VNHN - Từ ngày 9/3, học sinh lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu học tập qua truyền hình, trên kênh HTV1, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.
Dù mới triển khai, nhưng hình thức này đã nhận được sự hào hứng của học sinh và khiến phụ huynh yên lòng trong bối cảnh các trường học đang tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến thời điểm này, học sinh các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 hơn một tháng.
Nhằm duy trì nền nếp, giữ thói quen học tập, đồng thời giúp học sinh củng cố kiến thức tại nhà, các trường đã có nhiều hình thức hỗ trợ học sinh học tập, như triển khai xây dựng bài học trực tuyến; gửi bài tập và các yêu cầu học tập qua email, qua tin nhắn sổ liên lạc điện tử.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho hay, thời gian qua, các bài tập được xây dựng chủ yếu tập trung vào việc giúp học sinh ôn tập, tự củng cố kiến thức đã học. Đây là nền tảng để các em bắt nhịp với các bài học mới trên truyền hình nhanh và hiệu quả. Các bài dạy qua truyền hình là các bài học mới, được thiết kế theo nguyên tắc tiếp nối với các bài học trong chương trình trước khi các em nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, vì vậy, hình thức này nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của học sinh.
Học sinh Lê Đức Anh, lớp 9A3, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình bày tỏ: "Ngày 9-3, chúng em có giờ học đầu tiên qua truyền hình với môn tiếng Anh và rất háo hức với hai môn tiếp theo là toán (phát sóng vào ngày 10-3) và ngữ văn (ngày 11-3). Chúng em rất mừng vì từ đây có thể được tiếp cận với kiến thức mới một cách chính thống, khoa học và tiếp nối theo chương trình đã học. Đây cũng là ba môn thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 mà chúng em sẽ tham dự.
Các bài dạy qua truyền hình là các bài học mới, được thiết kế theo nguyên tắc tiếp nối với các bài học trong chương trình trước khi các em nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN.
Vì vậy, việc tổ chức dạy học qua truyền hình với ba môn vào thời điểm này rất hữu ích, giúp chúng em tận dụng tối đa thời gian khi chưa thể quay trở lại trường học tập bình thường". Việc tổ chức dạy học qua truyền hình còn khắc phục được những bất cập của việc học tập trực tuyến qua mạng internet. Em Bùi Tuấn Duy, học sinh lớp 12A, Trường Trung học phổ thông Minh Quang, huyện Ba Vì cho biết: "Chúng em vừa trải qua buổi học đầu tiên trên truyền hình với ba môn ngữ văn, tiếng Anh, hóa học. Việc tiếp cận với hình thức học qua truyền hình rất đơn giản, không đòi hỏi phải có máy tính, điện thoại thông minh hay phải có đường truyền kết nối internet".
Còn em Lại Minh Ngọc, lớp 12A, Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho hay, bài học đầu tiên trên truyền hình cũng là bài tiếp nối bài học trước khi học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch nên không bị gián đoạn. Cô giáo dạy chậm và kiến thức được chắt lọc, tổng hợp nên dễ tiếp thu. "Dù không học tập trung trên lớp, song qua truyền hình, chúng em vẫn có thể tiếp cận với bài giảng của 9 môn học trong chương trình giáo dục quy định, mối lo chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh nghỉ học để phòng dịch cũng giảm đi phần nào", Lại Minh Ngọc chia sẻ.
Không chỉ hỗ trợ học sinh cuối cấp trong học tập yên tâm, vững tin chuẩn bị tham dự các kỳ thi, hình thức dạy học qua truyền hình còn được nhiều phụ huynh học sinh đánh giá là giải pháp học tập đại trà giúp học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức, rèn ý thức tự học. Đây cũng là bước chủ động của thành phố Hà Nội trong việc ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19, nhất là trong trường hợp các nhà trường phải tạm dừng việc tập trung học sinh để tránh nguy cơ lây lan dịch. "Thời điểm này, các con rất nôn nóng chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Việc học trên truyền hình dù còn hạn chế về tính tương tác, giám sát học sinh, song với học sinh cuối cấp là cần thiết, đồng thời tạo nếp để các em rèn ý thức tự học", bà Lê Thị Trang, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh, huyện Mê Linh bày tỏ. Còn ông Trần Tuấn Thành, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức cho rằng, ưu điểm của hình thức học này là có thể xem lại, vì vậy, các em có thể tự học nhiều lần, bố mẹ cũng có thể tham gia giám sát, hỗ trợ con.
Là một trong những thầy, cô giáo tham gia biên soạn, ghi hình các bài học qua truyền hình cho học sinh thành phố Hà Nội, cô giáo Quang Thị Hoàn, Trường Trung học cơ sở Đống Đa, quận Đống Đa, cho biết, căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, đội ngũ biên soạn đã điều chỉnh phương pháp dạy học, dạy với tiến độ phù hợp, tạo khoảng thời gian nghỉ hợp lý để học sinh dễ dàng ghi chép và tiếp thu. Sau giờ học, nếu cần giải đáp hoặc hỗ trợ, các em có thể liên hệ trực tiếp với các thầy, cô giáo.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thiết kế và ghi hình các bài học để triển khai phát sóng trên truyền hình trong một tuần, từ nay đến hết ngày 14-3-2020. Để giúp học sinh học tập hiệu quả, ngoài việc chỉ đạo các nhà trường, giáo viên các bộ môn tích cực động viên, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập, sau mỗi buổi phát sóng, Sở sẽ quan tâm tới các ý kiến phản hồi của học sinh, giáo viên để hoàn thiện cả về hình thức, phương pháp và nội dung bài giảng.