VNHN - Sáng ngày 18/01/2020 nhằm 24 tháng chạp năm Kỷ Hợi. Trường tiểu học Chu Văn An (TP. Vĩnh Long) tổ chức cho các cháu học sinh về viếng Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia Văn Thánh Miếu (Phường 4 - Vĩnh Long).
Hướng dẫn các em viếng Điện Đại Thành (Nơi thờ Khổng Phu Tử và Chu Văn An).
Thầy cô giáo giới thiệu cho các em biết về lịch sử hình thành khu di tích.
Nơi đây các cháu đã được thầy cô giáo giới thiệu lịch sử hình thành di tích và những nét đặc trưng như Điện Đại Thành là nơi phụng thờ Đức Khổng Phu Tử là người sáng lập Nho giáo với nền tảng triết lý bao trùm châu Á và vươn ra tận phương tây. Ông được người đời tôn xưng với mỹ hiệu Vạn Thế Sư Biểu (tức là bậc thầy của muôn đời). Bên cạnh đó, Điện Đại Thành còn phụng thờ những vị môn đệ của đức Khổng Phu Tử. Đặc biệt, sau ngày thống nhất đất nước nơi đây còn phối thờ thầy Chu Văn An (sinh năm 1292 mất năm 1370 vào thời nhà Trần) Ông là một nhà nho, một vị quan thanh liêm, cương trực, ông được Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá là “Ông tổ của các nhà nho nước Việt”. Khi mất ông được triều đình nhà Trần phong tước Văn Trinh Công và cho phụng thờ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Các em học sinh tham quan và dâng hương tưởng niệm trong Điện Đại Thành.
Sau khi viếng Điện Đại Thành, các cháu đến viếng Văn Xương Các nằm trong quần thể di tích. Văn Xương Các là nơi ngày xưa các sĩ phu yêu nước tập trung về hội họp, bình luận văn chương sau khi 3 tỉnh miền đông thất thủ.
Nơi đây cũng là nơi phụng thờ Hiệp biện đại học sĩ, Kinh lược sứ miền Tây Nam kỳ Phan Thanh Giản cùng các vị tiền nhân có công với tỉnh Vĩnh Long và có công lớn trong việc xây dựng, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích Văn Thánh Miếu.
Sau đó các em được thầy cô hướng đến viếng Văn Xương Các.
Ngài Phan Thanh Giản là vị Tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ. Từ năm 1862 đến năm 1863 Ngài từng được triều đình nhà Nguyễn cử làm Trưởng đoàn sứ giả gặp chính quyền Pháp để thương thuyết, điều đình chuộc lại 03 tỉnh miền Đông Nam kỳ nhưng không đạt được kết quả, ngài bị triều đính quở trách nặng nề. Năm 1865, Ngài được giao trọng trách Kinh lược sứ, trấn thủ 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ là Vĩnh Long, An giang, Hà Tiên. Nhưng trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ. Sau khi thành mất, Phan Thanh Giản gói mũ áo, phẩm hàm, kèm theo sớ tạ tội và gửi về triều. Nửa đêm ngày 5/7 năm Đinh Mão, tức 4/8/1867, Ngài uống thuốc độc tuẩn tiết, hưởng thọ 72 tuổi. Thất bại nầy không phải hoàn toàn do lỗi của Phan Thanh Giản mà nguyên nhân chính là do sự bảo thủ, nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn trước nền văn minh phương Tây và sứ mạnh quân sự của Thực dân Pháp. Sau khi Phan Thanh Giản mất, sĩ phu yêu nước và nhân dân đã phụng thờ Ngài tại Văn Xương Các cho đến ngày nay.
Thầy cô hướng dẩn các em tham quan và tìm hiểu về di tích Văn Xương Các.
Tổ chức cho học sinh viếng thăm di tích lịch sử văn hóa là một việc làm rất cần thiết, mang đậm tính nhân văn nhằm giáo dục cho các thế hệ tương lai về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam chúng ta. Qua đó cũng để các cháu hiểu rõ lịch sử và xây dựng tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ, tương lai của đất nước. Việc làm nầy đáng được các trường học, các đoàn thể học tập và phát huy.
PHI HÙNG