Dự hội thảo có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng: Cao Đức Phát và Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trịnh Văn Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV, cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các ngành có liên quan của tỉnh, các HTX và điểm cầu trực tiếp tại các Trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái; là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, là tỉnh có địa bàn rộng, số người làm nông nghiệp và sống trong khu vực nông nghiệp, nông thôn rất lớn; đến hết năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có trên 72% dân số sống ở khu vực nông thôn và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần 33% lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, Thanh Hóa đều xác định Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển nguồn nhân lực là chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ; và việc nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững được xác định là khâu đột phá. Vì vậy, để phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, thì việc đẩy mạnh ứng dụng “Khoa học công nghệ - Đào tạo nguồn nhân lực - Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nông nghiệp” là một nhu cầu hết sức cấp thiết.
Hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn” hôm nay, chính là cơ hội tốt để chúng ta được nghe các đại biểu Trung ương, lãnh đạo Học viện nông nghiệp Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh chia sẻ về những thành tựu của khoa học và công nghệ; làm rõ hơn về vai trò và giải pháp để nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp thời đại 4.0; đồng thời cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trường trung học phổ thông hiểu rõ hơn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nông nghiệp; tăng cường hỗ trợ, trao đổi thông tin, liên kết đào tạo các chuyên gia đầu ngành theo lĩnh vực, ngành hàng; đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành nông nghiệp về kỹ năng đàm phán, pháp lý, phân tích thị trường, quản lý sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp thông minh.
Tiếp đó, hội thảo đã được nghe Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Lan - Giám đốc học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu đề dẫn về nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp thời đại 4.0. Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Lan nhấn mạnh: Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung là rất cần thiết. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển. Đây là những nội dung mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, bà con nông dân, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp thời kỳ cách mạng 4.0; các chức năng của các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phục vụ cho nghiên cứu chuyên sâu, tạo công nghệ mới và là địa chỉ tin cậy, được hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tin tưởng hợp tác trong đánh giá, phân tích chất lượng nông sản, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; phân tích chất lượng đất, phân bón và môi trường, hay các dịch vụ phân tích, chẩn đoán bệnh trên cây trồng vật nuôi, nghiên cứu sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh tật trên gia súc, gia cầm…
Tại hội thảo đại diện lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh./.