16/01/2025 lúc 03:02 (GMT+7)
Breaking News

Huế: Đối thoại phát triển Áo dài Huế trong cuộc sống đương đại

​​​​​​​Chiều 19/12/2020, sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế đã chủ trì tổ chức buổi tọa đàm “Phục hưng quốc phục Việt và đưa áo dài truyền thống vào cuộc sống đương đại”, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu Huế, nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt và nhóm nghiên cứu Câu lạc bộ Đình Làng Việt (Hà Nội) về bảo tồn áo dài Việt Nam.

Chiều 19/12/2020, sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế đã chủ trì tổ chức buổi tọa đàm “Phục hưng quốc phục Việt và đưa áo dài truyền thống vào cuộc sống đương đại”, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu Huế, nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt và nhóm nghiên cứu Câu lạc bộ Đình Làng Việt (Hà Nội) về bảo tồn áo dài Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu tranh luận và đưa ra nhiều đề xuất phát triển Áo dài tại tọa đàm.

Đây là chương trình thuộc chuỗi sự kiện Tôn vinh Áo dài Việt Nam do chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, diễn ra từ ngày 18 – 20/12/2020. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, chuỗi sự kiện này bao gồm các hoạt động trưng bày, quảng diễn, giới thiệu rộng rãi hình ảnh chiếc áo dài ngũ thân truyền thống Việt với công chúng và những nhà nghiên cứu yêu mến văn hóa Việt. Riêng trong ngày 19/12, ở Huế đã có các sự kiện quảng diễn áo dài trên xe xích lô đường phố Huế, tổ chức giới thiệu các bộ trang phục áo dài của 15 nhà thiết kế áo dài Huế… thu hút đông đảo công chúng quan tâm.

Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt nhìn nhận, tọa đàm tại Huế là sự kiện thứ hai trong năm nay của các nhà nghiên cứu về Áo dài Việt, đánh dấu sự quan tâm và phục chế trở lại truyền thống văn hóa quốc gia từ giới chuyên môn, trước mắt từ chiếc áo dài ngũ thân truyền thống. “Trong những ngày Di sản Việt Nam tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp các cơ quan chức năng, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu, tọa đàm về hướng phát triển Áo dài với bối cảnh hiện đại. Chúng tôi đã đề nghị đưa hoạt động tôn vinh Áo dài Việt vào chương trình ngày Di sản quốc gia hàng năm, tổ chức thành ngày hội để các nghệ nhân, người dùng và du khách gặp nhau”. Ông Bình đánh giá như vậy.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đoàn Lâm (Hà Nội), việc tái hiện và gần gũi lại hình ảnh chiếc áo dài Việt, đặc biệt là áo ngũ thân nam giới với công chúng là rất cần thiết, trong mục tiêu bảo tồn và phát triển văn hóa nước nhà hiện nay. Ông Lâm khẳng định: “Chúng ta càng hội nhập sâu sắc với thế giới, càng tiếp cận nhiều nền văn hóa quốc gia, quốc tế, thì chúng ta càng cần định vị rõ mình là ai, mình như thế nào. Thực trạng một thời gian quá dài, chúng ta tưởng như bỏ qua nét văn hóa trong phục trang truyền thống, bỏ đi chiếc áo dài truyền thống, đánh mất đi những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, điều ấy rất đáng tiếc và cần được sửa chữa ngay”.

Ông Phan Thanh Hải chia sẻ, tại tọa đàm lần này, có 8 ý kiến chính thức từ các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân về việc cần thiết bảo tồn và phát triển ngay chiếc áo dài truyền thống Việt Nam và nét riêng của áo dài Huế. Câu chuyện phục hưng áo dài cũng phải gắn liền vấn đề làm sao đưa áo dài vào cuộc sống, với những kiểu mẫu, lối may, chất liệu, màu sắc, đặc biệt là giá thành phù hợp nhất với đông đảo công chúng người tiêu dùng, du khách… “Ví dụ Huế mưa nắng thất thường, việc đi lại của mọi người cũng đa dạng phương tiện hơn, thì làm sao để chiếc áo dài được sử dụng hiệu quả, gọn gàng, dễ mặc dễ giặt ủi…, với giá thành hợp lý, là điều mà các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp dệt may, phục chế áo dài truyền thống phải tính đến. Làm sao để áo dài được đông đảo bạn trẻ, người dân sử dụng hàng ngày, đó mới là thành công của mọi nỗ lực bảo vệ áo dài”. Ông Hải kết luận như vậy.