27/11/2024 lúc 17:30 (GMT+7)
Breaking News

Hội thảo khoa học: “Kinh tế Việt Nam qua 50 năm thống nhất xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Lý luận và thực tiễn”

Ngày 21-3-2023, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học "Kinh tế Việt Nam qua 50 năm thống nhất xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn".

GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH KTQD phát biểu tại Hội thảo

Nhằm góp phần vào việc xây dựng Báo cáo tổng kết: “Những vấn đề lý luận - thực tiễn qua 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. phục vụ nhiệm vụ tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngày 21-3-2023, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học "Kinh tế Việt Nam qua 50 năm thống nhất xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn".

Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện nhiều Ban, ngành, địa phương trong cả nước. Gần 40 tham luận khoa học đã được gửi tới Hội thảo.

PGS.TS. Phạm Văn Linh – Phó Chủ tịch HĐLLTƯ, GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH KTQD đồng chủ trì Hội thảo.

Qua 50 năm thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước đã có những thành công cả về lý luận và thực tiễn. Về mặt lý luận đó là đột phá nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhận thức lý luận về các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về các mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với các lĩnh vực khác, về phát triển nhanh, bền vững…Chính những đổi mới này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Và như Tổng Bí thư khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập cả về lý luận và thực tiễn. Trước yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tổng kết toàn diện những vấn đề lý luận, thực tiễn về xây dựng và bảo vệ đất nước theo định hướng XHCN những năm qua, trong đó có nội dung phát triển kinh tế nhằm góp phần xây dựng luận cứ đề xuất các nội dung xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Trong khuôn khổ của chương trình làm việc, Hội thảo đã tập trung thảo luận sâu vào các nội dung trọng tâm, đó là:

 Thứ nhất, vấn đề mô hình tăng trưởng kinh tế qua 50 năm thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ hai, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với thực hiện phát triển nhanh, bền vững, và phát triển kinh tế số;

Thứ ba, vấn đề nhận thức lý luận và phát huy trong thực tiễn vai trò các thành phần và khu vực kinh tế;

Thứ tư, vấn đề phân bổ nguồn lực và phân phối thành quả trong phát triển: nhận thức và thực tiễn, vấn đề đặt ra cũng như tác động của nó đến quá trình thúc đẩy tăng trưởng đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội;

Thứ năm, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 50 năm qua;

Thứ sáu, vấn đề mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN;

Thứ bảy, vấn đề phát triển kinh tế gắn với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV