VNHN – Ngay sau khi kết thúc ngày làm việc thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có cuộc họp báo tại khách sạn Marriot sớm hơn dự kiến.
Vấn đề trừng phạt chính là lý do khiến hai bên chưa đạt được thỏa thuận
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã kết thúc cuộc hội đàm, cùng các quan chức song phương. Bữa tiệc trưa dù đã được chuẩn bị nhưng hai bên đã kết thúc cuộc đàm phán sớm hơn dự kiến và ra về mà không ăn trưa với nhau. Do đó buổi họp báo riêng của Tổng thống Donald Trump tại khách sạn Marriott đã được dời lên sớm 2 giờ, vào lúc 14h thay vì 16h như trước.
Đoàn xe của hai nhà lãnh đạo gần như cùng lúc khởi hành rời khách sạn Metropole
Lúc 13h50’ ngày 28/02, Thư ký báo chí của Nhà Trắng - Bà Sarah Sanders phát đi một tuyên bố cho biết Hội nghị thượng đỉnh đã không đạt được thỏa thuận nào nhưng các nhóm làm việc của hai bên sẽ tiếp tục gặp gỡ trong tương lai. “Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận rất nhiều phương hướng để thúc đẩy phi hạt nhân hóa và những quan điểm thúc đẩy kinh tế” – Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết.
Trước thông báo trên, Trung tâm Báo chí Quốc tế trở nên náo loạn khi có tin ông Trump và ông Kim hủy ăn trưa, lập tức quay về khách sạn. Các phóng viên tập trung trước màn hình lớn với máy quay, điện thoại... trong khi số khác tỏ ra khá căng thẳng khi ngồi trước máy tính.
Các phóng viên nhà báo tại Trung tâm báo chí IMC vô cùng bất ngờ khi nhận tin cuộc họp báo sẽ tổ chức sớm hơn trước 2 tiếng
Trước toàn thể báo chí Quốc tế, Tổng thống Donal Trump bày tỏ lời cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đối xử và đón tiếp nồng hậu. Bài phát biểu của ông kéo dài 37 phút với nhiều nội dung và trả lời phóng vấn từ báo chí, ông cũng khẳng định hai ngày qua là những ngày rất hiệu quả giúp hai bên hiểu nhau hơn, có những thỏa thuận tốt đẹp hơn “…nhưng tôi nghĩ thời điểm này chưa thích hợp để chúng tôi thực hiện ký kết” – Ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước báo chí Quốc tế
Cuộc hội đàm lần thứ hai này tuy không đạt được những mong muốn vì hòa bình mà toàn Thế giới đang mong chờ và quan tâm nhưng ông Trump khẳng định “đã có quãng thời gian thực sự hiệu quả trong các cuộc thảo luận với nhà lãnh đạo Triều Tiên”. Ông nói thêm rằng “đây không phải là chuyện ký kết được gì đó" và hai bên đã có một số lựa chọn vào thời điểm này. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi quyết định chưa thực hiện lựa chọn nào cả”.
Có thể nói cuộc hội đàm đã kết thúc không gay gắt, hai bên đã chia tay trong những hứa hẹn ở tương lai cuộc đàm phán tốt đẹp hơn về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Hai Nhà lãnh đạo của hai nước đã có những giờ phút vui vẻ trong cuộc gặp gỡ lần này
Phát biểu trước báo chí quốc tế, Ông Trump đã rất ca ngợi và đánh giá cao Nhà lãnh đạo cũng như đất nước Triều Tiên, hai ông đã có mối quan hệ trở lên tốt đẹp hơn so với một năm trước. Tổng thống Hoa Kỳ thừa nhận "có những khoảng cách" giữa hai bên và cho biết Chủ tịch Kim sẵn sàng phi hạt nhân hóa một số khu vực của Triều Tiên, Ông Kim hứa sẽ không tiếp tục thử hạt nhân hay tên lửa trong tương lai.
Cuộc hội đàm lần này đã giúp mối quan hệ trở lên thân thiết hơn
Thừa nhận tại Hội nghị, vấn đề trừng phạt chính là lý do khiến hai bên chưa đạt được thảo thuận, ông cho biết ông trông đợi những cuộc đàm phán tương lai với Triều Tiên bởi "họ có tiềm năng rất lớn, không thể tin nổi", ông muốn thấy các lệnh trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ đối với Triều Tiên trong tương lai: "Tôi rất muốn gỡ bỏ lệnh trừng phạt, bởi vì đất nước đó có tiềm năng phát triển rất lớn". Nhưng Tổng thống Trump nói cơ bản Triều Tiên muốn gỡ bỏ hoàn toàn cách lệnh cấm vận, Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh: "Chúng tôi không thể làm vậy".
Trước việc đàm phán không thành công của hai bên, Tổng thống Mỹ bày tỏ những lạc quan và tin tưởng cho mối quan hệ “nồng ấm” này. Ông cho biết ông sẽ gọi điện cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngay khi lên máy bay về nước cũng như sẽ sớm có cuộc nói chuyện với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Nhắc đến mối quan hệ với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, khẳng định rằng cuộc gặp gỡ giữa hai người không kết thúc một cách gay gắt mà "chia tay rất thân thiện".
Nhấn mạnh về cuộc hội đàm lần này, hai bên đã rất thiện ý trong việc bày tỏ những quan điểm riêng, có những khoảng cách nhất định, nhưng “Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Donald J. Trump và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã có các cuộc gặp gỡ rất tốt đẹp và mang tính xây dựng tại Hà Nội, Việt Nam trong các ngày 27-28/02/2019" - Bà Sarah cũng cho biết thêm.
Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeol tại buổi họp báo cho hay, hai bên đã rất cố gắng đạt được thỏa thuận lần thứ nhất tại Singapore, tuy nhiên đã không đạt được mong muốn của Hoa Kỳ, ông mong hai bên tiếp tục có cuộc đàm phán tiếp theo để đạt được những tiến triển tốt hơn trong việc phi hạt nhân hóa. Ông khẳng định, việc đàm phán này cần rất nhiều thời gian, cuộc đàm phán này hai bên đã có những chia sẻ thẳng thắn để hiểu nhau hơn.
Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo tại buổi họp báo
Triều Tiên trước viễn cảnh thế giới
Nhìn lại những dấu mốc lịch sử quan trọng với Triểu Tiên có thể thấy rõ những mong muốn của Triểu Tiên lần này về một thông báo hòa bình tại cuộc hội đàm lần thứ hai này.
Lật lại dấu mốc lịch sử của Triểu Tiên năm 1953, các nước Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc là các bên tham gia cuộc chiến (bao gồm 48 quốc gia thành viên và 7 quốc gia không phải thành viên Liên Hợp Quốc đã cam kết hỗ trợ trang thiết bị, viện trợ và đưa quân tham gia chiến tranh Triều Tiên) đã tham gia ký Hiệp định đình chiến kết thúc khoảng 3 năm chiến tranh, lệnh ngừng bắn và kết thúc chiến tranh đã được thực hiện và duy trì đến nay. Tuy nhiên, văn bản này là lệnh ngừng bắn, không phải là một Hiệp ước hòa bình vĩnh viễn. Hàn Quốc thậm chí không ký vào Hiệp định đình chiến vì cảm thấy lợi ích của nước này không được thể hiện đầy đủ, điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật.
Các kế hoạch lớn được thực hiện nhằm xây dựng một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên tại Hội nghị Geneva năm 1954. Tuy nhiên, các bên tham gia Hội nghị không tìm kiếm được sự đồng thuận và không có Hiệp ước hòa bình nào được đưa ra.
Tháng 4 năm 2018, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được tuyên bố không còn chiến tranh, chính điều này càng làm dấy lên kỳ vọng về một tuyên bố tương tự tại Hà Nội giữa Mỹ và Triều Tiên lần này. Nếu hai bên tuyên bố chấm dứt chiến tranh, có nghĩa là tất cả 4 quốc gia tham chiến trong cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đều đã tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Theo một số nguồn tin báo chí quốc tế, hiện tại Mỹ có quân nhân thuộc các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc. Quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc và tham gia các cuộc tập trận thường xuyên giữa hai nước đồng minh. Theo USA Today, Mỹ có 19.000 binh sĩ lực lượng lục quân, 8.000 binh sĩ lực lượng không quân, khoảng 1.000 binh sĩ hải quân và khoảng 200 binh sĩ thủy quân lục chiến. Phần lớn quân đội Mỹ tại Hàn Quốc đồn trú tại doanh trại Garrison Humphreys ở Pyeongtaek; Yongsan ở Seoul và doanh trại Walker ở Daegu. Không quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc có 2 căn cứ, Osan và Kunsan. Hải quân hoạt động ở Busan và Jinhae. Quân đội Mỹ hiện đang di chuyển hầu hết các lực lượng của mình từ các căn cứ gần biên giới với Triều Tiên đến các căn cứ ở xa hơn về phía nam.
Cả Thế giới mong muốn có một tuyên bố hòa bình, động thái của Nhà lãnh đạo Triều Tiên trong cuộc gặp lần này đã tỏ rõ việc sẵn sàng thực hiện phi hạt nhân hóa. Trước báo chí Quốc tế: “Vẫn còn quá sớm để trả lời. Tuy vậy, tôi sẽ không nói tôi là người bi quan” – Ông Kim bất ngờ trả lời một phóng viên Mỹ.
Ông Kim bất ngờ trả lời báo chí Mỹ khi được phiên dịch lại câu hỏi
Trước những động thái đầy hy vọng cho một Hiệp ước vì hòa bình, cuộc gặp gỡ của hai Nhà lãnh đạo đã kết thúc sớm hơn dự định bởi quyết định từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Cả Thế giới một lần nữa tiếp tục kỳ vọng cho cuộc gặp của hai Ngài Trump – Kim lần thứ 3 vì hòa bình./.
Ngọc Anh