17/01/2025 lúc 06:34 (GMT+7)
Breaking News

Hương Trà - Làng quê bên sông Tam Kỳ

VNHN - Mấy ai biết có một ngôi làng bên tả ngạn dòng sông Tam Kỳ này hàng trăm năm trước từng có những bến đò đưa khách sang sông, những chuyến đò xuôi ngược từ thượng nguồn về biển. Bến đò ông Ẩn, bến đò bà Sơ rồi đò ba bến của bà Độc, nợi gặp nhau của 3 con sông Tam Kỳ - Trường Giang – Bàn Thạch một thời vang bóng. Người đưa đò và bến xưa không còn nữa chỉ có dòng sông và ngôi làng bên sông ở lại để kể chuyện bến nước đôi bờ. Ngôi làng Hương Trà xưa ấy, qua tháng năm thời cuộc đất và người nơi

VNHN - Mấy ai biết có một ngôi làng bên tả ngạn dòng sông Tam Kỳ này hàng trăm năm trước từng có những bến đò đưa khách sang sông, những chuyến đò xuôi ngược từ thượng nguồn về biển. Bến đò ông Ẩn, bến đò bà Sơ rồi đò ba bến của bà Độc, nơi gặp nhau của 3 con sông Tam Kỳ - Trường Giang – Bàn Thạch một thời vang bóng. Người đưa đò và bến xưa không còn nữa chỉ có dòng sông và ngôi làng bên sông ở lại để kể chuyện bến nước đôi bờ. Ngôi làng Hương Trà xưa ấy, qua tháng năm thời cuộc đất và người nơi đây vẫn gắn kết thủy chung như thuở đầu cha ông dựng làng lập ấp.

         Bến đò ven sông Hương Trà

Cũng như nhiều làng quê khác ở Quảng Nam sau cuộc trường chinh phương Nam thắng lợi năm 1471, vua Lê Thánh Tông ban chỉ dụ lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, tổ chức chiêu mộ nhân dân các đạo từ Nghệ An, Thanh Hóa đưa vào khai khẩn đất đai lập làng xã mới. Làng Hương Trà xưa ven sông Tam Kỳ thuộc phường Hòa Hương, tp Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cũng bắt đầu từ đó. Theo tư liệu của tộc Trần, tộc Nguyễn Tam Kỳ thì đến năm Cảnh Trị thứ 8 (1669 - đời vua Lê Huyền Tông) vùng đất này khai Bộ điền, lập nên “Vi tử Tam Kỳ tân lập xã”. Đến năm Cảnh Hưng thứ 27 (1767) chính thức có tên làng Hương Trà, ông Trần Văn Túc được nhà vua ban thưởng vì người có công quy tụ dân cư tân lập xã Tam Kỳ và ông trở thành thần hoàng làng.

    Nhà cổ Hương Trà

Tên gọi Hương Trà có lẽ được thể hiện trong 2 câu thơ cổ làng Hương Trà“Hương ba vĩnh bảo quan thiên cổ/Trà cẩm trường tồn kỷ vạn niên”. Theo ông Trần Văn Tuyền người cao niên của làng giải thích: Thường năm đến tiết tháng 3 thanh minh, hoa sưa nở vàng theo gió phủ kín những ngôi mộ, hương hoa sưa như ủy lạo với người thiêng cổ. Và tiết thanh minh những người đi tảo mộ về uống bát nước trà gấm (chè lá) đậm đà hương vị của làng. Bởi làng Hương Trà từ buổi đầu cây sưa được trồng trước ngõ và cây chè trồng sau vườn. Đặt tên làng Hương Trà để con cháu đời sau luôn gắn kết với làng, tri ân loài cây tỏa hương mà những bậc tiền nhân đã dày công gầy dựng.

     Sắc vàng hoa sưa Hương Trà

Làng nằm trên cồn cát bồi ven sông nên đất đai phì nhiêu, buổi đầu dân cư thưa thớt có khoảng trên dưới 30 hộ dân sinh sống làm nghề nông, nghề sông nước và một số hộ đi biển ngang đánh cá nhưng khi đất làng ngày càng bồi nhiều thì không làm biển mà trở về làm nông nghiệp. Đến năm 1945 thì số dân tăng lên 120 hộ, trong đó có 2 vạn ghe nằm bên kia sông thuộc xã Tam Xuân ngày nay nhập về làng, với khoảng trên 15 hộ.

Trải qua bao đổi thay của phố thị Tam Kỳ đã khoát lên ngôi làng một gương mặt nửa chừng xuân. Nhưng đằng sau gương mặt phố thị ấy, làng vẫn nguyên hình dáng quê truyền thống như nó vốn có từ thời bậc tiền hiền làng đến đây khai hoang mở đầu cơ nghiệp. Những cây đa, bến nước, đền thần hoàng rêu phong cổ kính như có linh hồn tổ tiên đầy huyền thoại về những anh hùng lịch sử.

       Đình làng Hương Trà

Đình làng Hương Trà được người dân đóng góp xây dựng cách đây trên 250 năm thờ những vị thần hoàng làng và là nơi tụ nghĩa của nhiều phong trào trong hai cuộc kháng chiến chống ngọai xâm của dân tộc. Vào thời Pháp thuộc, người ta gọi đình Hương Trà là Hương đình tụ nghĩa, bởi nơi đây vào những năm đầu của thế kỷ XX, nhiều vị sĩ phu chức sắc của làng tham gia phong trào Việt Nam Quang Phục hội đã lấy ngôi đình làm nơi đi về hội họp, bàn thảo việc canh tân, chống sưu thuế. Trong đó phải nói đến ông Trần Cang, ông là một Lý Trưởng nhưng hoạt động phong trào chống thuế, bị bắt và đánh chết tại Quảng Trị. Sau này một số cụ bị địch bắt đày, Hương đình tụ nghĩa cũng mai một dần.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, vùng đất Hương Trà đã trở thành nơi đóng căn cứ hoạt động của các cán bộ thuộc đội công tác nội ô thị xã Tam Kỳ. Với địa thế sông ngòi hiểm trở phù hợp với hoạt động cách mạng bí mật, cùng tinh thần chở che cho cán bộ của người dân, các đội công tác qua các thời kỳ đã anh dũng chiến đấu, đóng góp to lớn giải phóng quê hương. Đặc biệt, vào năm 1957 tại khu rừng Cửu Toàn Hương Trà, Chi bộ Đồng được thành lập. Đêm đêm những chuyến đò lặng lẽ ngược xuôi để đưa các đồng chí lãnh đạo của Đảng về cơ sở và vận chuyển lương thực, thuốc men về vùng giải phóng. Tổ chức móc nối nhiều cơ sở nội tuyến trong lòng địch để ta tổ chức nhiều trận đánh vào đồn địch, góp phần vào nhiều thắng lợi cho đến ngày giải phóng.

    Bờ đê xưa bây giờ là đường sưa

Làng Hương Trà xưa cũng có nhiều điền chủ, phú nông như Trần Bá Lưu, Trần Phòng, xã Đề, Hương Tăng. Nhưng phải kể đến điền chủ Trần Cảnh Loan, người có công xây dựng làng Hương Trà, ông đã bỏ tiền, gạo kêu gọi nhân dân đắp đê nén dòng chảy của sông tạo thành con đường bờ đê để nhân dân lưu thông, giờ gọi là con đường sưa hay đường cừa. Đặc biệt, hàng trăm năm nay, cứ sau mùa lũ theo lệ làng đến cuối tháng 11 âm lịch nhân dân trong làng hào hứng đi tu bổ đê, chặt nhánh sưa, trồng sưa và dọn sạch đường làng, trước để gia cố bờ đê, sau để đón tết và cứ thế cây sưa làng ngày càng thêm xanh.

“Đất Hương Trà nước trong gió mát/ Ngàn năm xưa sông núi vẫn còn/ Trời Hương Trà trăng sao soi tỏ/ Bốn mùa cây trái chuyển sinh sôi”.  

          Đất và người Hương Trà đi qua những tháng năm lịch sử thăng trầm cùng đất nước. Làng bây giờ trở thành khối, thành phường của thành phố Tam Kỳ. Nhưng cốt cách và tấm lòng hào kiệt của làng quê nơi bến sông xưa vẫn như buổi đầu cha ông đi mở đất.

   Làng Hương Trà ven sông

Khách du lịch nước ngoài đến Hương Trà

Thành phố Tam Kỳ cũng đã tiến hành khảo sát, lập quy hoạch phát triển làng sinh thái Hương Trà để giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa làng quê và cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Một ngày kia làng sẽ mang gương mặt văn minh đô thị, đón nhiều những bước chân du khách về với Hương Trà. Nhưng chắc chắn tính cách và vẻ đẹp riêng của một làng quê xưa bên dòng sông Tam Kỳ này sẽ không bao giờ thay đổi./.