Tại buổi họp mặt, ông Lê Đề, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Thủ Đức chia sẻ, trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, để ngăn chặn bước tiến của lực lượng cách mạng, bắt đầu từ ngày 10/8/1961 đến năm 1971, đế quốc Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ máy bay phun, rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 366 kg chất độc da cam/dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản, ấp, 1/4 diện tích đất đai từ Vĩnh Linh đến Cà Mau.
Thảm họa da cam/dioxin đã giết chết hơn 1 triệu đồng bào, chiến sĩ, hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 2,3 triệu người đang là nạn nhân. Chất độc da cam di truyền đến nhiều thế hệ, gây hậu quả nặng nề về sức khỏe, nòi giống và kinh tế gia đình.
Trong những năm qua, cùng với cả nước, TP Thủ Đức có nhiều giải pháp, hành động thiết thực, phù hợp thực hiện tốt công tác chăm lo chính sách và tích cực triển khai xã hội hoá công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Thủ Đức có 579 hội viên. Thời gian tới, Hội tiếp tục tham mưu lãnh đạo địa phương có những chính sách hỗ trợ tốt hơn các nạn nhân da cam, và vận động các nguồn lực chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.
Nhân buổi họp mặt kỷ niệm 63 năm ngày "Thảm họa da cam Việt Nam" tại TP Thủ Đức, với sự tài trợ của các tổ chức, đơn vị và mạnh thường quân, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Thủ Đức đã trao tổng cộng 301 suất quà và học bổng để chăm lo những hội viên, con em của hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 238 triệu đồng.
Hàng năm, Nhà nước chi ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam… Hiện có hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam trên cả nước. Trong đó, riêng TP.Thủ Đức có 587 người, trong đó: người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 534 người và con của nạn nhân là 53 người, được hưởng chính sách ưu đãi.
Bá Phước