09/11/2024 lúc 10:01 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện cơ chế và tăng cường công tác quản lý và giám sát tài chính đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn giữ vững vai trò then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay khu vực DNNN vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là trong việc sử dụng vốn và tài sản. Do đó, tăng cường hiệu quả quản lý tài chính tại DNNN là điều cần thiết.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm năm 2020, cả nước có hơn 650 DNNN có số liệu báo cáo cung cấp dữ liệu hoạt động. Trong đó có khoảng 478 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nông lâm nghiệp; khoảng 180 doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn.  Phần lớn nguồn lực và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đều xuất phát từ hoạt động các DNNN theo mô hình công ty mẹ - con.

Doanh nghiệm nhà nước và công tác quản lý, giám sát tài chính

Đại bộ phận DNNN có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng năng lực và quy mô lại tăng lên. Mặc dù về số lượng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%) nhưng DNNN vẫn nộp NSNN đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN 28,8%, DN ngoài nhà nước 11,8% và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 17,9%). Mặt khác, số đầu tư của nhà nước vào nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng khá lớn, lại dàn trải, nhiều lĩnh vực và do nhiều cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ ở hữu, khiến cho công tác giám sát tài chính gặp nhiều khó khăn, từ đó dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả của các DNNN. Cụ thể, hiện DNNN đóng góp gần 40% GDP, phần còn lại 60% GDP là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân và khu vực FDI. Trong khi đó, khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho DNNN.

Mặc dù nhiều DNNN sử dụng vốn và tài sản chưa hiệu quả, nhưng các DNNN lại được quyền chủ động sử dụng vốn khá rộng; cơ quan đại diện sở hữu Nhà nước chỉ giữ quyền hạn chế trong một số quyết sách quan trọng như quyết định phê chuẩn dự án có vốn lớn, quyết định mua, bán, thanh lý tài sản cố định có giá trị lớn, quyết định thành lập doanh nghiệp mới 100% vốn Nhà nước, đưa ra quyết định về mua sắm, thanh lý, nhượng bán tài sản cố định có giá trị lớn hơn một hạn mức nhất định theo vốn CSH cũng như giữ quyền phê chuẩn các dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có giá trị lớn hơn hạn mức nào đó.

Do đó, việc gia tăng công tác quản lý tài và giám sát chính của Nhà nước đối với các doanh nghiệp này là tất yếu. Cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước được tách thành 2 mảng hoạt động là quản lý tài chính (bao gồm các quy định cụ thể về quản lý cả quá trình từ cấp vốn điều lệ thành lập doanh nghiệp đến huy động, phân bổ vốn, sử dụng vốn và phân phối lợi nhuận) và giám sát tài chính của chủ sở hữu (CSH) Nhà nước.

Mục đích của việc quản lý và giám sát tài chính DNNN là nhằm đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của DN để có biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh; Giúp Nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh; Thực hiện công khai minh bạch tình hình tài chính của DNNN; Nâng cao trách nhiệm của DN trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN…

Trong những năm qua, công tác giám sát tài chính DNNN đã có những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, hệ thống cơ chế, chính sách để thực hiện quản lý và giám sát vốn đầu tư tại DNNN cũng đã được Chính phủ, Bộ Tài chính từng bước ban hành đồng bộ và liên tục được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Đáng chú ý, sau gần 2 năm triển khai Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 200/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, đã phần nào hạn chế được rủi ro thất thoát trong quản lý, đầu tư vốn tại các DNNN, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và chủ thể quản lý DN đưa ra những giải pháp quản lý hữu hiệu nhằm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động DN. Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN đã được xác lập rõ hơn phương thức quản lý, giám sát được thay đổi gắn với phân loại, đánh giá DN...Đặc biệt, với những DNNN hoạt động không hiệu quả, có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, cũng đã có những quy định rõ ràng để giám sát tài chính đặc biệt đối với DN đó…

Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn cho thấy, công tác quản lý và giám sát tài chính tại các DNNN cũng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Theo đó, cơ chế phân cấp trong thực hiện các quyền sở hữu tại DNNN còn phân tán, chồng chéo; việc giám sát vốn nhà nước đầu tư tại DN chưa chặt chẽ dẫn đến hiệu quả chưa cao; công tác giám sát tài chính được thực hiện chủ yếu đối với các đối tượng trực tiếp sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động kinh doanh, chưa chú trọng đến giám sát quá trình thực thi chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước…

Để khắc phục những hạn chế trong quản lý tài chính tại các DNNN, nên chẳng cần thực hiện một số giải pháp sau:

1.Tăng cường quản lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, đẩy mạnh việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

2. Tiếp tục đẩy nhanh thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN. Theo đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách cổ phần hóa theo hướng đa dạng hóa các phương thức thoái vốn theo nguyên tắc thị trường; ban hành cơ chế sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn, bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển…

3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với DNNN theo hướng quy định rõ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, áp dụng các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế trong quản trị, áp dụng triệt để nguyên tắc thị trường trong chính sách tiền lương. Hoàn thiện và phát huy hiệu quả mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

4. Đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của DNNN theo hướng nâng cao chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy biên chế, nhân sự và tài chính; xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này.

5. Thực hiện tái cơ cấu DNNN, bao gồm: Sắp xếp, điều chỉnh để DNNN có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong việc đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ... DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần chi phối…

6. Tập trung thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, kiểm soát các DNNN; yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch các thông tin về hoạt động kinh tế, đặc biệt các thông tin về đầu tư, tài chính.

Bên cạnh đó, công tác giám sát tài chính phải được tăng cường và thường xuyên thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; cụ thể là:

1. Nghiêm túc thực hiện các quy định về giám sát tài chính tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ và Thông tư số 200/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

2. Phải tổ chức bộ máy giám sát một cách chặt chẽ, các bộ ngành và địa phương phải có đầu mối thống nhất cũng như việc công khai quy trình giám sát cũng như nguồn nhân lực cho công tác giám sát tài chính ở tất cả các cấp.

3. Nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu phản ánh tình hình huy động vốn như hệ số nợ; các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán như hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, hệ số khả năng thanh toán ngay; Các chỉ tiêu phản ánh hiệu suất sử dụng vốn như hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh, vòng quay vốn lưu động…  nhằm giúp nhận diện rủi ro tài chính của các DNNN để có biện pháp điều hành, xử lý kịp thời.

4. Bổ sung các chỉ tiêu giám sát liên quan đến đặc thù ngành nghề kinh doanh, bởi vì đặc thù ngành nghề kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất và hiệu quả hoạt động của DN như các chỉ tiêu liên quan đến sản lượng khai thác, thăm dò; năng suất lao động trên doanh thu…

5. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán về tài chính đối với DNNN, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước, trên cơ sở thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập./.

Ths. Hoàng Văn Khuyến

...