23/12/2024 lúc 08:42 (GMT+7)
Breaking News

Hợp tác xã Chè an toàn Hoan Xuyến – Điểm sáng nâng tầm thương hiệu Chè

Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến khởi đầu là các hộ gia đình với truyền thống trồng chè lâu đời từ 1990, đến nay là một thương hiệu uy tín nổi trội trong mô hình trồng và sản xuất chè VietGAP theo hướng hữu cơ của tỉnh Thái Nguyên tại vùng Trà Vô Tranh- Phú Lương – Thái Nguyên.

Từ lâu chè Thái Nguyên đã nối tiếng khắp nơi về sản lượng cũng cấp ra thị trường với những nét đặc trưng về chất lượng chè mà không vùng chè nào khác có được. Gắn bó với cây chè lâu năm, sứ mệnh quan trọng nhất của các hộ sản xuất chè là cung cấp các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, giữ được hương vị vốn thanh khiết ngàn đời.

 CHÈ XANH HOAN XUYẾN - sản phẩm đầu tiên của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Nhưng trước kia người nông dân trồng chè trong vùng chỉ trồng hái và thu hoạch và sao sấy theo những phương thức truyền thống cũ. Cách làm này vừa vất vả lại không hiệu quả cũng như không đáp ứng được thị trường người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn. Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến với kinh nghiệm được truyền lại từ nhiều thế hệ và quyết tâm về việc cho ra đời một sản phẩm riêng biệt đặc trưng vừa phát huy được những kinh nghiệm quý giá của cha ông vừa vận dụng được kiến thức khoa học hiện đại.

Tủ trưng bày các giấy chứng nhận và các sản phẩm của HTX chè an toàn Hoan Xuyến.

Lấy các sản phẩm từ cây chè làm chủ đạo, Hợp tác xã đã xây dựng 7 dòng sản phẩm, trong đó 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao (Chè xanh Hoan Xuyến) và 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao (Nõn tâm trà). Doanh thu hàng năm của HTX đạt từ 1,5-1,7 tỷ đồng.

Từ ngày đầu thành lập, xác định xây dựng sản phẩm OCOP nhằm tăng tính nhận diện thương hiệu, qua đó gia tăng tiêu thụ và nâng cao giá trị cây chè Hợp tác xã thường xuyên mang các sản phẩm OCOP tham gia trưng bày tại các hội chợ, triển lãm. Các hoạt động này giúp tiếp cận được tệp khách hàng lớn, thương hiệu chè của Hợp tác xã cũng ngày càng được biết đến nhiều hơn. Hiện nay, dòng sản phẩm chính của đơn vị Nõn tâm trà có giá bán trên 500 nghìn đồng/kg.

Sản phẩm OCOP 4 sao Nõn tâm trà Hoan Xuyến.

Chị Tống Thị Xuyến, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề chè xóm Trung Thành 2, Giám đốc HTX chè an toàn Hoan Xuyến,“Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” ngành nghề sản xuất và chế biến chè chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên vùng chè đã rất quen thuộc với công việc của người trồng chè và những khó khăn, vất vả của nghề. Trước đây việc phần lớn các hộ trồng chè lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người trồng đầu tiên với nhiều căn bệnh nan y chị tận mắt chứng kiến, sau đó mới đến người tiêu dùng. Sau rất nhiều đắn đo, chị đã quyết định theo học các lớp đào tạo, tập huấn do huyện Phú Lương, xã Tức Tranh tổ chức với 50 buổi để hiểu phải làm thế nào chè bán ra thị trường được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, từ khâu canh tác, thu hái, chế biến đến đóng gói. Nhờ quyết tâm đó, chị Xuyến và các thành viên trong Tổ hợp tác chè an toàn ở xóm Trung Thành, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 15ha chè từ năm 2017.

Đồi chè xanh ngát được trang bị hệ thống tưới tự động để giảm công lao động.

Trong phương thức canh tác, thay đổi lớn nhất là thay thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc trừ sâu vi sinh, hữu cơ, hoặc tự ủ phân chuồng để sử dụng. Qua đó, vừa giúp người dân chuyển từ canh tác truyền thống sang sản xuất hữu cơ, vừa đảm bảo các hộ trồng chè có thu nhập cao hơn. Nhờ đó, tư duy, kỹ thuật canh tác, sản xuất của người dân ngày càng tiến bộ, năng xuất, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên. Với giá bán cao hơn gần gấp hai lần so với chè sản xuất truyền thống nên thu nhập cũng tăng, người dân có vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng chè.

Nguyễn Mạnh Dũng- Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lương, thông tin, huyện đang tập trung cao cho phát triển diện tích chè để tạo thương hiệu đối với sản phẩm chè đặc trưng. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, hướng đến một số diện tích chè sẽ tập trung phát triển theo hướng hữu cơ, phục vụ cho việc chế biến và thăng hạng sản phẩm OCOP.

Đây là một nội dung quan trọng trong việc thâm canh đối với diện tích chè hiện có của địa phương, vừa tạo thương hiệu chè lâu dài cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

Để tiếp tục xây dựng thương hiệu chè, huyện Phú Lương khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến trong và ngoài huyện. Đồng thời, huyện định hướng để người dân xây dựng thương hiệu sản phẩm chè gắn với phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Khánh Duy