VNHN - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế vừa phối hợp Nhà sách Thái Hà Book tổ chức tọa đàm “Khơi dòng văn hóa nghệ thuật thế kỷ 19 – 21” vào sáng nay 18/7/2020. Hơn 20 học giả, nhà nghiên cứu văn hóa đã tham dự tọa đàm này.
Các học giả trao đổi tại buổi tọa đàm.
Ông Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng bày tỏ, văn hóa nghệ thuật Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ 19 có sự thay đổi sâu sắc với sự xâm nhập văn hóa Pháp, đại diện văn hóa Châu Âu, khác hẳn những diễn biến văn hóa trước đó thuần tính Đông phương và ảnh hưởng chủ yếu từ Trung Quốc. Trong đó, Huế là mảnh đất được xem là ghi đậm nhiều tác động, giao thoa giữa các dòng chảy văn hóa cũ và mới này, bởi sự hiện diện của các nhà văn hóa Pháp và thể chế triều chính nhà Nguyễn. Do đó, việc xem xét khảo cứu, đánh giá lại đúng mức, đúng giá trị dòng văn hóa nghệ thuật này, chủ yếu là quan hệ văn hóa Pháp Việt, là rất cần thiết, để làm sáng tỏ hơn những giá trị văn hóa giao lưu Đông Tây, cũ và mới.
Đặc biệt, ở góc nhìn hội nhập văn hóa, văn minh thế giới, sự hiện hữu dòng văn hóa nghệ thuật tại Huế qua lăng kính, ngọn bút những nhà văn hóa Pháp thể hiện sâu sắc hơn các giá trị văn hóa mà người Việt Nam đã tiếp cận, chuyển hóa và sử dụng vào đời sống của mình.
Các nhà nghiên cứu văn hóa như Phan Đăng (Đại học Huế), Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Xuân Hoa… đã có những phát biểu, đánh giá góp ý về ý tưởng khơi gợi, tái phục nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam từ đầu thế kỷ 19, tập trung vào văn hóa giao lưu Việt Pháp, xem đây là hướng tư duy phản biện và tiếp nhận tích cực nên phát huy.
Tại tọa đàm, Thái Hà Book và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã tổ chức giới thiệu hai tác phẩm Souvenir de Huế của Michel Đức Chaigneau và L’Art à Huế của L. Cadiere, E.Gras, với các bản dịch tiếng Việt đến đông đảo công chúng yêu sách. Đây là những tác phẩm thể hiện rõ nét biểu hiện giao lưu văn hóa Việt Pháp từ đầu thế kỷ 19.
Ông Trần Đình Hằng hy vọng qua những tác phẩm này, công chúng sẽ nắm rõ hơn và hiểu đúng hơn những giá trị văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong quan hệ giao lưu, hội nhập văn hóa Châu Âu. Sắp đến, Phân viện này cùng các học giả, dịch giả tại Huế sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện thêm những tác phẩm văn học, văn hóa khác cùng chủ đề.
Buổi tọa đàm cũng ghi nhận sự kiện bán đấu giá bản tranh trúc chỉ Huế về bìa sách cuốn Souvenir de Huế (Ký ức về Kinh thành Huế) do các nghệ nhân Huế thực hiện.