Hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhằm khẳng định giá trị di sản của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và phát triển du lịch (cụ thể là du lịch danh nhân) đầy bền vững ở Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng.
Đến tham dự Hội thảo có Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố; cùng các nhà khoa học trong nước và quốc tế…
Hội thảo thu hút 133 tham luận của các tác giả trong và ngoài nước, trong đó có 96 tham luận (17 tham luận của tác giả nước ngoài, 79 tham luận của các tác giả trong nước) được in trong kỷ yếu do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản thành hai tập. Trong số các tác giả có 14 GS, 24 PGS, 39 TS có tham luận in trong kỷ yếu.
Đây được xem là một hội thảo quốc tế lớn, quy tụ các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia, các nhà khoa học trong nước cũng đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học khác nhau. Tuy có nhiều cách tiếp cận đa dạng, nhưng tất cả đều khẳng định tầm vóc nhân loại của một danh nhân văn hóa Việt Nam được Đại hội đồng UNESCO thông qua nghị quyết 41C/15 vinh danh và đồng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu.
Hội thảo tập trung vào các nội dung chính, phải kể đến là hình ảnh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử Việt Nam, khu vực và quốc tế nửa sau thế kỷ XIX; qua đó khai thác vị trí của Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với vận mệnh quốc gia, số phận con người trong chiến tranh qua nghệ thuật văn chương; tư tưởng nhân văn của Nguyễn Đình Chiểu; tư duy tiến bộ về giải phóng con người trong những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu; khai thác sâu vào nhân cách văn hóa, tinh thần hiếu học, những giá trị văn hóa, sức sống, tầm ảnh hưởng các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu với đương thời và hôm nay. Từ đó góp phần để các thế hệ trẻ sau nâng cao nhận thức được vai trò của việc bảo vệ và phát huy giá trị tư tưởng, nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo, đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre chia sẻ, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức. Tài năng và địa vị của ông trên văn đàn, y thuật và nền giáo dục nước nhà đã được ghi nhận, tôn vinh từ rất sớm, ngay cả lúc ông còn sinh thời và trong giai đoạn hiện nay. Là một trong những người khai sáng và là tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ XIX, ông đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà. Ôngcòn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại mọi cám dỗ về vật chất, đe dọa về tinh thần, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã không khỏi xúc động phát biểu “Đối với khu vực Nam Bộ, nhất là tỉnh Bến Tre - vùng đất giàu truyền thống lịch sử,văn hóa, cách mạng, Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ người Bến Tre nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung về đạo lý làm người, về tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất. Nơi đây ấp ủ, lưu giữ di hài của nhà giáoVõ Trường Toản; quê hương của Long Vân hầu Trương Tấn Bửu, của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và cũng là quê hương, nơi sống và làm việc của nhiều danh nhân văn hóa lịch sử. Đồng thời, trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, vùng đất này tiếp tục sản sinh ra các danh nhân như Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Giáo sư Ca Văn Thỉnh, nhà thơ Lê Anh Xuân, Bác sĩ - Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp,...”. Theo đó, đồng chí Lê Đức Thọ khẳng định quê hương Đồng Khởi anh hùng sẽ vận dụng, phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống ấy vào việc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Chính danh nhân Nguyễn Đình Chiểu cùng thế hệ đi trước đã trở thành mạch nguồn truyền thống tốt đẹp luôn chuyển lưu, chảy mãi trên quê hương Bến Tre. Ngày nay, toàn Đảng và Nhân dân Bến Tre đang nỗ lực từng ngày để biến tinh thần ấy thành tinh thần “Đồng Khởi mới” phù hợp với giai đoạn CNH-HĐH, cùng đưa quê hương vươn lên thoát nghèo, xây dựng và phát triển tỉnh Bến Tre ngày càng giàu mạnh, thịnh vượng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra là “phấn đấu xây dựng tỉnh Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030”.
Như đồng chí Lê Đức Thọ nhận định, Hội thảo lần này không chỉ là cơ hội, là dịp để tỉnh Bến Tre được đón tiếp các quý vị đại biểu quốc tế và trong nước tới thăm, tìm hiểu thêm về vùng đất, con người Bến Tre; mà cũng là lời kêu gọi mong muốn tiếp tục nhận sự đồng hành, hỗ trợ đáng quý của các đối tác trong và ngoài nước để cùng Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói riêng gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thơ văn của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xứng tầm với danh hiệu cao quý được công nhận, vinh danh ở tầm quốc tế; đồng thời, đề nghị đưa kỷ niệm Ngày sinh của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu được tổ chức cấp Nhà nước vào những năm chẵn, năm tròn theo quy định hiện hành.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, tiếp tục làm sáng rõ nhiều vấn đề xung quanh thời đại, quê hương và gia đình của Nguyễn Đình Chiểu; vị thế của nhà văn hóa được UNESCO vinh danh và giá trị các tác phẩm... Từ đó đề xuất các giải pháp tiếp tục bảo vệ và phát huy di sản của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu./.
Trí Đức