Ảnh minh họa.
Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn định hướng khoa học và công nghệ (KH&CN) là yếu tố quan trọng nhất cần được ưu tiên đầu tư để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn. Nhiều chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã ra đời định hướng cho sự phát triển của KH&CN (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1849/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính kèm theo Chương trình hành động của ngành Tài chính thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW).
Nguồn lực tài chính đầu tư cho KH&CN ngày càng tăng kết hợp từ nguồn NSNN và các nguồn ngoài ngân sách. Mặc dù nhu cầu chi cho phát triển KH&CN rất lớn, nguồn lực đầu tư cho KH&CN vẫn phụ thuộc nhiều vào NSNN trong khi NSNN cùng với huy động các nguồn lực xã hội cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhất định. Ngoài ra, thực tế triển khai vẫn cho thấy một số vấn đề đặt ra liên quan đến việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho KH&CN như: Tỷ lệ chi cho phát triển KH&CN còn thấp chỉ khoảng 0,5% GDP, tương đương 1 USD/người/năm, trong khi các nước phát triển là 1.000 USD/người/năm; Cơ cấu chi cho phát triển KH&CN chưa hợp lý, tỷ lệ chi thường xuyên còn cao; Còn thiếu cơ chế hiệu quả để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển KHCN từ phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hay sử dụng hiệu quả các quỹ hiện có; Còn nhiều bất cập trong huy động và sử dụng các quỹ ngoài NSNN (Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Phát triển KHCN quốc gia, Quỹ KHCN tại doanh nghiệp). Tất cả những vấn đề trên đều ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện đề tài “Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính cho phát triển KH&CN tại Việt Nam” nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong những năm gần đây, công tác đầu tư tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh, thành phố ngày càng được quan tâm, kinh phí dành cho khoa học, công nghệ ngày càng cao, hướng đầu tư tập trung hơn, bảo đảm hiệu quả đầu tư của Nhà nước. Về cơ bản, các địa phương đều bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ bảo đảm tối thiểu bằng mức cân đối của Trung ương.
Năm 2023, có 39 địa phương chủ động cân đối, bố trí kinh phí cao hơn mức Trung ương thông báo như: Quảng Ninh (2,8 lần), Thanh Hóa (2 lần), Bà Rịa -Vũng Tàu (1,8 lần), Bến Tre, Lào Cai (1,6 lần)... Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, mặc dù trong năm 2023 kinh phí đầu tư phát triển khoa học, công nghệ đã được quan tâm, nhưng nhìn chung còn hạn hẹp, cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị của các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngày càng được tăng cường. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư cho ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Một số doanh nghiệp tiếp tục là điểm sáng về chủ động đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao.
Đơn cử như Tập đoàn Vingroup đã thành lập Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ 160 tỷ đồng cho khoa học, công nghệ năm 2023, nâng tổng giá trị tài trợ trong 5 năm gần đây lên tới 800 tỷ đồng; Tập đoàn Sao Mai (An Giang) đã dành khoảng 50 tỷ đồng cho nghiên cứu phát triển; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (Cần Thơ) dành hơn 50 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đổi mới công nghệ… Dù nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ ngày càng tăng nhưng theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ là mục tiêu đặt ra chưa đạt được.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, mặc dù các cơ quan nhà nước đã có những nỗ lực đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, thế nhưng việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ hợp tác được hình thành từ hai nguồn kinh phí trở lên chưa được hướng dẫn chi tiêu; một số hoạt động tài chính liên quan đến thương mại hóa công nghệ, đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ chưa được quy định. Do đó, chưa khơi thông được nguồn lực của doanh nghiệp cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Để nâng cao nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Nhà nước cần sớm tháo gỡ những điểm nghẽn nhằm giải phóng nguồn lực cho các trường đại học trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Nhà nước có thể cho thí điểm một số chính sách như: Cho phép nhà khoa học ở trường đại học công làm việc về nghiên cứu và phát triển cho doanh nghiệp, như vậy sẽ tạo điều kiện cho hợp tác công-tư, thu hút đầu tư tư nhân; cho phép trường đại học tự định giá tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của đơn vị và sử dụng kết quả định giá đó cho việc góp vốn hình thành doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Các trường đại học cần nhận định đầy đủ về thế mạnh của mình, từ đó đề xuất những hướng hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có khả năng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân…
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 quy định Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học, công nghệ; doanh nghiệp được thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, việc đầu tư, tài trợ cho khoa học, công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế và tôn vinh, khen thưởng.
Thực tế chưa huy động được hiệu quả nguồn lực xã hội cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là do năng lực đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp còn hạn chế. Cơ chế, chính sách chưa thúc đẩy được khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ.
Thời gian tới, Bộ cần xây dựng hành lang pháp lý cho phép sử dụng kết quả khoa học, công nghệ, tài sản trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp và vay vốn ngân hàng; bên cạnh đó, tiếp tục điều chỉnh, triển khai cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khoa học, công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chính sách mua sắm công cũng cần được sửa đổi để khuyến khích việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động nghiên cứu, phát triển trong nước.