03/05/2024 lúc 08:26 (GMT+7)
Breaking News

Học tập và làm theo phong cách “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phong cách “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” là bộ phận trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tiễn cách mạng Việt Nam vừa qua đã chứng minh đây là nét đặc sắc, là giá trị nổi bật nhất trong phong cách làm việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đã luôn thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

Hiện nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN), việc học tập và làm theo phong cách “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mọi tổ chức đảng, chính quyền, mọi cán bộ, đảng viên lại càng trở nên cấp thiết. Song, để việc học tập và làm theo phong cách “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có chất lượng thực sự, đòi hỏi chúng ta phải nắm chắc thực chất tư tưởng và phương pháp hiện thực hóa tư tưởng trong đời sống thực tiễn.

Phong cách “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ nhận thức sâu sắc của Người về vai trò của quần chúng nhân dân trong tiến trình lịch sử nhân loại; trong sự nghiệp cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng con người và từ bản chất chế độ chính trị XHCN.

Xuất phát từ luận điểm quần chúng nhân dân là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa, phát triển tinh hoa tư tưởng dân tộc về vai trò của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]; “Dân là gốc của nước, của cách mạng”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”[2]; “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[3]. Từ nhận thức sâu sắc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta trong mọi đường lối, chính sách, từ hoạch định Cương lĩnh, chiến lược cách mạng, chủ trương, chính sách đã luôn xuất phát từ cơ sở là nguyện vọng, lợi ích cơ bản của quần chúng nhân dân. Chính vì thế Đảng ta đã huy động được sức mạnh vô địch của toàn dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn nhấn mạnh, bản chất của chế độ chính trị nước ta là chế độ chính trị XHCN, “nước ta là nước dân chủ, dân là chủ và làm chủ”, cán bộ, đảng viên là “công bộc” của dân, phải luôn đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy.

Luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, cùng với nêu tư tưởng khoa học, tổng kết từ thực tiễn lịch sử được khái quát súc tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn là một tấm gương sáng trong thực hành tư tưởng mà mình nêu lên. Trong thực tiễn hoạt động cách mạng, tư tưởng về cách làm việc “từ quần chúng ra, trở về nơi quần chúng” đã được Người thực tiễn hóa một cách chuẩn mực, trở thành tấm gương sáng cho mọi cán bộ, đảng viên và người dân học tập và làm theo. Chính nhờ cách làm việc đó của Người được lan tỏa mà Đảng, Nhà nước ta đã thực sự “đưa chính trị vào giữa dân gian” một cách tự nhiên, hiệu quả nhất, huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân, làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, trong tiến hành công cuộc cải tạo, đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN đạt được những thắng lợi to lớn trong các thời kỳ, giai đoạn cách mạng vừa qua.

Phong cách “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm một số nội dung căn bản sau đây:

Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải luôn lấy quần chúng làm điểm xuất phát đồng thời là mục tiêu cao nhất.

Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”[4]. Tư tưởng này đã trở thành phương châm, là xuất phát điểm đồng thời là mục tiêu của hoạch định và tổ chức thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đều vì lợi ích của quần chúng nhân dân. Theo đó, Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải luôn xem xét, nhận thức rõ “cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng, thì phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại... Cách làm việc nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải mạnh dạn đề nghị lên cấp trên mà đặt ra”[5]

Mọi cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, sâu sát trong đời sống của quần chúng nhân dân.

Gần dân, sâu sát trong đời sống quần chúng nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là mọi tổ chức đảng, chính quyền, mọi cán bộ của Đảng, Nhà nước phải đi sâu vào đời sống sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt của dân; quan tâm và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Muốn vậy, tổ chức, cán bộ, đảng viên phải luôn thành tâm, thật sự tin yêu, tôn trọng quần chúng, luôn học hỏi, cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý, phê bình của quần chúng, phải khéo léo khơi gợi thì quần chúng mới tâm huyết, bày tỏ thật ý kiến của mình. Người yêu cầu mọi tổ chức đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở, mọi cán bộ, đảng viên: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành”. Bởi một điều giản đơn là: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mài không ra”[6]. Từ thực tế, ý kiến và đề nghị của quần chúng thường lẻ tẻ, không tập trung, vì vậy đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự, theo nghĩa là phải biết tổng hợp, rồi phân tích, khái quát rút ra kết luận để cùng quần chúng thực hiện. Người còn chỉ ra, vấn đề nào vượt quá thẩm quyền thì cán bộ “phải có gan đề nghị cấp trên” giải quyết. Các kết luận được tổng hợp từ nguyện vọng, ý kiến của quần chúng có giá trị rất quan trọng, trở thành cơ sở luận cứ khoa học cho Đảng, Chính phủ hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng trí tuệ quần chúng là rất lớn, cần đi sâu khai thác, học hỏi, song “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”[7], “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”[8], mà cần có sự chọn lọc chính xác. Thực chất đây là bước lựa chọn, tổng hợp, phân tích, khái quát nguyện vọng, ý kiến của quần chúng để chuyển hóa thành đường lối, chủ trương để lãnh đạo quần chúng.

Mọi tổ chức đảng, chính quyền, mọi cán bộ, đảng viên phải đi sâu nắm vững tình hình chất lượng cụ thể của quần chúng.

Việc nắm vững tình hình chất lượng cụ thể của quần chúng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải nắm chắc, phân loại được chất lượng quần chúng với các mức hạng khác nhau để có biện pháp ứng xử, làm việc phù hợp mới đạt hiệu quả thiết thực. Phương pháp phân loại quần chúng, Người chỉ rõ yêu cầu: “Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”[9]. Phương pháp đó sẽ cho phép mọi tổ chức, mọi cán bộ, đảng viên thấu hiểu nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích của quần chúng. Từ đó dựa chắc vào quần chúng để đưa ra chủ trương, xác định kế hoạch, biện pháp cho sát, đúng với tình hình cụ thể. Đồng thời phương pháp đó tạo cơ sở, điều kiện giúp cho công tác tổ chức, động viên, huy động được tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn của quần chúng nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương, kế hoạch đề ra.

Mọi tổ chức đảng, chính quyền, mọi cán bộ, đảng viên phải tránh tệ quan liêu xa rời quần chúng.

Từ quan điểm nhất quán cán bộ, đảng viên là “công bộc”, “đày tớ của dân”, không phải là “quan cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghiêm khắc phê phán thói lên mặt, cửa quyền, mệnh lệnh, ức hiếp quần chúng nhân dân theo kiểu thích làm việc bằng giấy tờ, ngồi một nơi chỉ tay năm ngón, không chịu xuống địa phương, cơ sở kiểm tra công việc; việc gì cũng quen từ trên dội xuống, dùng mệnh lệnh, chỉ thị để lãnh đạo, dẫn đến những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không cũng không biết đến. Hệ quả của lối làm việc như vậy, theo Người là rất có hại. Nó làm cho lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, dẫn đến phần nhiều chủ trương, chính sách không thi hành được, nửa vời, không đến nơi, đến chốn. Từ đó Người chỉ rõ: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát”[10]. Công tác kiểm soát nếu được thực hiện tốt thì sẽ biết được ưu điểm, khuyết điểm của từng cá nhân và tập thể đơn vị, “mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”[11].

Từ phân tích luận giải trên cho thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong cách “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” có sự thống nhất chặt chẽ, biện chứng giữa lời nói và việc làm, giữa lý luận và thực tiễn. Vì vậy nó có tính khoa học, tính thực tiễn cao, bảo đảm tính hiệu quả cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của mọi cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện.

Để phong cách “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” đạt hiệu cao, cần thực hiện tốt “quy trình” gồm 4 bước cơ bản, vừa mang tính định hướng, vừa có ý nghĩa hướng dẫn thực tiễn. Cụ thể:

Bước thứ nhất: Từ nắm bắt nguyện vọng, sáng kiến của quần chúng, phân tích, tổng hợp, khái quát thành các luận cứ khoa học, tạo cơ sở xuất phát cho Đảng, Nhà nước, tổ chức đảng, chính quyền các cấp theo chức năng, nhiệm vụ hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách.

Bước thứ hai: Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đưa đường lối, chủ trương, chính sách trở lại nơi quần chúng để chuyển thành nhận thức tự giác của quần chúng.

Bước thứ ba: Quản lý, điều hành, tổ chức, hướng dẫn quần chúng triển khai hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách trong thực tiễn đời sống.

Bước thứ tư: Luôn bám sát hoạt động mọi mặt của quần chúng để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra; phát hiện cách làm hay, hiệu quả để xây dựng mô hình và nhân rộng phù hợp với điều kiện cụ thể; kịp thời tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là hình thành luận cứ khoa học để tham mưu với Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách.

*        *          *

Những năm vừa qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” , bao hàm trong đó việc học tập và làm theo phong cách “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, thiết thực. Tuy nhiên, những biểu hiện trái với phong cách “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” hiện còn tồn tại ở một số tổ chức đảng, chính quyền các cấp, ở không ít cán bộ, đảng viên, như: Tệ quan liêu, giấy tờ, phớt lờ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân, nhất là lợi ích cơ bản, chính đáng về đất đai… dẫn đến những bức xúc, mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài, làm tổn hại đến uy tín lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Vì vậy, trong “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hiện nay, chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến học tập và làm theo phong cách “từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”, nhằm tăng cường hơn nữa mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; tạo niềm tin, huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại tá, PGS. TS. Hà Nguyên Cát

Học viện Quốc phòng



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.8, tr.276

[2]. Hồ Chí Minh: Sđd, tâp 5, tr.293

[3]. Hồ Chí Minh: Sđd, tâp 5, tr.409-410

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập 5, tr. 290.

[5] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, tập 5, tr. 246.

[6]. Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr.295.

[7]. Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 248.

[8]. Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 293.

[9]. Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 257.

[10].Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 287.

[11].Hồ Chí Minh: Sđd, tập 5, tr. 288.

...