16/10/2024 lúc 07:22 (GMT+7)
Breaking News

Hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo đại học - Chủ trương, kết quả và giải pháp tăng cường

Hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đại học là yêu cầu tất yếu khách quan nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với các đối tác quốc tế.
Bài viết làm rõ chủ trương của Đảng, kết quả và đề xuất một số giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế về đào tạo đại học.
Mỹ tài trợ 14,2 triệu USD đổi mới 3 đại học lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.
Lễ Khởi động Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do Hoa Kỳ hỗ trợ, năm 2022 _ Ảnh: nld.com.vn.

1. Chủ trương của Đảng về hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo đại học

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo diễn ra như một tất yếu khách quan và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục - đào tạo. Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đang thúc đẩy giáo dục đại học của mỗi quốc gia không ngừng đổi mới, sáng tạo càng đặt ra yêu cầu phải hội nhập quốc tế để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo đại học nói chung và hợp tác quốc tế giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học ở các nước phát triển. Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã xác định: “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài có khả năng về nước tham gia giảng dạy và đào tạo, mở trường học, hoặc hợp tác với cơ sở đào tạo trong nước; các tổ chức và cá nhân nước ngoài có thể vào Việt Nam mở các trung tâm quốc tế, tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ tài chính theo quy định của Nhà nước”(1).

Đại hội X của Đảng (tháng 4-2006) nhấn mạnh: “Đổi mới hệ thống giáo dục đại học và sau đại học (…) phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành (…) Xây dựng một số trường đại học trọng điểm đạt trình độ khu vực và quốc tế”(2). Thông báo Kết luận số 242-TB/TW ngày 15-4-2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 đã xác định một trong bảy nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế cần phải bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Mở rộng hợp tác đào tạo đa phương gắn với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước(3).

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế xác định: “Chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo (…) Hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế về giáo dục, đào tạo. Tăng quy mô đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đối với giảng viên các ngành khoa học cơ bản và khoa học mũi nhọn, đặc thù. Khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước. Mở rộng liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, chủ yếu trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo”(4)… Nghị quyết cũng khẳng định, có cơ chế khuyến khích các tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Có chính sách hỗ trợ, quản lý việc học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài và tại các cơ sở giáo dục, đào tạo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”(5); “có cơ chế hỗ trợ, xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”(6).

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 đã khẳng định: “Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mở rộng thị trường lao động và phát triển khoa học, công nghệ của đất nước; tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế”(7).

Như vậy, Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thông qua hợp tác giáo dục, đào tạo đại học giữa Việt Nam với các nước có nền giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại như: Mỹ, Anh, Pháp, Thuỵ Sĩ, Ôxtrâylia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinhgapo… góp phần quan trọng vào thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý ở các trường đại học; nâng cao năng lực, phương pháp, tác phong dạy và học; điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo đại học linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn đất nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Đồng thời, thông qua hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo đại học góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường; góp phần quảng bá, giới thiệu nền văn hóa, giáo dục Việt Nam ra thế giới, tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc trên thế giới và thu hút các trường đại học, tổ chức uy tín quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đến Việt Nam; từ đó, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về chủ động hội nhập giáo dục và đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

3. Kết quả hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo đại học

Thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo đại học đã đạt được những kết quả quan trọng.

Việt Nam đã thu hút được 605 dự án đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,57 tỷ USD; khoảng 430 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được triển khai tại 65 cơ sở giáo dục đại học trong nước; có 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam(8). Riêng bậc đại học, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó có 186 chương trình do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép thực hiện; những quốc gia, vùng lãnh thổ đứng đầu về liên kết chương trình đào tạo với Việt Nam là: Vương quốc Anh 101 chương trình; Hoa Kỳ 59 chương trình; Cộng hòa Pháp 53 chương trình; Ôxtrâylia 37 chương trình; Hàn Quốc 27 chương trình(9).

Giai đoạn 2013-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 11.657 lượt người (trong đó 4.049 tiến sĩ, 1.877 thạc sĩ, 5.070 đại học và 661 thực tập) ra nước ngoài học tập tại hơn 40 nước trên thế giới(10). Hiện nay, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng vào danh sách 1.000 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới là: Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Huế, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Có 8 cở sở giáo dục đại học được xếp hạng trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á. Nhiều tổ chức quốc tế về giáo dục, đào tạo hoạt động tại Việt Nam như: Hội đồng kiểm định các trường và chương trình kinh doanh (ACBSP); Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật và công nghệ (ABET); Viện Kiểm định, chứng nhận và bảo đảm chất lượng Đức (ACQUIN) … đã góp phần quan trọng vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ lao động, thực hành công việc cho sinh viên.

Hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa nước ta với một số nước trên thế giới những năm qua đạt được những kết quả quan trọng, tiêu biểu như: hợp tác giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam và Vương quốc Anh thông qua các chương trình, dự án để thu hút ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam theo học: Chương trình liên kết đào tạo, Chương trình quỹ New… với hơn 7.100 sinh viên Việt Nam đang theo học các chương trình giáo dục đại học của Vương quốc Anh, trong đó có 6.000 sinh viên đang theo học trực tiếp tại Việt Nam, còn lại theo hình thức học trực tuyến. Hợp tác của một số trường đại học Thụy Sĩ với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, quản lý khách sạn, du lịch, công nghệ…. Hợp tác của một số trường đại học của Nhật Bản với Trường Đại học Ngoại thương Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo nguồn nhân lực như: Dự án Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam; chương trình cử nhân kinh doanh theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản; hợp tác chương trình liên kết đào tạo với nhiều trường đại học của Nhật Bản; trao học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam có thành tích xuất sắc… Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản xúc tiến việc thực hiện hợp tác mang tính toàn diện, như chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chương trình học bổng G30…

Cùng với liên kết các ngành đào tạo, các hoạt động hợp tác trao đổi sinh viên - giảng viên; hợp tác đào tạo; hợp tác trao đổi học thuật; hợp tác nghiên cứu cũng được các trường quan tâm đẩy mạnh như Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học uy tín và có thứ hạng cao trên thế giới, từ châu Mỹ, châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Đại học New South Wales, Đại học Monash, Đại học Deakin, Đại học Kỹ thuật Swinburne (Ôxtrâylia), Đại học Nottingham, Đại học West of England (Anh), Đại học Công nghệ Auckland (Niudilân), Đại học Houston, Đại học Hawaii tại Manoa, Đại học Binghamton (Hoa Kỳ).

Trường Đại học Dược Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác với trên 100 viện, trường đại học và tổ chức quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo của trường khá đa dạng và toàn diện từ tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, các loại học bổng dành cho sinh viên hai bên, trao đổi chuyên gia, đào tạo cán bộ.

Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) có quan hệ hợp tác với 70 tổ chức giáo dục, chính trị, xã hội quốc tế có uy tín thuộc 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hằng năm, có từ 250 - 300 lượt cán bộ và sinh viên của trường đi trao đổi, dự hội nghị khoa học và đào tạo ở nước ngoài. Số lượng cán bộ và sinh viên quốc tế đến giảng dạy và học tập tại trường ngày càng tăng, trung bình mỗi năm trường tiếp đón khoảng 300 các chuyên gia, nhà khoa học đến giảng dạy, nghiên cứu, học tập và trao đổi(11)... Thông qua hợp tác quốc tế, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học được tăng cường rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo đại học còn có những hạn chế nhất định: Các chương trình hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo nhiều nhưng việc triển khai tổ chức thực hiện bảo đảm chất lượng còn hạn chế, bất cập, thậm chí có một số chương trình hợp tác với trường đại học nước ngoài không có uy tín, kém chất lượng. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; nhất là công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo trong nước hợp tác với nước ngoài trong việc cấp chứng chỉ, văn bằng ngoại ngữ còn chưa quyết liệt.

Một số trường đại học thiếu tính chủ động trong tiếp cận, ứng dụng những chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới để điều chỉnh, bổ sung cho linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Nội dung, hình thức, phương pháp hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo chưa phong phú, đa dạng, chưa thực sự hiệu quả. Những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa của mỗi nước trong hợp tác giáo dục, đào tạo ảnh hưởng đến việc triển khai tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch của Đảng, Nhà nước đã xác định.

4. Một số giải pháp tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo đại học

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng xác định mục tiêu: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”(12).

Cụ thể hóa nội dung trên, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ tiếp tục xác định: “Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế”(13). Theo đó, để tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đại học giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về hợp tác giáo dục và đào tạo đại học Việt Nam với các nước trên thế giới

Hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục và đào tạo đại học nói riêng, là một tiến trình vừa mang lợi ích công, vừa có tính dịch vụ thương mại theo cơ chế thương mại và phi thương mại. Cả hai cơ chế đó đều cần thiết cho yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước và đang diễn ra chủ yếu theo bốn phương thức dịch chuyển xuyên biên giới: Người học, nhà giáo, chương trình giáo dục và đào tạo và cơ sở giáo dục và đào tạo. Do đó, những vấn đề cần nâng cao nhận thức là: việc đào tạo theo các chương trình qua mạng đang diễn ra tự phát, chưa có quy định pháp lý; trong du học là hiện tượng chảy máu “chất xám”, chảy ngoại tệ, chất lượng khó kiểm soát; trong hiện diện thương mại là sự hình thành và phát triển tự phát, khó điều tiết của thị trường giáo dục và đào tạo; trong hiện diện thể nhân là những vấn đề nảy sinh về an ninh, an toàn và việc làm khi mở cửa đón các nhà giáo dục và đào tạo nước ngoài theo cơ chế thương mại. Từ đó, để đáp ứng tốt yêu cầu cần giải quyết hài hòa mối quan hệ cân bằng giữa cơ chế thương mại và phi thương mại để phát huy tốt nhất các cơ hội mà hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo mang lại.

Cần nhận thức rằng, hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đang mở ra cơ hội khai thác tốt hơn các nguồn lực nước ngoài, gồm: Tài chính, con người, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm. Đồng thời, cũng tạo ra những thách thức khi giáo dục và đào tạo thế giới đã bước sang giai đoạn đẩy mạnh giáo dục và đào tạo mở, giáo dục số. Các phương thức cung ứng giáo dục và đào tạo xuyên biên giới giờ đây có thể hoàn toàn thực hiện trên mạng Internet với sự hình thành của các kho tài nguyên giáo dục mở (OER), các khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOC). Giáo dục mở, giáo dục số đang diễn tiến theo mô hình trung tâm - ngoại vi; nghĩa là ở trung tâm là các đại học lớn của các nước phát triển, ngoại vi là các đại học của những nước đang phát triển. Trong đó, trung tâm đóng vai trò chi phối và dẫn dắt; vì thế, nhất là khi xuất hiện ChatGPT nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung, cũng đồng thời xuất hiện việc áp đặt tri thức của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển vốn có những khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa. Đây là thách thức đã được cảnh báo ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam khi quá trình quốc tế hóa giáo dục và đào tạo diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Trong bối cảnh trên, lãnh đạo các trường đại học cần nhận thức rõ, hợp tác quốc tế là một trong những phương hướng tiên phong để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo hiện nay. Đồng thời, có định hướng rõ ràng và có kế hoạch cụ thể để khai thác những cơ hội, nguồn lực và tiềm năng mà hợp tác quốc tế mang lại để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đổi mới tư duy về tổ chức, nhân lực, tài chính của trường đại học cho phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; trong đó, tập trung vào xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Do đó, lãnh đạo các trường đại học cần thường xuyên quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, chủ trương, các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo đại học cho phù hợp với điều kiện của từng trường để có chủ trương, biện pháp hợp tác đào tạo phù hợp, hiệu quả với từng chuyên ngành.

Việc hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp với văn hóa truyền thống của mỗi nước và nhu cầu của thị trường đang đòi hỏi. Trên cơ sở Đề án của Chính phủ, các chương trình hợp tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các đối tác quốc tế, các trường đại học cần xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình thực hiện phù hợp với thực tiễn đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động. Lựa chọn những lĩnh vực, ngành nghề hợp tác mà Việt Nam chưa đào tạo được, hoặc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường đại học phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng giáo dục, đào tạo; thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin của đối tượng được cử đi đào tạo ở các trường quốc tế, hoặc tham gia đào tạo với các tổ chức giáo dục quốc tế ở Việt Nam để kịp thời xử lý các tình huống nảy sinh trong thực tiễn.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý giáo dục và đào tạo trong hợp tác quốc tế

Từ đầu những năm 1990 đến nay, đã có hàng trăm văn bản pháp lý được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục - đào tạo được ban hành. Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các đạo luật liên quan cũng được sửa đổi, bổ sung. Tuy vậy, nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo đại học, như quản lý các chương trình hợp tác quốc tế, đầu tư quốc tế, hoạt động hợp tác quốc tế của các trường đại học, dạy học trực tuyến… vẫn chưa được quy định rõ ràng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông,…

Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đang là vấn đề cấp thiết đặt ra. Theo đó, cần chú trọng rà soát và hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đại học. Có cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học, sinh viên nước ngoài đến học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, bằng cấp của giáo viên nước ngoài giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt các hình thức giáo dục mở, giáo dục số, theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định hiện hành của Việt Nam.

Ba là, mở rộng quy mô và hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo đại học

Nhà nước cần phân bổ ngân sách đầu tư có tính đột phá để phát triển quy mô hợp tác quốc tế của giáo dục và đào tạo đại học (do mức ngân sách cho giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện gần thấp nhất so với các nước trong khu vực); tiếp tục thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đại học thông qua việc khuyến khích mở các chi nhánh giáo dục quốc tế và phát triển trung tâm giáo dục quốc tế;…

Trong đó, coi trọng việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác với các đối tác truyền thống như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN và các nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới (Mỹ, Anh, Hà Lan, Pháp, Canađa…). Đẩy mạnh việc ký kết và triển khai hiệu quả các thỏa thuận, điều ước quốc tế, trong đó ưu tiên thực hiện các cam kết quốc tế, chương trình, dự án và các chương trình học bổng giáo dục và đào tạo đại học theo hiệp định.

Xây dựng chính sách huy động nguồn lực tài chính để đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, như kinh phí để gửi sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý đi đào tạo ở nước ngoài; bố trí ngân sách nhà nước kết hợp với các nguồn vốn khác để tăng cường dạy tiếng Việt cho sinh viên, giáo viên là người nước ngoài tại Việt Nam; thu hút các nhà khoa học là người Việt Nam đang nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học nước ngoài danh tiếng tham gia nghiên cứu, giảng dạy trong nước. Đồng thời, coi trọng huy động nguồn lực tài chính từ các nước và các tổ chức quốc tế để góp phần chủ động, tích cực đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở đại học; thực hiện trao đổi giảng viên và sinh viên Việt Nam với các nước để đào tạo những ngành nghề xã hội đang cần.

Bốn là, phát huy tính chủ động, tích cực trong hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đại học

Đảng ta khẳng định: “Mở rộng liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, chủ yếu trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp”(13). Theo đó, quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, các chương trình hợp tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu các trường đại học tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ những lĩnh vực, ngành nghề liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài; xác định rõ vai trò, sứ mệnh của trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết hợp tác, trao đổi với các trường đại học, trung tâm giáo dục, đào tạo quốc tế phù hợp với đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Mở rộng liên kết đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục và đào tạo đại học nước ngoài có uy tín; khuyến khích hình thành một số cơ sở giáo dục và đào tạo của Việt Nam ở nước ngoài cùng với việc tiếp tục phát triển cơ sở giáo dục và đào tạo đại học của nước ngoài ở Việt Nam. Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin trong quá trình đào tạo, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo đã ký kết, hợp tác thông qua năng lực giảng dạy, chất lượng công việc của giảng viên, cán bộ quản lý, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Đẩy mạnh việc ký kết song phương và đa phương về giáo dục, đào tạo với các nước có quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược, các nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao.

Để có thể chủ động, tích cực hợp tác quốc tế, các trường đại học cần tăng cường đầu tư theo hướng “chuẩn hóa” cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ hiện đại cho công tác quản lý. Mặt khác, cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các phần mềm chuyên dụng để quản lý từng nội dung của nhiệm vụ giáo dục và đào tạo đại học qua mạng internet; tập trung đầu tư nâng cấp thư viện, phòng học chuyên ngành, cơ sở thực hành…

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, trao đổi sinh viên thông qua hệ thống học bổng

Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, về kiến thức kỹ năng nghề nghiệp, thái độ làm việc chuyên nghiệp, năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh), tin học và các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, hợp tác quốc tế… cho cán bộ, giảng viên các trường đại học.

Có chính sách thu hút các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, giảng viên từ các cơ sở giáo dục và đào tạo đại học của nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo ở Việt Nam và cử giảng viên Việt Nam đi công tác, giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật ở nước ngoài; đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế tại các cơ sở giáo dục và đào tạo đại học trong nước.

Sáu là, nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, hướng tới được công nhận ở nhiều nước trên thế giới

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chương trình giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, chưa bắt kịp các tiêu chuẩn, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tiên tiến trên thế giới. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến nền giáo dục đại học Việt Nam đang tụt hậu.

Do vậy, cần tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, phù hợp với mặt bằng chung của hệ thống giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giớiChú trọng thực hiện tốt liên kết đào tạo giữa các trường trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học; nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các trường đại học và cơ quan, doanh nghiệp trong sử dụng sinh viên ra trường, trong đánh giá kết quả thực tập của sinh viên và trình độ, năng lực của sinh viên tốt nghiệp. Thực hiện tốt “đào tạo theo địa chỉ”, “đào tạo theo đơn đặt hàng” của các doanh nghiệp. Mặt khác, các trường đại học cần xây dựng chiến lược phát triển hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đại học phù hợp với thay đổi của tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Tích cực nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm đào tạo đại học của nước ngoài. Tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên, như mở rộng các chương trình trao đổi và dịch chuyển sinh viên; cử sinh viên, giảng viên thuộc các lĩnh vực khác nhau của các cơ sở giáo dục và đào tạo đại học sang trường đại học tiên tiến của các nước trên thế giới để học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo đại học Việt Nam tham gia xếp hạng trong nước, quốc tế và tham gia các kiểm định khu vực và quốc tế. Xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục và đào tạo đại học trong nước. Thúc đẩy hình thành, phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa các nước ASEAN, nhằm thực hiện công nhận văn bằng và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước trong khu vực và thế giới.

ThS BÙI MINH NGHĨA
Trường Đại học Tài chính - Marketing

_________________

(1) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, ngày 22-2-1997 về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.96-97.

(3) Bộ Chính trị: Thông báo Kết luận số 242-TB/TW ngày 15-4-2009 về tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.

(4), (12), (14) ĐCSVN: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo áp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.140, 234.

(7) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 2448/QĐ-TTg, ngày 16-12-2013 Phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020.

(8) Trung tâm truyền thông và sự kiện: Thúc đẩy hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, https://moet.gov.vn/, ngày 26-9-2024.

(9) Hơn 600 dự án hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào giáo dục Việt Nam, https://vietnamplus.vn, ngày 15-9-2022.

(10) Còn hơn 4.400 người đi du học bằng ngân sách nhà nước chưa trở về nước làm việc, https://daibieunhandan.vn, ngày 11-10-2023.

(11) Bùi Thị Thanh Thủy: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, https://giaoduclyluanhcma.vn/, ngày 26-12-2021.

(13) Thủ tướng Chính phủ: Nghị quyết số 35-NQ/CP ngày 4-6-2019 Về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.