10/01/2025 lúc 06:54 (GMT+7)
Breaking News

Hợp tác quốc tế về thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình liên hợp quốc

Hợp tác quốc tế là một trong những chìa khóa quan trọng góp phần nâng cao nguồn lực đất nước. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Việt Nam luôn coi trọng vai trò và ý nghĩa của các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy các mục tiêu an ninh và phát triển, trong đó có việc thúc đẩy bình đẳng giới. Việc đề cao và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện và tăng cường yếu tố bình đẳng giới trong các hoạt động gìn giữ hòa bình - một trong những mục tiêu của Liên hợp quốc.
Các nữ quân nhân của Đội Công binh số 1 lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Abyei và Nam Sudan _Nguồn: dantri.com.vn

Không phải chỉ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chính thức đưa vấn đề “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh” vào chương trình nghị sự năm 2000 thì Việt Nam mới quan tâm và coi trọng vai trò của phụ nữ trong các tiến trình xây dựng, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp to lớn của phụ nữ trong quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước. Trong công cuộc đổi mới đất nước, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam lại được tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ. Người phụ nữ với trí tuệ, năng lực, sự dũng cảm, kiên cường - những điều vốn thường được mặc định chỉ có ở nam giới theo cách tư duy và nhìn nhận mang tính định kiến - đã và đang góp phần vào thực hiện các sứ mệnh hòa bình và an ninh. Không những vậy, với những đặc trưng giới thể hiện ở sự khéo léo, mềm mại, khoan dung và nhân hậu trong nhiều tình huống xung đột, vai trò và ảnh hưởng của người phụ nữ mang lại kết quả tốt đẹp, góp phần xoa dịu những căng thẳng trong xung đột, gia tăng khả năng kết nối giữa các bên. Nhận thức rõ điều đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam từ lâu đã có những chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò và tiềm năng to lớn của người phụ nữ, nâng cao quyền lực, địa vị của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong thời gian qua, nhiều phụ nữ Việt Nam đã và đang nắm giữ những trọng trách, cương vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, một số vị trí Bộ trưởng và tương đương Bộ trưởng, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam chiếm 30,26%, nhiều phụ nữ là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, là các nhà ngoại giao, các nhà lập pháp, nhà khoa học - những điển hình trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh..., góp phần không nhỏ vào sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Ngay cả trong lực lượng tham gia phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam hiện có 10 nữ quân nhân đang làm nhiệm vụ, chiếm tỷ lệ gần 17% tại căn cứ hoạt động(1). Đây là tỷ lệ cao hơn mục tiêu đề ra của Liên hợp quốc.

Nhằm bảo đảm thực hiện được mục tiêu thúc đẩy vai trò bình đẳng giới trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều sáng kiến quan trọng, trong đó yếu tố hợp tác quốc tế đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Vai trò hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế là một trong những chìa khóa quan trọng để nâng cao nguồn lực đất nước, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu an ninh và phát triển. Ngay từ khi Việt Nam giành được độc lập, giữa muôn vàn khó khăn, thử thách, chưa được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, bị nhiều thế lực bao vây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế là “để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”(2). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả to lớn, với sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế, cả về mặt vật chất và tinh thần, góp phần đưa cuộc kháng chiến giành thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986), hợp tác quốc tế đã trở thành một trong những chiến lược quốc gia được chú trọng, một trong những động lực quan trọng hàng đầu nhằm góp phần phục vụ xây dựng và phát triển đất nước. Hợp tác quốc tế luôn được Đảng và Nhà nước ta triển khai, vận dụng một cách linh hoạt và triệt để, với sự đa dạng về đối tác, khuôn khổ, hình thức và lĩnh vực; giúp Việt Nam khai thác được nhiều lợi ích từ các đối tác, như vốn, công nghệ, kinh nghiệm và nguồn lực con người.

Đối với vấn đề thúc đẩy vai trò và quyền của nữ giới trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, hợp tác quốc tế cũng được coi là một động lực quan trọng. Trong thực tế, do những đặc thù về giới, người phụ nữ luôn gắn liền với thiên chức làm mẹ, vì vậy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới trong quá trình phấn đấu, thể hiện bản thân và chứng tỏ năng lực của mình để đạt được sự thừa nhận của xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong Liên hợp quốc, đã tán thành chủ trương của Liên hợp quốc, coi thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phát triển bền vững và đưa chủ trương này trở thành mục tiêu hành động quốc gia. Chủ trương này được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và được coi là “một trong những ưu tiên chính sách quan trọng của Việt Nam”(3). Đây là những căn cứ cơ bản để Việt Nam mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, gia tăng các nguồn lực từ hợp tác quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực hòa bình và an ninh. Việc hợp tác với những đối tác trong cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều quốc gia đã đạt được những bước tiến dài trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới, tạo động lực quan trọng, góp phần giúp Việt Nam đạt được những tiến bộ tương tự trong lĩnh vực này. Thông qua hợp tác quốc tế, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ to lớn để tổ chức các hoạt động huấn luyện, đào tạo, cũng như tăng cường nâng cao nhận thức đối với vấn đề bình đẳng giới, hỗ trợ tài chính cho nữ giới..., tạo điều kiện thuận lợi để nữ giới thể hiện bản thân và phát huy vai trò của mình. Thông qua hợp tác quốc tế, mọi người dân đều có cơ hội giao lưu và tiếp cận với những cách thức tư duy và nhìn nhận tiến bộ hơn về nữ giới và quyền của nữ giới trong các vấn đề hòa bình và an ninh. Điều đó giúp dần gỡ bỏ những quan niệm và cách nhìn định kiến giới, tạo động lực mạnh mẽ cho người phụ nữ phát huy mọi khả năng, từ đó có thể đóng góp vào sự nghiệp chung vì hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới.

Thành quả hợp tác quốc tế của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới

Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vai trò của nữ giới trong lĩnh vực hòa bình và an ninh. Hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này trước hết được nhìn nhận thông qua các hoạt động tại các diễn đàn đa phương, mà trước tiên là tại Liên hợp quốc. Đây là nơi quy tụ gần như đầy đủ các thực thể quốc gia trên thế giới, do đó, các hành động nhằm hướng tới đẩy mạnh vai trò của nữ giới nói chung cũng như thu hút sự hưởng ứng của các quốc gia tại đây sẽ đạt được hiệu quả. Ngay từ đầu, Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các chủ trương lớn của Liên hợp quốc về vấn đề bình đẳng giới. Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ động chủ trì, tổ chức những hoạt động có ý nghĩa thực tiễn trong lĩnh vực này. Trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy việc ban hành Nghị quyết số 1889, ngày 6-10-2009, của Hội đồng Bảo an về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đây là nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an tập trung vào nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn hậu xung đột; với mục đích yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc xây dựng một bộ chỉ số để đánh giá việc thực hiện các nội dung của Chương trình Phụ nữ, hòa bình và an ninh; kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra báo cáo về sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, cũng như yêu cầu Liên hợp quốc huy động các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn hậu xung đột(4). Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế, mà còn tạo cơ sở cho những phối hợp hành động sau này giữa các quốc gia, trong đó có Việt Nam, với sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Tháng 4-2019, Việt Nam tham gia Phiên thảo luận mở với chủ đề “Phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”. Tại phiên thảo luận này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tơ-rét cùng các thành viên tham gia đã tái khẳng định cam kết bảo đảm mục tiêu cân bằng giới trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, thông qua việc ban hành Chiến lược Cân bằng giới giai đoạn 2018 - 2028, nhằm triển khai hiệu quả hơn các biện pháp bảo vệ, tạo thuận lợi cho những tiến trình hòa bình toàn diện và bao trùm(5).

Tháng 10-2020, Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn quốc tế với chủ đề “Phụ nữ, hòa bình và phát triển”, với mục tiêu chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong các phong trào liên quan đến phụ nữ, nhằm tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa phụ nữ các nước vì mục tiêu “bình đẳng, phát triển và hòa bình”(6). Tháng 12-2020, Việt Nam đã phối hợp cùng Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị cấp cao quốc tế với chủ đề “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả”(7).

Trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cũng tích cực khai thác yếu tố hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực phụ nữ, hòa bình và an ninh. Là quốc gia có vai trò, ảnh hưởng nhất định đối với Hiệp hội, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực nhằm chủ động thúc đẩy hợp tác trong ASEAN, từ đó nâng cao hiệu quả thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam đã đóng góp đáng kể trong việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh; tham gia Nhóm Phụ nữ ASEAN về hòa giải. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 5-6-2020, cuộc họp lần thứ hai của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình (AWPR) được tổ chức dưới hình thức trực tuyến; ngày 10-9-2020, Việt Nam đã tổ chức phiên Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững; ngày 24-11-2020, Hội thảo về tăng cường vai trò của phụ nữ ASEAN trong thúc đẩy hòa bình bền vững và an ninh đã được diễn ra. Tháng 4-2021, Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến Kỳ họp 14 nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Hội nghị này được coi là “cơ hội tăng cường trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên và Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động về gìn giữ hòa bình”(8).

Những hoạt động trên chính là kết quả hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, những hoạt động này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo ra các khuôn khổ thúc đẩy hợp tác, thông qua những khuyến nghị hành động cụ thể nhằm nhiều mục tiêu về bình đẳng giới, trong đó có mục tiêu tăng cường sự hiện diện và tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hòa bình, cũng như ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh. Nhờ vậy, Việt Nam cùng các quốc gia khác được chia sẻ cách tiếp cận tiến bộ, công bằng và bình đẳng, góp phần thúc đẩy các cam kết hành động vì một mục tiêu chung. Cũng vì đó, những nỗ lực nâng cao quyền của nữ giới trong lĩnh vực hòa bình và an ninh của Việt Nam trở nên thuận lợi hơn nhiều.

Bên cạnh đó, việc trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho các quân nhân gìn giữ hòa bình nói chung và các nữ quân nhân nói riêng cho đến nay vẫn phải dựa trên sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, sâu rộng trong khuôn khổ khu vực và thế giới, đặc biệt dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc(9). Việc Việt Nam được lựa chọn là một trong bốn trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình của khu vực Đông Nam Á để triển khai huấn luyện theo Chương trình đối tác ba bên có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam. Qua đó, các quân nhân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Việt Nam, trong đó có cả nữ quân nhân đều được đào tạo, huấn luyện một cách hiệu quả, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe của Liên hợp quốc trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình.

Thời gian qua, không chỉ trong khuôn khổ Liên hợp quốc, mà nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã có nhiều hỗ trợ thiết thực đối với hoạt động huấn luyện gìn giữ hòa bình của Việt Nam, như mời sĩ quan Việt Nam sang huấn luyện hoặc trao đổi giảng viên. Các quốc gia như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Pháp... tài trợ trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình. Đặc biệt, Ô-xtrây-li-a là quốc gia đã hỗ trợ khá tích cực trong công tác huấn luyện vận chuyển y tế đường hàng không (AMET) hoặc hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho cán bộ, sĩ quan Việt Nam trước khi triển khai đến Phái bộ Liên hợp quốc. Riêng đối với nữ quân nhân, Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc tổ chức các khóa học dành riêng cho nữ quân nhân (FMOC) để huấn luyện các nội dung cơ bản và chuyên biệt cho các nữ quân nhân trước khi triển khai tới Phái bộ.

Ngay trong ASEAN, nhiều hoạt động có ý nghĩa thực tiễn cũng đã được tổ chức, mặc dù không trực tiếp hướng tới các đối tượng là nữ quân nhân được chỉ định tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Tháng 4-2019, Chương trình đào tạo Training on Women, Peace, and Security được tổ chức tại In-đô-nê-xi-a(10), với sự tham gia của nhiều nữ đại biểu đến từ tất cả các quốc gia thành viên và quan sát viên của ASEAN, bước đầu đã cung cấp những kiến thức, kỹ năng phân tích và ngăn ngừa xung đột cũng như tái thiết hậu xung đột. Điều này tác động mạnh mẽ tới nhận thức và kỹ năng của một bộ phận không nhỏ nữ giới của các quốc gia ASEAN - vốn phần lớn phải chịu những thua thiệt và mặc cảm từ sự bất bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế cũng đem lại những nguồn lực thiết thực, cơ bản để hỗ trợ nữ quân nhân gìn giữ hòa bình. Mặc dù trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, nữ quân nhân không có những ưu đãi đặc biệt về tài chính so với nam quân nhân, song đối với Việt Nam, dựa vào các thành quả từ hợp tác, các nguồn hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cũng như các cam kết đối với việc phát huy vai trò nữ giới, các nữ quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam có thêm những hỗ trợ đến từ Chính phủ Việt Nam nhằm khích lệ sự tham gia, cống hiến của họ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng khai thác được nhiều sự giúp đỡ từ chương trình khuyến khích hỗ trợ phát triển nữ quyền của một số quốc gia phát triển trên thế giới, như trường hợp của Ca-na-đa với chính sách hỗ trợ nữ quyền quốc tế (FIAP). FIAP cam kết Ca-na-đa là nhà tài trợ cho nữ quyền thông qua sử dụng 15% tổng số vốn đầu tư hỗ trợ phát triển quốc tế song phương hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền. Từ nhiều năm nay, FIAP đã cùng ASEAN triển khai Chương trình thúc đẩy quyền năng phụ nữ vì hòa bình bền vững tại khu vực Đông Nam Á(11). Cũng vì vậy mà Việt Nam được hưởng những lợi ích từ chương trình này. Dưới sự bảo trợ của FIAP, nhiều hoạt động có ý nghĩa thực tiễn đã diễn ra trong ASEAN và có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ đối với vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh. Năm 2021, ASEAN, Ca-na-đa và Ủy ban phụ nữ Liên hợp quốc đã khởi động chương trình hợp tác 5 năm hướng tới thúc đẩy vai trò và quyền của nữ giới trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, với tổng ngân sách đạt 8,5 triệu CAD (tương đương 6,36 triệu USD)(12).

Triển vọng tăng cường hợp tác quốc tế của Việt Nam nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Trên cơ sở những kết quả đạt được từ hợp tác quốc tế, giúp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Theo đó, Việt Nam phát huy sự sáng tạo, chủ động trong đề xuất các sáng kiến, các khuyến nghị với Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các quốc gia, nhất là các nước ASEAN, nhằm tạo thêm các khuôn khổ hợp tác, mở rộng phạm vi hợp tác, cũng như đưa các hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu, tạo ra nhiều hiệu quả tích cực hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục bảo đảm các cam kết và cải thiện hơn nữa những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong gìn giữ hòa bình nói riêng. Điều này giúp nâng cao uy tín của Việt Nam, tạo cơ sở để các đối tác quốc tế để duy trì quan hệ hợp tác lâu dài, cung cấp các nguồn lực hợp tác và tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác.

Trên thực tế, tăng cường bình đẳng giới trong hoạt động gìn giữ hòa bình cũng sẽ được thúc đẩy thông qua tăng cường bình đẳng giới nói chung trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Do đó, việc phối hợp liên ngành, cùng với các cơ quan, đơn vị thuộc các lĩnh vực sản xuất, ngành, nghề khác cũng sẽ thúc đẩy đạt hiệu quả cao hơn cho mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình. Việt Nam cần chủ động, tiếp tục tăng cường các chính sách ưu tiên, thúc đẩy bình đẳng giới trên cơ sở tiếp tục bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nữ giới tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội nói chung và trong lực lượng gìn giữ hòa bình nói riêng, nới rộng các quyền lợi cho nữ giới về các mặt tài chính và điều kiện đời sống thường nhật khác, từ đó, gia tăng nhận thức trong cộng đồng về vấn đề bình đẳng giới.

Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia cử nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thậm chí số lượng nữ quân nhân tham gia hoạt động này có tỷ lệ vượt quá mục tiêu đặt ra của Liên hợp quốc. Tính đến hiện tại, Việt Nam không chỉ có các nữ quân nhân tham gia là sĩ quan tham mưu tác chiến, huấn luyện và quan sát viên quân sự; các nữ bác sĩ, y tá trong đội hình Bệnh viện dã chiến, mà mới đây nhất, Việt Nam đã cử 21 nữ quân nhân tham gia Đội Công binh(13). Tháng 10-2022, trong số 3 sĩ quan công an nhân dân được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng có một nữ sĩ quan.

Mặc dù có nhiều chủ trương thúc đẩy vai trò và quyền lực của nữ giới và đã có những chính sách ưu tiên nhằm thu hút và tạo thuận lợi cho các nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, song Việt Nam vẫn còn cần nhiều hơn nữa các nguồn lực để thúc đẩy ưu tiên chính sách này, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trong thời gian qua tác động nghiêm trọng tới Việt Nam và khó tránh khỏi ảnh hưởng tới các nguồn lực dành cho mục tiêu bình đẳng giới. Ngoài các khuôn khổ hợp tác trong Liên hợp quốc và ASEAN, Việt Nam cần mở rộng các mối quan hệ hợp tác chuyên sâu khác trong lĩnh vực này với nhiều đối tác mới, đặc biệt là những đối tác đã có nhiều kinh nghiệm cũng như đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới. Các chương trình hợp tác quốc tế sẽ giúp tạo ra nguồn lực đáp ứng nhu cầu đó. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế cũng là cách thức để Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến của mình trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của nữ quân nhân với các nước khác. Điều này vừa là trách nhiệm quốc tế của Việt Nam, vừa tạo điều kiện duy trì cơ chế hợp tác bền vững, lâu dài, đem lại hiệu quả tối ưu./.

TS. Lê Thị Ngọc Hân 

Học viện Ngoại giao 

-----------------------

(1) Minh Anh: “Phụ nữ góp phần quan trọng vào thành công của công tác gìn giữ và xây dựng hòa bình”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 31-10-2020, https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/phu-nu-gop-phan-quan-trong-vao-thanh-cong-cua-cong-tac-gin-giu-va-xay-dung-hoa-binh-566955.html
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 269
(3) Minh Ngọc: “Việt Nam thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 10-12-2020, https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/viet-nam-thuc-day-vai-tro-cua-phu-nu-trong-xay-dung-hoa-binh-627584/
(4) Bảo Yến: “Khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và tăng cường vị thế của phụ nữ”, Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 11-12-2020, https://www.vksndtc.gov.vn/tin-tuc-su-kien/60-nam-ngay-thanh-lap-nganh-kiem-sat-nhan-dan/khang-dinh-chu-truong-nhat-quan-cua-viet-nam-ve-th-s25-t8708.html
(5) “Việt Nam đề cao vai trò của phụ nữ tham gia gìn giữ hòa bình”, Trang thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày 19-4-2019, https://www.moha.gov.vn/congtaccanbonu/tintucsukien/viet-nam-de-cao-vai-tro-cua-phu-nu-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-40490.html
(6) “Diễn đàn quốc tế “Phụ nữ, hòa bình và phát triển”, Trang thông tin điện tử Học viện Phụ nữ Việt Nam, ngày 6-10-2020, http://lanhdaonu.vn/chi-tiet-tin/dien-dan-quoc-te-phu-nu-hoa-binh-va-phat-trien.html
(7) Minh Ngọc: “Việt Nam thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 10-12-2020, https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/viet-nam-thuc-day-vai-tro-cua-phu-nu-trong-xay-dung-hoa-binh-627584/
(8) “Khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác đa phương về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, Báo Dân tộc và Phát triển điện tử, ngày 6-4-2021, https://baodantoc.vn/khang-dinh-vi-the-cua-viet-nam-trong-hop-tac-da-phuong-ve-gin-giu-hoa-binh-lhq-1617692784700.htm
(9) Dương Ngọc: “Việt Nam sẽ triển khai nữ quân nhân gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, Báo Người lao động điện tử, ngày 24-10-2016, https://nld.com.vn/chinh-tri/viet-nam-se-trien-khai-nu-quan-nhan-gin-giu-hoa-binh-lhq-20161024112558164.htm
(10) Regional Training on Women, Peace, and Security: Women’s Important Roles as Global Peace Agents (Tạm dịch: Đào tạo khu vực về phụ nữ, hòa bình và an ninh: Vai trò quan trọng của phụ nữ với tư cách là nhân viên hòa bình toàn cầu), ngày 10-4-2019, https://kemlu.go.id/portal/en/read/174/berita/regional-training-on-women-peace-and-security-womens-important-roles-as-global-peace-agents
(11) Global Affairs Canada: “Canada Announces Support to Empower Women in Southeast Asia and Help Build Sustainable Peace” (Tạm dịch: Ca-na-đa tuyên bố hỗ trợ trao quyền cho phụ nữ ở Đông Nam Á và giúp xây dựng hòa bình bền vững), ngày 7-12-2020, https://www.canada.ca/en/global-affairs/news/2020/12/canada-announces-support-to-empower-women-in-southeast-asia-and-help-build-sustainable-peace.html
(12) UN Women: “ASEAN, Canada and UN Women Jointly Launch a 5-Year Programme to Advance Women, Peace and Security Agenda” (Tạm dịch: Phụ nữ ASEAN, Ca-na-đa và Liên hợp quốc cùng khởi động Chương trình nghị sự 5 năm về hòa bình, an ninh và tiến bộ phụ nữ), ngày 26-2-2021,  https://www.unwomen.org/en/news/stories/2021/2/press-release-asean-canada-and-un-women-launch-joint-programme
(13) “Việt Nam ra mắt Đội Công binh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4”, Tạp chí Quân đội nhân dân điện tử, ngày 17-11-2021, https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/viet-nam-ra-mat-doi-cong-binh-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-va-benh-vien-da-chien-cap-2-so-4-677719