VNHNO - Một chiếc bánh trung thu truyền thống nhân bắt buộc phải có đủ các vị: mỡ phần, hạt dưa, lạp xường, hạt sen, vừng trắng và đặc biệt là lá chanh thái sợi. Không đủ, không thể tạo nên một chiếc bánh với hương vị mặn ngọt ngậy bùi, vỏ bánh mỏng mà săn và thơm phức.
Bánh nướng có màu vàng nâu, sáng bóng được định hình và trang trí bằng những hoa văn đẹp mắt (Ảnh: Internet)
Đối với mỗi người Việt Nam, trong mâm cỗ đêm trăng rằm đều không thể thiếu đi bánh trung thu. Không chỉ là thức quà đặc trưng thơm ngon, mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết tình thân là dịp đoàn tụ của cả gia đình. Tuy nhiên cùng với xu hướng hội nhập của nền công nghiệp hiện đại, con người cuốn theo dòng xoáy của những lo toan bộn bề cuộc sống, những bữa cơm cả gia đình quây quần bên nhau mỗi tối dần ít đi, thay vào đó là những bữa ăn nhanh ở hàng quán, giá trị gia đình cũng từ đó dần bị phai mờ dần.
Mâm cỗ trong đêm Trung thu trong thời hiện đại cũng trở nên phong phú, trang trọng hơn với các loại bánh trái lạ và bắt mắt. Các thương hiệu bánh trung thu liên tiếp đưa ra nhiều sản phẩm mới với mẫu mã sang trọng hương vị độc đáo nhưng bánh hương vị truyền thống vẫn được người tiêu dùng yêu thích. Chúng được làm từ nguyên liệu giản dị như đỗ xanh, lạc, vừng, thịt lợn, lá chanh...gắn liền trong tâm thức, trong tuổi thơ của mỗi con người Việt.
Để có được những chiếc bánh ngon thì nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ lưỡng. Bánh nướng có nhân mỡ phần, mứt bí, lạp xường, hạt sen, vừng trắng, lạc rang. Đặc biệt không thể thiếu vị thơm của lá chanh thái sợi. Còn bánh dẻo ngon thì làm từ gạo nếp rang, nhân cũng giống nhân bánh nướng nhưng không có mỡ, lá chanh, không chỉ mang hương vị của những nguyên liệu mộc mạc, bánh Trung thu truyền thống còn được làm thủ công bởi những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân chứ không bằng công nghệ sản xuất dây chuyền, không dùng đến các loại máy móc hiện đại. Chính vì vậy, chiếc bánh Trung thu truyền thống còn mang trong mình hương vị của công sức lao động.
Bánh Trung thu thường có hình vuông hoặc hình tròn, là biểu tượng cho sự đầm ấm, viên mãn, hạnh phúc. Bánh Trung thu truyền thống chia thành 2 loại bánh nướng và bánh dẻo. Những chiếc bánh nướng có màu vàng nâu, sáng bóng được định hình và trang trí bằng những hoa văn đẹp mắt. Thời gian lý tưởng để thưởng thức bánh là sau khi ra lò khoảng một tuần, bánh vào lúc này mềm hơn các nguyên liệu thấm đầy gia vị thơm ngon, ngậy bùi chắc chắn khi thưởng thức cả thực khách khó tính nhất cũng phải tấm tắt khen ngon. Bởi thế, khi cầm trên tay cặp bánh nướng bánh dẻo, đi kèm với một tách trà nóng, chỉ cần hít hà hương thơm đồng nội từ đó tỏa ra, người thưởng thức cũng sẽ thấy lòng tràn ngập tình yêu thương của đất trời. Cái hương vị thanh lịch và tinh tế của cặp bánh ấy là hương vị mà người Hà Nội, người Tràng An sẽ không thể tìm kiếm trong bất kỳ loại bánh trung thu hiện đại nào khác.
Bánh trung thu - biểu tượng cho sự gắn kết tình thân của cả gia đình (Ảnh: Internet)
Nhớ lại những tháng ngày bao cấp, khi người dân còn phải xếp hàng nhận đồ theo chế độ tem phiếu, chiếc bánh nướng gói trong những tờ giấy đơn sơ nhưng được nâng niu như một bảo vật. Bây giờ hộp bánh đẹp và sang trọng hơn rất nhiều, việc mua bánh cũng dễ dàng song những người vẫn tìm về và mua lại hương vị truyền thống để thưởng thức cùng gia đình, không khí vẫn còn vẹn nguyên như một sự trân trọng đối với chiếc bánh ấy.
Vào dịp này, mọi người đều thích đi dạo ở các phố bánh Trung thu – nơi rực rỡ màu sắc và đèn cùng hương thơm của bánh. Bình thản giữa cuộc chiến với các loại bánh hiện đại nhưng bánh truyền thống vẫn có một chỗ đứng riêng của mình.
Trung thu trong ký ức của những người Việt Nam là những tiếng cười hạnh phúc của trẻ thơ, là gia đình sum họp, là những chiếc đèn lồng treo khắp phố, là khoảnh khắc rước những con lân vào nhà, và là sự ân cần của kẻ trao, người nhận. Hãy để bánh trung thu truyền thống là sứ giả thay cho những lời chúc an lành, viên mãn và hạnh phúc nhất của bạn gởi đến những người mà bạn quan tâm nhất.