28/06/2024 lúc 17:43 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới, đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”.

Như vậy, việc hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật là một yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo để pháp luật được thực hiện nghiêm minh và nhất quán trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Những khái niệm quan trọng

Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, việc thực thi quyền lực nhà nước thể hiện ở ba phương diện là lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đồng thời có 4 hình thức thực hiện pháp luật, bao gồm: (1) Tuân theo (tuân thủ) pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật kiềm chế, không tiến hành các hoạt động mà pháp luật cấm. Những quy phạm pháp luật cấm đoán được thực hiện ở hình thức này. (2) Thi hành (chấp hành) pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Những quy phạm pháp luật bắt buộc (những quy phạm quy định nghĩa vụ phải thực hiện những hành vi tích cực nhất định) được thực hiện ở hình thức này. (3) Sử dụng (vận dụng) pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền, tự do pháp lý của mình (những hành vi mà pháp luật cho phép chủ thể thực hiện). Những quy phạm pháp luật quy định về các quyền và tự do pháp lý của các tổ chức, cá nhân được thực hiện ở hình thức này. (4) Áp dụng pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó nhà nước (thông qua các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền) tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định của pháp luật; hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể. Ở hình thức này, các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định của pháp luật luôn có sự can thiệp của cơ quan nhà nước hay các cá nhân có thẩm quyền.

Trước khi nói đến cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật, chúng ta cần quán triệt về vấn đề Tổ chức thực hiện pháp luật. Đó là các hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức, cá nhân được trao quyền thực hiện nhằm bảo đảm cho các yêu cầu của pháp luật được hiện thực hóa trong đời sống xã hội. Có thể hiểu, tổ chức thực hiện pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, các chủ thể có thẩm quyền tổ chức đưa pháp luật thực định vào đời sống xã hội, làm cho pháp luật sau khi ban hành có hiệu lực thực thi trên thực tế, phát huy được vai trò điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội.

Còn Cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật là tổng thể các yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau, bao gồm các thiết chế và các điều kiện bảo đảm để Nhà nước đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống bằng những phương thức nhất định. Các yếu tố này hợp thành hệ thống, được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật.

Hiểu một cách đầy đủ hơn, Cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật bao gồm: Trước hết là hệ thống các cơ quan nhà nước, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định, là chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật; thứ hai là cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm cho tổ chức thực hiện pháp luật như điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ nhận thức của nhân dân; thứ ba là nội dung tổ chức thực hiện pháp luật, phương thức vận hành của quá trình tổ chức thực hiện pháp luật.

Hoạt động của cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật phải bảo đảm các nội dung của tổ chức thực hiện pháp luật, như: Hướng dẫn thực hiện pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; bảo đảm các điều kiện thực hiện pháp luật; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật và tổng kết, rút kinh nghiệm thường xuyên, thông qua đó, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật.

Nhìn chung, thời gian qua, việc xây dựng và triển khai Cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật đã có nhiều tiến bộ, thể hiện ở một số khía cạnh như:

- Tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã được đổi mới, sắp xếp tinh gọn hơn; chức năng, nhiệm vụ được phân định rõ ràng, cụ thể; cơ chế phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan nhà nước theo chiều dọc từ trung ương tới các cấp chính quyền địa phương, giữa các cơ quan nhà nước cùng cấp theo chiều ngang được xác định và hoạt động trên cơ sở pháp luật. Hoạt động của các cơ quan nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong tổ chức thực hiện pháp luật ngày càng hiệu quả hơn.

-Việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được quan tâm, được coi là hoạt động quan trọng tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện pháp luật. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương được nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thi hành luật, pháp lệnh.

- Chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên: Các cơ quan nhà nước và chủ thể phối hợp tổ chức tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ nội dung đến hình thức, cơ chế thực hiện. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát thực tiễn, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú. Ý thức pháp luật của nhân dân được nâng lên, công nghệ tiên tiến từng bước được áp dụng nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm hơn.

- Các chủ thể tổ chức thực hiện pháp luật thực hiện tốt chức năng, thẩm quyền, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp. Thể chế về công tác tổ chức thi hành pháp luật từng bước được hoàn thiện. Các vi phạm pháp luật được xử lý nghiêm minh, tuân thủ các quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm.

- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật được nâng cao, công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật được chú trọng hơn... Nguồn lực vật chất đầu tư cho tổ chức thực hiện pháp luật được Nhà nước quan tâm, coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm thực thi pháp luật.

Một số hạn chế của cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật trong thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định, như: Việc quản lý, điều hành của Nhà nước trên một số lĩnh vực và một số vấn đề lớn chưa tập trung, thiếu kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc không nghiêm. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã nhận diện: “Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước”.

Cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật còn bộc lộ một số hạn chế như:

1. Việc đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Các cơ quan thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, pháp luật và thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng còn chậm.

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chưa phù hợp với đối tượng thực sự cần phổ biến, chất lượng phổ biến chưa cao.

3. Quá trình triển khai tổ chức thực hiện pháp luật chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, nhận thức và thực thi pháp luật chưa thống nhất. Việc giám sát hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật chưa hiệu quả, chưa xây dựng được ý thức toàn dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Công tác tổng kết chưa kịp thời nên hiệu quả điều chỉnh quan hệ xã hội của pháp luật chưa cao, pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Những hạn chế trong cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau: (1) Hệ thống các văn bản pháp luật còn bất cập, còn vướng mắc nên tổ chức thực hiện khó khăn, chưa kịp thời; (2) Cơ chế phân cấp, phân quyền và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước chưa thực sự phù hợp và hiệu quả; (3) Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực làm việc, chưa có kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật; (4) Chưa thực sự coi tổ chức thực hiện pháp luật là giai đoạn quan trọng của cơ chế điều chỉnh pháp luật. (5) Trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên chưa tích cực tham gia thực hiện pháp luật.

Giải pháp hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật trong giai đoạn hiện nay

1. Cùng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, việc xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp (bảo hiến) trở nên cấp thiết. Thực tế ở Việt Nam đang thiếu vắng cơ chế thực sự của bảo hiến, điều này làm ảnh hưởng lớp đến thực tiễn hoạt động thực hiện pháp luật. Vì vậy cần sớm hoàn thiện cơ chế thực sự của hoạt động bảo vệ hiến pháp. Hoàn thiện ddiefu này phải xác định rằng, mô hình bảo hiến phải kế thừa và phát huy được cơ chế bảo hiến hiện hành, có tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài để tìm ra được cách thức, giải pháp để Hiến pháp được tôn trọng và tuân thủ cho phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam…

2. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật.

3. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật.

4. Đổi mới về nội dung và phương thức tổ chức thực hiện pháp luật.

5. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tổ chức thực hiện pháp luật.

6. Đầu tư nguồn lực vật chất, kinh phí thỏa đáng cho công tác tổ chức thực hiện pháp luật.

Thực hiện đồng bộ một số giải pháp trên sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam./.

Ths.  Nguyễn Trọng Tường

...