Phát triển năng lượng sạch không thể không gắn với NLTT
Năng lượng tái tạo là năng lượng được tạo ra từ các nguồn tự nhiên, có thể bổ sung như mặt trời, gió, nước và sinh khối. Những nguồn này là không giới hạn, làm cho năng lượng tái tạo trở thành một giải pháp bền vững cho nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của một xã hội phát triển. Cùng với đó, các giải pháp năng lượng tái tạo là các công nghệ và nguồn năng lượng có thể được bổ sung một cách tự nhiên và nhanh chóng; chúng làm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên hữu hạn và giảm các tác động tiêu cực đến môi trường do các nguồn năng lượng truyền thống gây ra. Các giải pháp năng lượng tái tạo bao gồm nhiều loại: Năng lượng mặt trời; Năng lượng gió; Năng lượng thủy điện; Năng lượng địa nhiệt; Năng lượng sinh khối; Năng lượng thủy triều; Năng lượng sóng.
Các giải pháp năng lượng tái tạo mang lại một số lợi ích so với các nguồn năng lượng truyền thống. Đó là sự bền vững và không cạn kiệt theo thời gian; chúng làm giảm sự phụ thuộc của con người vào nhiên liệu hóa thạch, tăng cường an ninh năng lượng; Có sức cạnh tranh về chi phí với các nguồn năng lượng truyền thống, khiến chúng trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho người tiêu dùng; và giúp giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo cũng đặt ra những trở ngại cần giải quyết cho cơ cấu vận hành truyền thống của hệ thống điện. Cụ thể là: Do nguồn nguyên liệu sơ cấp của điện gió và điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, dẫn đến sự biến động sản lượng phát điện gây khó khăn cho việc điều tần, điều áp. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và nhà máy lưu trữ năng lượng đòi hỏi tính linh hoạt cao của hệ thống. Đó là chưa kể đến việc mất cân bằng công suất do sai số trong dự báo phát điện của các nguồn điện mặt trời, điện gió khi thay đổi thời tiết. Mặt khác, khi công suất điện mặt trời sinh ra lớn hơn công suất tiêu thụ, điện sẽ phát ngược lên lưới điện, có thể gây quá tải và mất an toàn vận hành lưới điện trong khu vực.
Nhưng dù gì cũng vẫn có thể khẳng định rằng, các giải pháp NLTT là chìa khóa cho một tương lai bền vững, cung cấp một giải pháp thay thế sạch hơn và bền vững hơn cho nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Chủ trương phát triển NLTT
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nghị Quyết nhấn mạnh cần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện.
Thực hiện chủ trương đó, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Ngày 15/5/2023, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), đánh dấu một bước quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành điện lực nói chung và năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh môi trường và nhu cầu năng lượng ngày càng trở nên quan trọng và phức tạp, việc hoàn thiện khung chính sách và pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo đó, Chính phủ đã đưa ra một loạt các giải pháp và chính sách cụ thể. Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo được xem là một bước đi quan trọng. Luật này không chỉ định rõ các quy định về sử dụng và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thông qua các cơ chế hỗ trợ và khuyến khích.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo cũng là một điểm nhấn quan trọng. Đồng thời, việc sửa đổi Luật Điện lực cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và cạnh tranh cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Quyết định 500/QĐ-TTg 2023 còn quy định cụ thể về các giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện; như: Đa dạng hóa nguồn nhiên liệu; Tăng cường tìm kiếm và khai thác tài nguyên; Đầu tư cơ sở hạ tầng; Phát triển năng lượng tái tạo; Nghiên cứu và áp dụng công nghệ chuyển đổi nhiên liệu; Nghiên cứu tiềm năng của các nguồn năng lượng phi truyền thống.
Từng bước hiện thực hóa phát triển NLTT
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng, thời gian qua Đảng và Chính phủ đã ưu tiên đầu tư và sử dụng NLTT, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng NLTT, tạo ra những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực này. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, các chính sách về NLTT hiện được đánh giá là chưa hoàn thiện, thiếu tính ổn định và còn nhiều bất cập gây lo lắng, bất an cho các nhà đầu tư, là một trong những thách thức lớn với việc thực hiện các mục tiêu về NLTT trong tương lai.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đang nỗ lực rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với những ưu tiên chính về phát triển nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Trong đó, phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, là một trong 6 chính sách lớn với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Theo tờ trình Dự án Luật Điện lực sửa đổi được Bộ Công thương gửi Chính phủ, để đảm bảo định hướng về chuyển dịch từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo sang chính sách cạnh tranh, cần thiết hoàn chỉnh khung chính sách nhằm quy định cụ thể đối với việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Bộ Công thương cho rằng, việc tiếp tục duy trì các chính sách giá điện hỗ trợ (giá FIT) không còn phù hợp. Việc khuyến khích nguồn điện năng lượng tái tạo nên được thực hiện thông qua khung giá phát điện, linh hoạt để phù hợp định hướng phát triển trong từng thời kỳ.
Cũng theo dự kiến về phát triển NLTT (Quy hoạch điện VIII), Việt Nam có thể khai thác đến 50.000 MW công suất với sản lượng hơn 160 tỷ kWh từ NLTT vào năm 2030 và lên đến 260.000 MW vào năm 2050, nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý.
Về NLTT còn có dự án ngoài khơi - một trong những quy hoạch quan trọng là quy hoạch không gian biển, tích hợp điện gió ngoài khơi. Tiếp theo là các cơ chế hỗ trợ giá đã kết thúc, với các cơ chế khuyến khích này thì quy mô đã đạt khoảng 20,7kmW chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 27% tổng công suất điện.
Một số giải pháp cần quan tâm
Để hiện thực hóa các chủ trương, mục tiêu đặt ra, một việc rất quan trọng là cần sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh và ổn định về phát triển NLTT, để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Hiện phát triển NLTT của Việt Nam đang đối mặt với 3 điểm nghẽn lớn cần nghiên cứu giải quyết: (1) Các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo chưa đưa ra được định hướng lâu dài. (2) Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật như: chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải; các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất biến đổi phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng một phần đến quá trình vận hành hệ thống điện…. (3) Các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu lớn về vốn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài; trong khi đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.
Cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết với lộ trình cụ thể (theo năm) để thực hiện đối với từng hạng mục nguồn điện, đồng bộ với lưới điện truyền tải. Sớm xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp; Hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động cho đầu tư phát triển điện cũng như chính sách thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án truyền tải điện; Cần sớm xây dựng cơ chế chính sách, cơ chế giá đối với các dự án NLTT mới. Trong đó, các dự án NLTT mới, bao gồm các dự án đã nằm trong quy hoạch điều chỉnh và các dự án NLTT mới, cần sớm xây dựng và ban hành chính sách giá cho các dự án này.
Để chuyển dịch năng lượng và thực hiện thành công phát triển NLTT, cần có 4 yếu tố: Công nghệ, Nền kinh tế cạnh tranh, Mở cửa thị trường và Chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, nếu thiếu chính sách hỗ trợ, quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ khó thành công. Đó là những chính sách để mở rộng thị trường NLTT, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng NLTT ở tất cả các lĩnh vực quan trọng./.
Ths. Phạm Hồng Chương