VNHN -Trong những năm gần đây, trà sữa trân châu đã trở thành thứ đồ uống được yêu thích số một của giới trẻ. Tuy nhiên, chất lượng cũng như độ an toàn của thức uống ngọt ngào này lâu nay vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi. Những quả thật, ít ai có thể ngờ được, hiểm họa chết người trong mỗi cốc trà sữa còn nằm ở thứ hạt trân châu thơm ngọt, nhỏ bé.
Trà sữa trân châu – thứ đồ uống được yêu thích số một của giòi trẻ hiện nay
Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao bởi câu chuyện một bé gái 11 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh tử vong do hóc hạt trân châu trong trà sữa. Câu chuyện do bác sĩ Phan Xuân Trung (hiện đang công tác tại Trung tâm Y khoa Medic, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ:
“Một câu chuyện buồn cần phải nói ra. Một nữ đồng nghiệp của tôi tháng trước bị mất một đứa con gái 11 tuổi. Bé đang khoẻ mạnh, tung tăng và chơi cùng mẹ. Mẹ là bác sĩ chuyên khoa về hô hấp. Bé mất đột ngột vì một lý do rất vô lý. Vô lý đến mức không chấp nhận được. Vô lý đến mức người mẹ không dám đối diện với sự thật. Người mẹ không dám nhớ, không dám nghĩ rằng tử thần đã mượn tay của mẹ để lấy đi sinh mạng của con.
…
Sự việc xảy ra khi hai mẹ con vui vẻ cùng tự tay làm món trà sữa trân châu. Món ngon cả hai mẹ con cùng thích. Hạt trân châu bằng bột, dẻo dẻo, dai dai, dính dính. Nước trà sữa ngọt ngào, thơm ngon. Chiếc ống hút to bự đưa từng ngụm trà sữa cùng những hạt trân châu vào miệng. Nhai dai dai, dẻo dẻo. Có một hạt kẹt trong ống nên bé hút mạnh và hạt trân châu bay thẳng vào cuống họng của bé làm tắc đường thở! Bé chới với vì nghẹn thở. Bé không thể hít vào hay thở ra.
Mọi phương pháp giải thông đều vô hiệu. Nghiệm pháp Heimlich vô hiệu. Hạt bột dính chứ không trơn như hột me hay hòn bi. Người mẹ không thể làm gì trong cơn hoảng loạn đó. Khi đưa bé đến bệnh viện thì bé không còn cơ hội sống!”
Hạt trân châu rất nguy hiểm khi bị tắc trong thanh quản
Sự cố hóc dị vật này đã khiến cho nhiều người phải giật mình bởi những tai nạn bất ngờ, khó có thể ngờ đến. Đặc biệt, đây là lời khuyến cáo đối với các bà mẹ có con nhỏ, cần hết sức cẩn thận khi cho trẻ sử dụng những hạt dính, dẻo như trân châu. Thực chất, hạt trân châu không phải là nguyên nhân gây tai nạn. Thức ăn Việt Nam truyền thống cũng có dạng hột, làm bằng bột dẻo như đậu đỏ, bánh lọt, chè trôi nước (xôi nước), rau câu, thạch dừa… Vấn đề là khi sử dụng ống hút quá to, thức ăn sẽ lọt vào thanh quản. gây tắc đường thở.
Bác sĩ Lê Xuân Trung chia sẻ “Sự tắc nghẽn đường thở không chỉ do dị vật ngáng đường mà còn do phản xạ khép thanh môn, như trường hợp đuối nước, sặc nước, sặc cháo… Trường hợp trà sữa thì nước trà có thể bắn vào phế quản gây phản xạ khép thanh môn.”
Lời khuyên cho các trẻ nhỏ là vẫn có thể ăn hạt trân châu nhưng nên múc bằng muỗng chứ không dùng ống hút lớn. Các hãng trà sữa trân châu nên chọn ống hút nhỏ hoặc bổ sung thêm thìa/muỗng.
Nên sử dụng thìa khi ăn các loại hạt dính và dẻo như trân châu
Theo bác sĩ Trung “Khi trẻ bị hóc dị vật, người lớn cần nhanh chóng cấp cứu ngay tại nhà bằng cách vỗ lưng ấn ngực với trẻ dưới 2 tuổi hoặc dùng thủ thuật Heimlich với trẻ lớn. Nếu trẻ ngưng tim ngưng thở, phải hà hơi thổi ngạt. Trong tình huống nạn nhân hôn mê và không thở được, trước tiên phải hà hơi thổi ngạt hai cái. Dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bé khóc, thở được, hồng hào hơn. Những trường hợp này, cần gọi cấp cứu 115 để đưa trẻ đến trung tâm y tế. Trong khi chờ đợi đội cấp cứu đến nơi thì cần sơ cứu cho nạn nhân.”
Sự cố hóc dị vật hi hữu này là lời cảnh tỉnh tới tất cả mọi người về mức độ nguy hiểm của những loại hạt dẻo và dính như trân châu. Tai nạn có đến từ bất kì thứ gì nếu chúng ta không cẩn thận. Đặc biệt, đối với những tín đồ của trà sữa và những bà mẹ có con nhỏ, cần hết sức cẩn thận khi sử dụng thứ đồ uống này./.