22/11/2024 lúc 19:49 (GMT+7)
Breaking News

Hợp tác xã là chủ thể nền tảng quan trọng trong phát triển sản phẩm OCOP ở Việt Nam

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là: One commune one product, gọi tắt là Chương trình OCOP) được triển khai, bước đầu đã chứng minh đây là một chương trình hiệu quả, phù hợp với mục tiêu thúc đẩy phát triển, xây dựng nông thôn mới nâng cao, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu và yêu cầu phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, Chương trình OCOP còn gặp không ít khó khăn, hạn chế.

Trên cơ sở phân tích một số kết quả, thành công, hạn chế, bất cập, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy vai trò của hợp tác xã trong phát triển các sản phẩm OCOP ở Việt Nam.

1. Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vai trò của hợp tác xã trong phát triển sản phẩm OCOP

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có phạm vi hoạt động rộng lớn, với vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã(1). Đồng thời, Văn kiện đặt ra mục tiêu: đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà trọng tâm là hợp tác xã(2). Trên tinh thần này, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” khẳng định: phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư. Nghị quyết đề ra mục tiêu, đến năm 2030: Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp(3).

Thực hiện đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12-3-2020 về chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13-11-2022 phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, trong đó định hướng: phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm; khuyến khích hợp tác xã tạo liên kết chặt chẽ với các thành phần kinh tế khác; mở rộng đa ngành nghề, lĩnh vực... Từ đó nâng cao, phát huy vai trò hợp tác xã trong liên kết chuỗi giá trị, gắn liền với các sản phẩm chủ lực địa phương, sản phẩm cấp tỉnh, quốc gia(4).

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1-8-2022 về Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh mục tiêu giải quyết các vấn đề cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới: môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn..)(5). Trong đó, phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển các sản phẩm OCOP là một trong những động lực thúc đẩy Chương trình OCOP cũng như gia tăng hiệu quả sự tham gia, thực hiện Chương trình của các chủ thể.

Phong trào mỗi làng một sản phẩm được bắt đầu từ tỉnh Oita, Nhật Bản (năm 1979) đã thu hái được nhiều thành công như một trường hợp điển hình về phát triển kinh tế địa phương (Local economic development). Phương thức và điển hình OCOP đã được học tập và triển khai ứng dụng ở nhiều quốc gia đang phát triển với các điều chỉnh và phiên bản khác nhau.

Phương pháp tiếp cận OCOP lần đầu tiên chính thức được áp dụng tại Việt Nam sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07-7-2006 về phát triển ngành nghề nông thôn. Trên cơ sở đó, cùng với việc nghiên cứu phong trào OCOP và đánh giá sự chuyển biến hình thái của mô hình này ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề án “Phát triển mỗi làng, một nghề giai đoạn 2006 - 2015”.

Đến năm 2018, Chương trình mỗi xã một sản phẩm được chính thức thực hiện trên toàn quốc theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ, với các mục tiêu: Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn(6).

Như vậy, để đạt được các mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021-2025, không thể không phát huy vai trò của hợp tác xã. Đồng thời, để đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội, các địa phương cần phát huy tốt vai trò của hợp tác xã trong phát triển Chương trình OCOP. Bởi vì, mô hình hợp tác xã tham gia phát triển sản phẩm OCOP đã bước đầu chứng minh việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hài hòa ở khu vực “tam nông” của nước ta.

2. Vai trò của hợp tác xã trong phát triển các sản phẩm OCOP

Tính đến giữa năm 2021, cả nước đã công nhận 4.733 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Trong đó, đồng bằng sông Hồng 37,2%, trung du và miền núi phía Bắc 20,6% và đồng bằng sông Cửu Long 15% là các khu vực có số lượng sản phẩm được công nhận cao nhất cả nước. Trong khi đó, Đông Nam Bộ mới chỉ có 88 sản phẩm được công nhận, khu vực Bắc Trung Bộ có 416 sản phẩm được công nhận, chiếm 8,8% số sản phẩm trên toàn quốc. Về chủ thể được công nhận OCOP, đã có 2.596 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 37,8% là các hợp tác xã, 27,7% là doanh nghiệp, 2,7% là các tổ hợp tác và 31,7% là các cơ sở sản xuất(7).

Chương trình OCOP hình thành được 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của hợp tác xã. Tỷ lệ chủ thể là hợp tác xã ở nhiều vùng chiếm tỷ lệ cao, cụ thể: vùng miền núi phía Bắc chiếm 43,8% chủ thể là hợp tác xã OCOP của cả nước (trong khi tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp của vùng miền núi phía Bắc chỉ chiếm 25% tổng số hợp tác xã của cả nước), tỷ lệ này ở khu vực Tây Nguyên là 7,6% so với mức 6% tổng số hợp tác xã nông nghiệp nói chung.

Đặc biệt, Chương trình OCOP đã thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới(8).

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới: có 823 hợp tác xã là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 30% trong tổng số gần 5.000 sản phẩm OCOP cả nước; 4.028 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (chiếm 23% tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước, tăng hơn 10% so với trước năm 2015). Từ chương trình đã hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với nâng cao vai trò của các hợp tác xã, đặc biệt là vai trò của hợp tác xã tại các vùng miền núi, khó khăn như miền núi phía Bắc(9)...

Số sản phẩm được công nhận OCOP ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là từ sự đóng góp của kinh tế hợp tác xã. Điều đó khẳng định hợp tác xã chính là chủ thể nền tảng quan trọng trong phát triển sản phẩm OCOP. Việc thành lập và hỗ trợ hợp tác xã phát triển có ý nghĩa quan trọng trong Chương trình OCOP nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhất là phát triển kinh tế vùng nông thôn. Với các bước đi theo chu trình OCOP đã đề ra, phát triển sản phẩm từ ý tưởng, đến hỗ trợ thành lập hợp tác xã và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã, Chương trình OCOP đã từng bước xây dựng, hình thành các hợp tác xã, các dự án và đang thực hiện sản xuất sản phẩm đưa Chương trình OCOP phát triển thành nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

Qua các nghiên cứu bước đầu cho thấy, hợp tác xã có vai trò quan trọng trong phát triển chương trình OCOP quốc gia, thể hiện nổi bật là:

Một là, hợp tác xã đã bước đầu thể hiện được bản chất của OCOP là phát huy nguồn lực địa phương: tài nguyên, kiến thức - tư duy - tay nghề... trong đó quy trình sản xuất sản phẩm bản địa kết hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm, đặc biệt sản phẩm mang tính cộng đồng. Cùng với yêu cầu hội nhập, tạo nên yêu cầu phải nâng tầm về quản trị sản xuất, con người... hay mở rộng hơn là quản trị một quá trình. Đối với sản phẩm cộng đồng theo mục tiêu OCOP đề ra, vai trò hợp tác xã được thể hiện rõ nét bởi tính kết nối, giá trị cộng đồng trong chuỗi giá trị.

Hai là, hợp tác xã là một tổ chức để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn bằng các mối quan hệ của các thành viên không hạn chế về địa bàn và pháp nhân. Các thành viên là cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn nông thôn dễ dàng mời gọi đối tác là họ hàng, bạn bè, pháp nhân ở ngoài xã, ngoài huyện, ngoài tỉnh góp vốn hợp tác sản xuất kinh doanh, đồng thời dễ thực hiện việc phân phối, lưu thông sản phẩm ra ngoài địa bàn nông thôn.

Ba là, hợp tác xã là chủ thể thực hiện phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, theo quy hoạch trên cơ sở khai thác tài nguyên đất đai có sẵn của các thành viên là hộ gia đình, cá nhân nằm trong vùng quy hoạch sản xuất tập trung hoặc trên địa bàn nông thôn.

Bốn là, hợp tác xã tại các địa bàn nông thôn sẽ thu hút và giải quyết được lực lượng lao động tại chỗ thông qua việc tổ chức sản xuất sản phẩm, dịch vụ OCOP cụ thể đã được Chương trình chấp thuận bằng sự hợp tác sản xuất của chính các thành viên là cá nhân, nhất là hộ gia đình trong hợp tác xã.

Năm là, hợp tác xã trở thành chủ nhân công nghệ, sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. 

Sáu là, khi phát triển các hợp tác xã tham gia sản xuất sản phẩm, dịch vụ OCOP, việc thực hiện hỗ trợ của Nhà nước hình thành nên tài sản chung của hợp tác xã sẽ có lợi cho cả Nhà nước và hợp tác xã. Từng bước giảm việc hỗ trợ trực tiếp đối với nông hộ - vốn gây nên sự ỷ lại của nông dân; hợp tác xã sẽ ràng buộc được các thành viên trong tổ chức sản xuất bởi quyền lợi của họ được hỗ trợ thông qua hợp tác xã.

Mặc dù đã thể hiện được những kết quả tích cực, nhưng vai trò của hợp tác xã vẫn còn không ít hạn chế trong phát triển các sản phẩm OCOP. Cụ thể là:

Thứ nhất, một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước và người dân chưa hiểu rõ bản chất, chưa nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình OCOP cũng như vai trò của kinh tế hợp tác trong phát huy nội lực, nâng cao giá trị gia tăng, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và sự đóng góp của Chương trình OCOP. Do vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển hợp tác xã, xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP ở một số địa phương, đặc biệt là ở cấp xã chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số hợp tác xã cũng như vai trò của hợp tác xã trong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP còn hạn chế.

Thứ hai, quy mô của hợp tác xã còn nhỏ, năng lực, nguồn lực,  thị trường... còn hạn chế, trong khi yêu cầu và nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất sản phẩm OCOP của các hợp tác xã rất lớn. Phần lớn thành viên hợp tác xã nông nghiệp là các hộ nông dân quy mô nhỏ, nguồn lực và năng lực hạn chế, chủ yếu sản xuất theo phương pháp, công nghệ truyền thống. Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm người lãnh đạo, quản lý điều hành hợp tác xã có đủ năng lực và tâm huyết với hợp tác xã. Chủ thể hợp tác xã trong phát triển sản phẩm OCOP chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế.

Thứ ba, sự tham gia vào chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, tỷ lệ hợp tác xã có hoạt động tạo ra giá trị gia tăng còn thấp. Trong khi đó, chương trình OCOP đòi hỏi phải mở rộng sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, thay đổi công nghệ do sản xuất, cần nguồn lực tham gia chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ... là những hoạt động quan trọng để hợp tác xã thu hút thành viên, tạo giá trị giá tăng cho thành viên và hợp tác xã, bảo đảm sự phát triển bền vững của hợp tác xã trong phát triển sản phẩm OCOP.

Thứ tư, chương trình OCOP là chương trình mới, trong khi đó không ít cán bộ và các thành viên hợp tác xã thực hiện chương trình còn có tư tưởng bao cấp, trông chờ ỷ lại. Số lượng cán bộ, thành viên hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ thấp. Đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã và thành viên hợp tác xã chưa được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên. Thiếu đội ngũ tư vấn, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương (xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh, cung cấp thông tin thị trường, khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm). Công tác đào tạo, tập huấn còn chưa sát nhu cầu của các hợp tác xã, việc tổ chức thực hiện trùng lặp về nội dung, khiến kinh phí vốn đã hạn chế lại bị phân tán, lãng phí.

Thứ năm, mặc dù sản phẩm hàng hóa hợp tác xã ở Việt Nam hiện nay rất phong phú về chủng loại, số lượng, chất lượng nhưng do các hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, đa dạng về chủng loại, có tính chuyên biệt cao nên khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục, việc áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất, chế biến còn  nhiều khó khăn. Định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, truyền thống ở nhiều địa phương còn chưa được quan tâm, chưa có chính sách, giải pháp phù hợp.

Thứ sáu, hiện tại hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, do đó công tác quản lý, vận động, tuyên truyền nhằm phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển sản phẩm OCOP còn hạn chế. Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa thực sự khuyến khích các địa phương và chủ thể hợp tác xã tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Thứ bảy, hệ thống các chính sách hỗ trợ chủ thể hợp tác xã phát triển sản phẩm  OCOP còn thiếu đồng bộ trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai. Quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu và chưa bảo đảm đầy đủ các quy định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Sự liên kết giữa chủ thể hợp tác xã với các nhà quản lý, nhà khoa học để xây dựng chuỗi giá trị, phát huy nguồn lực chưa thực sự hiệu quả, chưa tận dụng hết tài nguyên nội tại trong khu vực (nguyên liệu, lao động, văn hóa, kiến thức bản địa,...).

Việc hỗ trợ hợp tác xã quảng bá sản phẩm OCOP chưa chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ, hoạt động quảng bá còn manh mún, chưa xây dựng được kế hoạch quảng bá sản phẩm OCOP một cách bài bản, dài hạn, còn chồng chéo, chưa có sự phối hợp tốt trong triển khai các hoạt động.

Thứ tám, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng còn hạn chế (đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại, quản lý sản phẩm sau khi được công nhận sao,...) do các địa phương mới chỉ tập trung vào hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm. Hoạt động xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP, chưa trở thành giải pháp hỗ trợ tích cực, tạo động lực cho hợp tác xã tham gia vào Chương trình. Chất lượng của mạng lưới tư vấn Chương trình OCOP chưa đồng đều, năng lực một số đơn vị tư vấn còn yếu, chủ yếu tập trung vào công tác xây dựng hồ sơ, đánh giá, phân hạng sản phẩm. Khả năng hỗ trợ thực địa, đặc biệt là hỗ trợ về phát triển sản phẩm, liên kết theo chuỗi, xúc tiến thương mại...còn hạn chế.

3. Giải pháp phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển các sản phẩm OCOP

Một là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đường lối, khung pháp lý và các chính sách để các hợp tác xã phát huy vai trò, thích ứng được với sự đa dạng của các kiểu mô hình tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phù hợp với từng vùng, miền, ngành hàng sản phẩm, trong đó chú trọng phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Hai là, có cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã tham gia vào Chương trình OCOP. Tập trung huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, nhất là nguồn lực cho chủ thể hợp tác xã. Tập trung đổi mới mô hình tổ chức sản xuất theo hướng phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong đó, doanh nghiệp và hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Rà soát, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách hỗ trợ hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP, nhất là các hợp tác xã ở khu vực đặc biệt khó khăn. Tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách của Trung ương và các cấp, nhất là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho hỗ trợ hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP.

Ba là, tăng cường các nguồn lực hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức mà hợp tác xã là đầu mối, là đại diện các thành viên, đại diện người dân trong cộng đồng; mô hình doanh nghiệp trong hợp tác xã; hợp tác xã đa ngành, đa lĩnh vực... song song với ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đủ lớn, có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Cần xem xét, rà soát lại toàn bộ năng lực và khả năng nâng cấp hoạt động của mỗi hợp tác xã trong tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Ở đây, phát triển sản phẩm không chỉ là việc mở rộng quy mô, phạm vi, sản lượng lớn mà điều quan trọng hơn là nâng tầm sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao trên từng đơn vị sản phẩm (gồm: chất lượng, định vị thương hiệu, định vị thị trường, hiệu quả xúc tiến...), nâng cao giá trị thương hiệu cộng đồng... Trên cơ sở xác định chính xác khả năng của hợp tác xã, cần rõ ràng và chặt chẽ mối liên kết, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào từ sản xuất thô của thành viên, người dân trong cộng đồng; khả năng bao tiêu tạo nên vùng nguyên liệu ổn định. Đưa hợp tác xã thực sự là tổ chức đại diện cho một cộng đồng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây cũng chính là cơ sở cho liên kết, mở rộng hợp tác trong phát triển sản xuất, chế biến sâu, cũng như xúc tiến thị trường về sau.

Bốn là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng điều kiện cụ thể, từng nhóm đối tượng và đặc thù của từng địa phương, như: xây dựng bản tin trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở; cập nhật lên cổng thông tin điện tử; sân khấu hóa nội dung tuyên truyền; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu cơ chế chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và sản phẩm OCOP; thi thiết kế bao bì sản phẩm; thi sản xuất sản phẩm,...

Đồng thời, nghiên cứu đưa nội dung phát triển hợp tác xã gắn với sản xuất sản phẩm OCOP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn của ngành, của địa phương. Trên cơ sở đó tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức, hành động đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển Chương trình OCOP.

Năm là, các cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp huyện, cấp xã quan tâm chỉ đạo việc tổ chức, củng cố phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; vận động thành lập mới hợp tác xã ở các địa bàn mà các sản phẩm chủ lực còn ít hoặc chưa có hợp tác xã; phát triển quy mô thành viên trong các hợp tác xã, bảo đảm các địa bàn sản xuất OCOP trọng điểm đều có hộ nông dân tham gia liên kết hợp tác xã.

Sáu là, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong thành lập, phát triển hợp tác xã. Củng cố Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và tổ giúp việc các cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; huy động phối hợp, tham gia có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trong hướng dẫn, hỗ trợ, chỉ đạo, giám sát thực hiện Chương trình OCOP của các chủ thể tham gia.

Bảy là, thực hiện quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP cùng với tăng cường hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao quy trình - công nghệ sơ chế, chế biến sản phẩm OCOP của các chủ thể, trong đó có chủ thể hợp tác xã. Tích cực phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương và năng lực của chủ thể hợp tác xã. Hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm OCOP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.

Tám là, nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP, trong đó có chủ thể hợp tác xã. Tiếp tục triển khai xây dựng các Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với hỗ trợ khởi nghiệp và thiết kế mẫu mã sản phẩm OCOP, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các vùng trên cả nước. Thử nghiệm mô hình Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp OCOP. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu, nhằm xây dựng hệ thống quản lý, giám sát kết quả triển khai. Xây dựng tiêu chí, tổ chức nâng cao năng lực và quản lý mạng lưới tư vấn theo các tiêu chuẩn cụ thể, nhằm xây dựng mạng lưới tư vấn Chương trình OCOP chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, năng lực toàn diện, đoàn kết và thống nhất trong hỗ trợ triển khai Chương trình trên cả nước. Tăng cường công tác đào tạo lao động gắn với ngành nghề OCOP, bổ sung các quy định về đào tạo nghề (khung đào tạo nghề, độ tuổi học nghề...) để phù hợp với phát triển sản phẩm OCOP.

Chín là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm do chủ thể hợp tác xã cung cấp. Xây dựng và quản lý đồng bộ và hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam (nhãn hiệu chứng nhận), để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP, đưa biểu trưng OCOP trở thành dấu hiệu nhận diện đối với người tiêu dùng. Xây dựng các chính sách hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP quốc gia; đẩy mạnh kết nối mạng lưới sản phẩm OCOP cấp vùng, quốc gia và quốc tế. 

Mười là, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP do các chủ thể xây dựng và phát triển, trong đó có chủ thể hợp tác xã. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí về sản phẩm OCOP theo hướng nâng tầm sản phẩm OCOP gắn với lợi thế, tiềm năng sản phẩm địa phương. Hình thành tiêu chuẩn sản phẩm theo phân hạng sao để giúp các địa phương, chủ thể OCOP xây dựng định hướng, giải pháp phát triển sản phẩm.

Mười một là, đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực, nhất là thu hút, đào tạo nhân lực trẻ đã qua đào tạo, có kiến thức về làm việc cho hợp tác xã. Các hợp tác xã cần quan tâm hơn đến việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động, nhất là các chức danh: Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị; định kỳ bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên ngành cho các thành viên hợp tác xã. Có chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực có năng lực và tâm huyết vào làm việc ở các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã ở khu vực trung du miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các địa phương cần chú trọng khâu đào tạo nhân lực phát triển đội ngũ tư vấn trong Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, cần củng cố, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giảng dạy về kinh tế tập thể, hợp tác xã và Chương trình OCOP.

_________________

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.129-130, 45-46.

(3) Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-06-2022 Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

(4) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12-3-2021 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030.

(5) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22-02-2022 về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

(6) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1-8-2022 về Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.

(7), (8) Huỳnh Ngọc Thu: Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chuyển tải các giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới ở các vùng dân tộc thiểu số Nam Bộ, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

(9) Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương: Báo cáo kết quả Chương trình OCOP và định hướng giai đoạn 2021- 2025.

TS BÙI PHƯƠNG ĐÌNH

TS ĐỖ VĂN QUÂN

Viện Xã hội học và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

...