VNHNO - Sáng 22/10, Quốc hội Khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6 tại Thủ đô Hà Nội.
Sau phiên họp trù bị, vào 9h sáng nay ngày 22/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội và được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày (không kể ngày nghỉ) và họp phiên bế mạc vào ngày 21/11/2018.
Bầu Chủ tịch nước, lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh
Sau phần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020).
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày (không kể ngày nghỉ) và họp phiên bế mạc vào ngày 21/11/2018
Theo dự kiến chương trình, chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Sau khi thảo luận tại Đoàn, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước và bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước vào ngày 23/10. Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ ngay sau khi được Quốc hội bầu.
Cũng trong hai ngày này, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và phê chuẩn bổ nhiệm người giữ chức Bộ trưởng mới.
Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân và Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu và phê chuẩn do chưa đủ thời gian lấy phiếu).
Nhiều điểm mới
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Kỳ họp thứ 6 không chỉ là kỳ họp cuối năm mà còn là kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ nên khối lượng công việc là rất lớn và có nhiều nội dung mới sẽ được trình Quốc hội.
Quốc hội sẽ xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 6
Trước hết, về kinh tế - xã hội, ngân sách, thông thường các kỳ họp cuối năm Quốc hội sẽ đánh giá kết quả trong năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ cho năm tiếp theo.
Nhưng lần này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 như: Phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; tài chính quốc gia; đầu tư công trung hạn; đánh giá giữa kỳ việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Việc xem xét các báo cáo trên không chỉ là nhìn nhận lại xem chúng ta triển khai được đến đâu, kết quả đạt được như thế nào, cái gì chưa đạt được, khả năng đạt được bao nhiêu mà quan trọng hơn là, trên cơ sở này, xác định xem có cần điều chỉnh hay cần thêm những giải pháp nào khác để phấn đấu đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm hay không.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, đây là vấn đề quan trọng, không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong ngắn hạn mà còn trong trung hạn và dài hạn.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.
Về giám sát, điểm mới là kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Việc giám sát lại như vậy sẽ giúp Quốc hội đánh giá một cách tổng thể việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, việc gì làm được, việc gì chưa làm được, nguyên nhân vì sao, chỉ rõ trách nhiệm và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện được các nghị quyết của Quốc hội.
Điều này cũng thể hiện quan điểm, phương pháp làm việc của Quốc hội, đó là, giám sát đến cùng việc thực hiện những vấn đề mà cử tri và nhân dân đã yêu cầu để tạo được chuyển biến rõ ràng trong thực tế.
Một điểm mới nữa liên quan đến chất vấn là kỳ họp này, Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ tiến hành chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đến các Nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đều phải trả lời chất vấn của ĐBQH./.