23/12/2024 lúc 19:45 (GMT+7)
Breaking News

Huế: Chạy marathon với áo dài ngũ thân, nên hay đừng ?

Sự việc lần đầu tiên, một số thành viên dự giải chạy marathon Huế 2020 diễn ra ngày 26/12 vừa qua, với trang phục áo dài ngũ thân đang thu hút dư luận với cả hai chiều nhìn nhận. Một hướng cổ vũ hành động này như một cách phổ biến rộng rãi hơn ra quảng đại quần chúng về hình ảnh chiếc áo dài truyền thống. Hướng ngược lại, gay gắt phê bình những người mặc áo là giễu cợt văn hóa cha ông, làm mất đi hình ảnh áo dài Việt.

Sự việc lần đầu tiên, một số thành viên dự giải chạy marathon Huế 2020 diễn ra ngày 26/12 vừa qua, với trang phục áo dài ngũ thân đang thu hút dư luận với cả hai chiều nhìn nhận. Một hướng cổ vũ hành động này như một cách phổ biến rộng rãi hơn ra quảng đại quần chúng về hình ảnh chiếc áo dài truyền thống. Hướng ngược lại, gay gắt phê bình những người mặc áo là giễu cợt văn hóa cha ông, làm mất đi hình ảnh áo dài Việt.

Áo dài ngũ thân xuất hiện trên đường marathon Huế 2020.

Trao đổi cùng Việt Nam Hội nhập, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế cho rằng, cả hai chiều dư luận đều cần được sự nhìn nhận thấu đáo hơn. Quan trọng là, với sự việc, cũng như rất nhiều sự kiện văn hóa khác đang được Huế cổ súy, giá trị bảo tồn phát triển chiếc áo dài Việt Nam sẽ được hiển hiện ra sao, mới là vấn đề.

Cộng đồng hóa áo dài, việc nên làm!

Ông Phan Thanh Hải khẳng định rằng, với quan điểm một người muốn bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống, trước hết đi từ trang phục, giao tiếp, cá nhân ông ủng hộ hoàn toàn việc đưa áo dài ngũ thân ra với công chúng đại đồng, cụ thể trong chương trình marathon có tính xã hội.

Chúng ta nên nhìn như những người Châu Âu, rất khoáng đạt và tự nhiên khi tổ chức các giải marathon có tính cộng đồng. Ganh đua hơn thua không phải là mục tiêu của những giải chạy này. Đơn giản, đó chỉ là những hoạt động xã hội, kêu gọi mọi người vận động thể thao, bảo vệ sức khỏe. Những người tham gia marathon chỉ cần đạt được vạch đích họ đặt ra, là đã có kết quả, cho thấy ý chí và quyết tâm vượt qua giới hạn bản thân mình.

Hóa thân thành lính cứu hỏa để chạy marathon tại Châu Âu.

Cho nên, họ cần chạy thế nào thoải mái, hồ hởi nhất, miễn đừng phạm quy định về phong tục mỹ quan là được. Không ít vận động viên marathon tại Pháp, Anh, đã chạy với trang phục chú hề, lính cứu hỏa, thậm chí hóa thân thành một cái bánh kem. Những người chạy marathon ở Huế, chọn áo dài để chạy, là quyền của họ và nên tôn trọng lựa chọn đó”. Ông Hải phân tích.

Hơn nữa, cũng theo ông Hải, trong bối cảnh văn hóa truyền thống đang suy thoái hiện nay, những nỗ lực của ngành văn hóa nước nhà, cụ thể tại Huế là kêu gọi bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, thật sự cần thiết. Chiếc áo dài Việt Nam trong hoạch định đó, cần được cộng đồng hóa mạnh mẽ, lan tỏa và gần gũi hơn với công chúng. Không chỉ có áo dài nữ, chiếc áo dài ngũ thân nam giới, gần đây cũng được các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa vận động, khích lệ mọi người mặc thay thế các loại trang phục khác. Thành ra, hình ảnh áo dài ngũ thân xuất hiện trong một giải marathon, nên xem là động thái tích cực, cho thấy cộng đồng đang ủng hộ, nhiều bạn trẻ đang ủng hộ phong trào này. Việc này còn minh chứng, trong quá khứ, cha ông mặc chiếc áo truyền thống trong sinh hoạt đời thường, từ sản xuất đến tập luyện thân thể, là rất bình thường.

Không ít người chạy marathon gồm cả một gia đình và trang phục rất thoải mái.

Chuẩn hóa và cách tân, nhu cầu bức thiết?

Điều đáng quan tâm theo ông Hải, là cộng đồng nên có sự ứng xử thế nào cho đúng về chiếc áo dài. Mà điều này, trước hết lại phải bắt nguồn từ các nhà nghiên cứu, thiết kế, làm sao để áo dài Việt được chuẩn hóa phù hợp thời đại hơn, thể hiện gần gũi và đa dạng trong đời sống sinh hoạt hơn.

Theo ông Hải, đã một thời gian rất dài, chiếc áo dài ngũ thân, đặc biệt là áo ngũ thân nam giới, chỉ xuất hiện trong cộng đồng với kiểu dáng phục vụ tế lễ, trang nghiêm trịnh trọng. Do đó khi đưa vào giải marathon, cũng có một số mẫu áo chưa phù hợp, khi chọn kiểu dáng áo thụng, tay rũ, khăn đóng… cho người mặc. Những mẫu đó không hợp lắm với người vận động mạnh, nên dễ bị dư luận đả kích. Việc này là do các bạn trẻ mặc áo chưa được tư vấn tốt, và chưa chọn đúng mẫu áo phù hợp hoàn cảnh.

Cá nhân mình cũng là người mặc áo dài ngũ thân thường xuyên, nhưng lúc nào mình cũng phải suy xét, chọn lựa đúng mẫu áo, kiểu áo, trong bối cảnh và thời điểm phù hợp. Nếu mặc áo sai người, sai hoàn cảnh, sẽ gây ra sự phản cảm và hạ thấp giá trị chiếc áo đi. Mình mong các bạn trẻ lưu ý về vấn đề này”. Ông Phan Thanh Hải tâm tư như vậy.

Anh Nguyễn Hải Đông (đeo kính đen) sau giải chạy: "Mặc áo ngũ thân thật sự thoải mái, tôi rất thích".

Điểm mấu chốt theo ông Hải, là sau mấy tháng vận động khởi xướng, hình ảnh chiếc áo dài Việt đã lan tỏa hơn, cho thấy xu hướng vận động văn hóa này là đúng đắn. Rất nhiều nhà thiết kế, và nhất là đông đảo người dùng, cá nhân nhiều bạn trẻ, đang hết sức quan tâm và ủng hộ áo dài xích gần với đời sống sinh hoạt hiện nay hơn. Những bạn trẻ này, lại không chỉ là người Huế, mà có rất đông người ở TP.HCM, miền Tây Nam bộ, nhiệt tình ủng hộ và tôn vinh áo dài.

Anh Nguyễn Hải Đông (HD Studio, TP.HCM), một thành viên mặc áo dài ngũ thân trong giải marathon chia sẻ: “Mình mặc áo ngũ thân của nhà thiết kế Quang Hòa, thật sự thấy rất thoải mái và vui. Chiếc áo được cách điệu rất mới mẻ, rộng rãi và đẹp, vừa có ý nghĩa văn hóa cổ truyền vừa hấp dẫn, mới lạ với sân chơi cộng đồng, mình rất thích. Sau cuộc chạy, mình đặt nhà thiết kế may cho mình luôn một bộ để mặc thường xuyên hơn”.