VNHN - Ngày 15/11/2019, tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội các Trường Đại học Cao đẳng Việt Nam phối kết hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông và trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tổ chức Hội thảo khoa hoc: Tự chủ Đại học thời kỳ Hội nhập.
Đoàn Chủ tọa Hội thảo
Tham dự và chủ trì Hội thảo có sự hiện diện của GSTS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học Cao đẳng Việt Nam; TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐHCĐ Việt Nam; GSTS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông; GSTS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Hội thảo có sự tham dự của TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cùng Đại diện các Trường Đại học đã và đang thực hiện cơ chế tự chủ đại học; đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.
Trong hơn một thập kỷ qua, vấn đề tự chủ trong giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ toàn thể hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ giáo dục và đào tạo, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Vũ Đức Đam từng phát biểu:“Tự chủ đại học là xu thế, Tự chủ đại học là vấn đề bắt buộc; Tự chủ đại học gần như là đường một chiều, là con đường chúng ta phải đi. Không có tự chủ đại học sẽ không có những đại học mạnh, không có đại học mạnh thì không có lực lượng nhân lực tốt, đất nước sẽ không phát triển được”.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo: GSTS Trình Quang Phú nêu rõ sự cần thiết phải tự chủ đại học trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Vấn đề đặt ra là sự quản lý và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền và cụ thể các đơn vị giáo dục đại học trên cả nước để chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là Tự chủ đại học đạt được hiệu quả như mong đợi.
Trong hàng chục năm qua, trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang là mẫu hình trường đại học tự chủ tiêu biểu trên cả nước với cách làm linh hoạt và mục tiêu giáo dục kiên định. Từ đó nhà trường đã đạt được những thành quả đáng tự hào như: Sánh ngang với nhiều trường đại học uy tín ở các quốc gia phát triển khác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng là thành công có tính vượt bậc và bền vững với 4058 công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế uy tín; 3395 bài báo khoa học trên các tạp chí hàng đầu thế giới (đến tháng 8/2019); là trường đại học đầu tiên của Việt Nam được Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ cấp 07 Bằng sáng chế khoa học công nghệ. Là đầu mối quan hệ quốc tế lớn của đất nước với Mạng lưới hợp tác đại học quốc tế. Trong hoạt động dạy và học, trường đã triển khai thành công việc điều chỉnh chương trình giáo dục theo chương trình của Top 100 đại học hàng đầu trên thế giới, chất lượng và chuẩn đầu ra của sinh viên ngày một tăng; tỷ lệ sinh viên ra Trường có việc làm trong năm đầu tiên đạt 100%; đồng thời mở rộng quy mô đào tạo sau đại học theo đúng mục tiêu đề ra và sát với nhu cầu xã hội… GSTS Lê Vinh Danh phát biểu tham luận tại hội thảo: Quá trình tự chủ là hướng đến sở hữu cộng đồng và Tự chủ đại học chính là nền tảng tiên quyết của giáo dục hội nhập.
Phát biểu và thảo luận sôi nổi tại Hội thảo, rất nhiều ý kiến được nêu ra như: Tự chủ đến mức nào, vấn đề đầu tư công....các ý kiến đều đề cao bản chất của vấn đề tự chủ đại học và mong muốn các cấp nhất là Bộ GĐ&ĐT hoàn thiện, bổ sung các chi tiết mới phát sinh trong quá trình thực hiện trong Luật Giáo dục Đại học để tự chủ đại học tiếp tục có sự phát triển và đạt hiệu quả thành công như mong đợi.
TS Vũ Ngọc Hoàng điều hành hội thảo đã tổng kết: “Hệ thống giáo dục mở chắc chắn phải bảo đảm thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các cơ sở đại học và cao đẳng. Khi nào có đủ quyền tự chủ ấy thì lúc đó mới có một nền giáo dục đại học trưởng thành”.