13/01/2025 lúc 12:11 (GMT+7)
Breaking News

Học trực tuyến mùa dịch COVID-19: Sẽ ưu tiên hệ thống hóa kiến thức cho học sinh

VNHN - Học sinh phải nghỉ học dài ngày do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đang là nỗi lo của nhiều bậc cha mẹ. Giải pháp ngành giáo dục đưa ra, là dùng các ứng dụng giảng dạy trực tuyến, dùng mô hình giảng dạy qua truyền hình để cơ bản giảm tải và ôn luyện kiến thức cho học sinh khi phải ở nhà.

VNHN - Học sinh phải nghỉ học dài ngày do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đang là nỗi lo của nhiều bậc cha mẹ. Giải pháp ngành giáo dục đưa ra, là dùng các ứng dụng giảng dạy trực tuyến, dùng mô hình giảng dạy qua truyền hình để cơ bản giảm tải và ôn luyện kiến thức cho học sinh khi phải ở nhà.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Việt Nam Hội nhập đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng.

Học trực tuyến trở thành giải pháp quan trọng cho ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

PV: Tình hình dịch bệnh đang buộc hệ thống giáo dục phải đặt bài toán giáo dục trực tuyến, giảng dạy qua truyền hình và dùng các công cụ CNTT để hỗ trợ học sinh. Theo chúng tôi biết, đây không phải vấn đề mới với nền giáo dục quốc dân, mà đã đề cập từ hơn 10 năm trước. Song bởi thiếu sự kiên quyết và đồng bộ về các giải pháp ứng dụng, ngành giáo dục đã không nhân rộng được các mô hình theo từng cấp, chỉ ứng dụng ở một số lĩnh vực và khía cạnh nhỏ. Bà có nhìn nhận như vậy không? Và theo bà, liệu bài toán này đặt lại, cơ bản sẽ tích cực hơn quá khứ?

Bà Lê Thị Bích Thuận: Theo tôi, việc dạy và học trực tuyến, giảng dạy qua truyền hình chịu sự tác động của nhiều yếu tố, như hạ tầng kỹ thuật, điều kiện kinh tế, chuyên môn… từ phía nhà trường, giáo viên và cả từ phụ huynh, học sinh. Có thể trong giai đoạn trước, chúng ta chưa đáp ứng được đầy đủ các yếu tố đó, nên việc triển khai chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao. Trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ chúng ta đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu cho việc triển khai hình thức dạy và học này.

PV: Giải pháp, ứng dụng, cách thức nào, theo bà là sẽ tiên tiến và tiện lợi cho việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình của học sinh? Nhất là với nhiều phụ huynh hiện nay, việc đồng bộ, nắm bắt kiến thức với con em, theo dõi lịch học tập đã khó, bây giờ đòi hỏi cả sự tương tác trực tuyến, thì có phải quá trở ngại không? Theo đó, hiệu quả giáo dục trực tuyến như vậy có bảo đảm?

Bà Lê Thị Bích Thuận: Tôi cho rằng, đến thời điểm hiện nay, thì việc dạy – học trực tiếp trên lớp, có tương tác trực tiếp giữa thầy và trò vẫn là hình thức hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc vận dụng các hình thức học tập mới là cần thiết trong điều kiện đảm bảo cho người học thêm cơ hội, thêm lựa chọn để tiếp cận và củng cố kiến thức. Đặc biệt, qua các phần mềm hỗ trợ học tập trực tuyến, nhà trường, giáo viên có thể biết được sự tham gia, kết quả tương tác của giáo viên và học sinh như thế nào, để có được những điều chỉnh, thay đổi hợp lý.

Bà Lê Thị Bích Thuận: Cần duy trì tốt mô hình học trực tuyến về sau.

Cốt lõi vấn đề theo tôi, là dù dùng hình thức nào, cũng cần có sự phối hợp, giám sát của phụ huynh học sinh trong việc học tập của học sinh, nhất là với các học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

PV: Với địa bàn Đà Nẵng, Sở Giáo dục Đào tạo đã có những chỉ đạo và hợp tác cụ thể nào về đào tạo trực tuyến, giảng dạy qua truyền hình? Cái khó, cái thiếu của cách thức này là gì?

Bà Lê Thị Bích Thuận: Ngay khi học sinh bắt đầu nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, chúng tôi đã trao đổi với nhiều đơn vị, nhà mạng cung cấp dịch vụ, và đã nhanh chóng được đồng ý hỗ trợ miễn phí các phần mềm dạy – học trực tuyến. Qua khảo sát ở các đơn vị, trường học, bước đầu hình thức này được thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình.

Tuy nhiên, thói quen, tâm lý tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh, cũng như điều kiện khác biệt giữa các khu vực dân cư, hoàn cảnh gia đình của học sinh… vẫn là hạn chế lớn của hình thức này.

Đến nay, Sở chúng tôi đã làm việc với Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng thực hiện Chương trình “Ôn tập lớp 12 trên truyền hình”, nhằm giúp các em học sinh lớp 12 thêm kênh ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Chương trình đã phát sóng số đầu tiên vào sáng ngày 16/3/2020, và đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ giáo viên và học sinh. Chúng tôi đang lên tiếp kế hoạch chương trình “Ôn tập lớp 9 trên truyền hình”, giúp các em học sinh lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực để chương trình có thể phát sóng trong thời gian sớm nhất.

Phần lớn phụ huynh và học sinh đều quan tâm và ủng hộ mô hình học trực tuyến.

PV: Điều quan trọng của một hình thức giáo dục, không phải là hoàn cảnh khẩn cấp hay bắt buộc mới áp dụng để tồn tại và phát triển. Nếu chỉ dừng lại ở đối phó hoàn cảnh, chắc chắn mô hình sẽ tan rã khi khó khăn đi qua. Vậy theo bà, làm sao thói quen học tập trực tuyến, nghe giảng qua truyền hình sẽ vẫn giữ được ổn định với học sinh?

Bà Lê Thị Bích Thuận: Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm này. Có thể do hiện nay học sinh phải nghỉ học thời gian dài nên việc dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình được ủng hộ; nhưng làm sao để hình thức này được duy trì thường xuyên và phát huy hiệu quả, là câu hỏi không dễ trả lời.

Theo chúng tôi, việc lựa chọn nội dung, lựa chọn giáo viên và cách thức giao bài là điều kiện quan trọng để duy trì hình thức dạy – học mới. Chính vì thế, chúng tôi vẫn chủ trương là trước mắt, cần hệ thống hóa kiến thức, tạo thành những chuyên đề để hướng dẫn học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, chứ chưa đặt vấn đề dạy bài mới. Với những bài học trong hệ thống có những kiến thức học sinh chưa được học, giáo viên sẽ hướng dẫn cụ thể hơn. Việc triển khai dạy bài mới, theo đó vẫn đang nghiên cứu để có cách triển khai hiệu quả.