VNHNO - Buổi họp báo thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được tổ chức vào chiều 6 -10 tại Hà Nội. Đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì buổi họp báo.
Đồng chí Bùi Trường Giang chủ trì buổi họp báo
7 kết quả chính của Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Thông tin tại buổi họp báo, đồng chí Bùi Trường Giang cho biết, sau 5 ngày làm việc hết sức trí tuệ và khẩn trương, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành chương trình đề ra. Những kết quả chính của Hội nghị là:
Thứ nhất, Hội nghị đã thông qua cơ bản nội dung các văn kiện: 1) Nghị quyết phát triển bền vững về chiến lược kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 2) Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Thứ hai, thông qua nội dung cơ bản kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.
Thứ ba, quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII gồm: Tiểu ban Văn kiện do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư là Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - xã hội do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ là Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương là Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Nhân sự do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư là trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư là trưởng tiểu ban.
Thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất rất cao, giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung hai Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII, đó là đồng chí Võ Thái Nguyên và đồng chí Trần Đức Thắng.
Thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét quyết định, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Trần Văn Minh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 đối với đồng chí Nguyễn Bắc Son, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét báo cáo của Bộ Chính trị về công tác quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ bảy đến Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và báo cáo công tác Đảng năm 2017.
Làm rõ những nội dung dư luận quan tâm
Trả lời câu hỏi về kết quả Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, đồng chí Lê Quang Vĩnh cho biết, khi dự họp, 175/175 (100%) các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức đồng ý giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước trong Kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Đồng chí Lê Quang Vĩnh cũng nhấn mạnh, trong lịch sử của Đảng ta, đã có hàng chục năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước. Chúng ta đã có kinh nghiệm về việc tổ chức, điều hành khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. 4 văn phòng gồm Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội có quy chế phối hợp chặt chẽ đảm bảo cho việc phục vụ các công việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Việc đồng chí Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ có nhiều thuận lợi trong tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước.
Làm rõ thêm nội dung này, đồng chí Lê Quang Vĩnh cho biết, nhìn rộng ra trên toàn thế giới, người đứng đầu của Đảng cầm quyền luôn là người đứng đầu Chính phủ hoặc nguyên thủ quốc gia, hoặc cả hai. Đây là tập quán chính trị, thông lệ quốc tế. Vì vậy, việc đồng chí Tổng Bí thư của Đảng đồng thời là Chủ tịch nước là điều hết sức tự nhiên trong đời sống chính trị, hợp ý Đảng, lòng dân.
Trong các nhiệm kỳ tới, việc đồng chí Tổng Bí thư của Đảng có đồng thời là Chủ tịch nước hay không thì tùy thuộc vào quyết định của Ban Chấp hành Trung ương.
Trả lời câu hỏi về Quy định về trách nhiệm nêu gương, đồng chí Vũ Thanh Sơn (Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương) khẳng định, Trung ương thống nhất rất cao và cho phép ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là một vấn đề khó, nhạy cảm, cực kỳ phức tạp. Ban Tổ chức Trung ương được giao chủ trì. Cho tới thời điểm này, Ban Tổ chức Trung ương đã báo cáo Ban Bí thư 1 lần, báo cáo Bộ Chính trị 2 lần và 2 lần xin ý kiến của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng. Sau Hội nghị này, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục hoàn thiện nội dung và tiếp tục xin ý kiến của Bộ Chính trị, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng trước khi ban hành.
Về nội dung Quy định, đồng chí Vũ Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, đang tiếp tục hoàn thiện và chưa công bố nội dung chính thức. Tại Hội nghị lần này, có 148 ý kiến góp ý về nội dung dự thảo Quy định. Vì vậy, với tinh thần tiếp thu, cầu thị, Ban Tổ chức Trung ương sẽ sớm hoàn thiện nội dung Quy định và cố gắng ban hành sớm nhất.
Chia sẻ về Nghị quyết phát triển bền vững về chiến lược kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tới đây, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên cơ sở đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và đề ra phương hướng mới, Ban Chấp hành Trung ương với sự thống nhất rất cao để ban hành Nghị quyết mới về phát triển bền vững về chiến lược kinh tế biển. Trong đó, có rất nhiều vấn đề cần đổi mới từ nhận thức, tư duy, quan điểm chuyển sang hành động, trong đó, đổi mới, tư duy nhận thức về mặt kinh tế là hết sức cần thiết. Nghị quyết mới có 6 quan điểm, vừa kết thừa 3 quan điểm cũ của Nghị quyết 09-NQ/TW “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nhưng đồng thời bổ sung thêm những tư tưởng, quan điểm mới theo xu thế của thời đại.
Trả lời câu hỏi về nội dung cơ bản kết luận về tình hình kinh tế xã hội ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, đồng chí Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, sẽ hoàn thiện nội dung báo cáo, làm việc với các cơ quan chức năng và trình báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV bắt đầu từ ngày 22-10.
Thu Hằng/TG