22/11/2024 lúc 12:44 (GMT+7)
Breaking News

Hội thảo khoa học: Di sản Hồ Chí Minh tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2023), ngày 11/5 vừa qua, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản Hồ Chí Minh tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại".

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (Ảnh tư liệu) 

Chủ trì Hội thảo có GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; đồng chí Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi nêu rõ: Hội thảo có ý nghĩa thiết thực để thành kính tưởng nhớ, tri ân, làm rõ thêm công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn về tầm vóc, giá trị vô cùng to lớn và quý giá của di sản Hồ Chí Minh; bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay. Đồng thời khẳng định, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta vô cùng to lớn và quý giá, là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường, dẫn dắt dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 40 bài viết, báo cáo tham luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Với cách tiếp cận phong phú, khách quan, khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc và làm sáng tỏ những giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. 

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

Di sản Hồ Chí Minh tỏa sáng sự nghiệp giải phóng dân tộc

Hồ Chí Minh đã không ngừng bổ sung, làm giàu tư tưởng của mình trên nền tảng học thuyết Mác-Lênin và thực  tiễn phong phú của cách mạng thế giới. Ra sức truyền bá học thuyết Mác-Lênin về nước; kế thừa, bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người đã làm sáng tỏ một cách đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp ở Việt Nam, chỉ rõ tầm quan trọng và tính chủ động của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Người khẳng định, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đó là một luận điểm sáng tạo góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Để giải quyết vấn đề quan trọng bậc nhất của cách mạng, Hồ Chí Minh nỗ lực chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ cho sự ra đời của một đảng cách mạng chân chính, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã vạch ra đường lối đúng đắn, thể hiện rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Di sản Hồ Chí Minh tỏa sáng sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Trong quá trình chỉ đạo thực tiễn sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Trong di sản Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự nghiệp cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng phải giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo toàn xã hội, trên mọi lĩnh vực.

Dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh, sức sống, động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là con người Việt Nam, là ý chí và sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa. Coi con người là vốn quý nhất, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; làm cho con người phát triển toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử dân tộc và thời đại.

Di sản Hồ Chí Minh sáng ngời giá trị thời đại, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội

Là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam mang tầm vóc nhân loại, di sản Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống văn hóa tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa thế giới.

Di sản Hồ Chí Minh hội tụ và tỏa sáng lý tưởng, khát vọng, những giá trị cao quý của loài người, đó là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội. Suốt cuộc đời, Người luôn chăm lo xây dựng, vun đắp cho tình hữu nghị, hợp tác và đoàn kết giữa nhân dân các nước theo triết lý nhân sinh “Rằng đây bốn biển một nhà / Vàng đen trắng đỏ đều là anh em”. Hồ Chí Minh khẳng định quyền được sống trong hòa bình và phát triển mang tính tất yếu của con người, của mỗi quốc gia dân tộc và là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Hồ Chí Minh đã bắc những nhịp cầu hữu nghị, đẩy mạnh việc giao lưu, tiếp xúc, nhằm tăng cường sự tin cậy, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Người đã kiên trì, nhất quán theo đuổi lý tưởng và đấu tranh cho “Một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ - phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da”.

Thế giới đã, đang và sẽ mãi mãi tôn vinh Hồ Chí Minh - một biểu tượng ngời sáng và cao quý của nhân loại trên con đường đi tới tương lai tươi sáng của loài người. Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đã có những cống hiến xuất sắc, vạch đường, dẫn lối, thiết kế tương lai cho dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và giải phóng con người; cho tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Các dân tộc tìm thấy trong di sản của Người một hướng đi thích hợp, một phương pháp cách mạng và khoa học cho cuộc đấu tranh vươn tới những mục tiêu cao cả của thời đại.

PV