22/01/2025 lúc 15:08 (GMT+7)
Breaking News

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển thương hiệu tiêu Cùa Quảng Trị

Sau hơn 20 năm, HTX nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị không những xây dựng và phát triển thương hiệu tiêu Cùa nổi tiếng cả nước mà còn trở thành điểm tựa phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định có thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Nặng lòng với thương hiệu tiêu Cùa

Được sự giới thiệu của ngành nông nghiệp Quảng Trị, chúng tôi tìm đến một hợp tác xã NN đã hơn 20 năm tuổi nổi tiếng với thương hiệu tiêu Cùa Quảng Trị.

Tiếp đoàn nhà báo chúng tôi là ông Trần Hà - Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ hồ

tiêu Cùa, dẫn chúng tôi đi tham quan một số mô hình với cách làm sáng tạo đón trước thời vận công nghệ chuyển đổi số, vừa đi ông vừa chia sẻ: Huyện Cam Lộ có trên 3.000 ha đất đỏ ba dan ở ba xã Cam Chính, Cam Nghĩa (vùng Cùa) và Cam Thành. Đây là loại đất thích hợp để phát triển cây công nghiệp dài ngày. Vì thế sau ngày quê hương giải phóng, vùng đất đỏ ba dan này đã được quy hoạch, xây dựng thành vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu của huyện Cam Lộ.

Trước những năm 1990, diện tích tiêu tại Cam Lộ có lúc trên 900 ha cây. Việc kinh doanh hồ tiêu đã mang lại cuộc sống ổn định cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn. Người Quảng Trị lúc ấy vô cùng tự hào vì hồ tiêu vùng Cùa trái không chỉ đều đẹp, mà hàm lượng tinh dầu cao, hạt chắc, hương vị nồng cay, thơm ngon không nơi nào trên đất nước Việt Nam sánh được.Tiêu Cùa sau đó vẫn duy trì được vị thế của mình trong suốt 15 năm trước khi bước vào thời kỳ khủng hoảng vào những năm 2005. Đến năm 2010, diện tích tiêu Cùa đã sụt giảm từ hơn 900 ha xuống còn 300 ha. Nhiều diện tích hồ tiêu già cỗi, hết chu kỳ khai thác đã bị chặt bỏ, giá tiêu liên tục rớt giá, người dân vì thế không còn mặn mà với tiêu mà đã chuyển sang trồng cao su và các loại cây khác. HTX tiêu Cùa của tôi đã trải qua rất nhiều năm chật vật để duy trì sản xuất cũng như hỗ trợ sinh kế cho 600 hộ dân trong HTX. Không từ bỏ việc trồng tiêu, tôi đã cùng chính quyền địa phương tìm cách để “cứu” tiêu Cùa. Vào thời điểm đó Ban chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ đã ra Nghị quyết chuyên đề với nội dung khôi phục và trồng mới 500ha hồ tiêu giai đoạn 2011 – 2015. Thông qua việc triển khai đề án này người trồng hồ tiêu sẽ áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh, có điều kiện đầu tư thâm canh cây tiêu theo hướng bền vững, hiệu quả. Ông Hà khi đó đang là Chủ tịch Hợp tác xã tiêu Cùa đã không ngần ngại tình nguyện để các cán bộ kỹ thuật thử nghiệm các biện pháp canh tác và kỹ thuật mới lên vườn tiêu lâu năm của gia đình dù biết rằng, thử nghiệm đó thất bại đồng nghĩa với việc vườn tiêu cao lớn, xanh mướt được gia đình ông vun trồng mấy chục năm qua sẽ không còn nữa.

"Trời không phụ lòng người", sau một thời gian áp dụng biện pháp canh tác và kĩ thuật mới, vườn tiêu không những phát triển ổn định mà còn cho năng suất cao.

Nhờ đó, các sản phẩm hồ tiêu tiêu chuẩn của các hộ thành viên được HTX bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 3.000 - 7.000 đồng/kg, đồng nghĩa khi sản xuất sạch, nông dân có thêm vài triệu đồng/tấn. Thu nhập của người lao động HTX hiện cũng được đảm bảo mức 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. 60 hộ thành viên HTX hiện đã thoát nghèo, nhiều hộ có “của ăn của để”.

Sản phẩm tiêu Cùa được đóng gói trước lúc xuất khẩu

Tiêu cùa lên “vương miện” OCOP 4 sao

Sau khi HTX đi vào ổn định, HTX tiếp tục xây dựng tiêu Cùa đạt tiêu chí sản phẩm OCOP.

Đầu tiên, HTX đã xây dựng vùng sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, chế biến sản phẩm an toàn, có chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng. Và một yêu cầu không thể thiếu đó là hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, không có hóa chất độc hại.

Hiện nay, hạt tiêu Cùa đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn - HACCP. Sản phẩm tiêu Cùa được bày bán tại các cửa hàng OCOP và bưu điện một số tỉnh, thành phố trong nước.

Chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trước khi tiêu ra hoa, kết trái

Ông Hà cho biết, hiện nay ông đang tiếp tục hợp tác và liên kết với một số doanh nghiệp để mở rộng tìm kiếm thị trường cho sản phẩm tiêu Cùa; đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu để có cơ hội xuất khẩu ra thị trường thế giới, góp phần giúp người dân giữ vững loại cây truyền thống này, mong muốn thương hiệu tiêu Cùa tiếp tục vươn xa.

Để tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” kinh tế hộ, đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, HTX dự kiến tiếp tục mở rộng vùng sản xuất chuyên canh hữu cơ, tích cực kết nối thị trường, hướng tới xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên trong HTX góp phần đưa tiêu Cùa có mặt trong chương trình vinh danh OCOP ánh vai cùng cả nước theo chương trình: “Trang vàng OCOP Việt Nam” tại thủ Hà Nội vào dịp cuối năm 2024 tới.

Phan Tiến 

...