặn tình trạng sử dụng xung kích điện, chất nổ, chất độc trong khai thác thủy sản, huyện thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát toàn diện các hoạt động khai thác (đánh bắt) thuỷ sản trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
UBND các xã, thị trấn phối hợp tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác thuỷ sản trên hệ thống loa phát thanh về các quy định của pháp luật thuỷ sản đến người dân, để người dân biết và nghiêm túc chấp hành; lắp đặt pano, áp phích tại các địa điểm như bến đò, hội trường thôn, xóm…