14/11/2024 lúc 10:00 (GMT+7)
Breaking News

Hình thành thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển kinh tế-xã hội

Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 là tập trung vào các lĩnh vực đang được thúc đẩy phát triển trên thế giới và phù hợp với chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Việt Nam, gồm công nghiệp bán dẫn và AI

Ảnh minh họa 

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST) được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Ở Việt Nam, quan điểm thúc đẩy phát triển KH, CN&ĐMST để trở thành động lực, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội đất nước đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật, chính sách nhà nước.
 Với vai trò quan trọng của KH, CN&ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội, việc tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhận thành tựu KH, CN&ĐMST, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết.
 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/Res/71/284 về Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới (World Creativity and Innovation Day). Theo đó, ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới với mục đích nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.

Từ năm 2022, Bộ KH&CN đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động để hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới của Liên hợp quốc và nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng nhiệt tình và hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức trong cả nước.
“Đổi mới sáng tạo - Nền tảng thúc đẩy phát triển quốc gia hiện đại” được Bộ KH&CN tổ chức với mong muốn chia sẻ, nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo toàn dân, là con đường để nhanh chóng tận dụng được sức mạnh của khoa học, công nghệ, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển và đưa Việt Nam tới thịnh vượng.
Theo bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam hiện tại được đánh giá có năng lực đổi mới sáng tạo xếp vào hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển; xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7), Malaysia (thứ 36) và Thái Lan (thứ 43). Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 (theo đánh giá của Startup Blink). “Những xếp hạng trên thể hiện tiềm năng, sức bật của nước Việt Nam trong bối cảnh quốc gia còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới”
 Điểm mới của chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 là tập trung vào các lĩnh vực đang được thúc đẩy phát triển trên thế giới và phù hợp với chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Việt Nam, gồm công nghiệp bán dẫn và AI. Chương trình được thiết kế trên hai trụ cột: Tìm kiếm và vinh danh các giải pháp nâng cao chất lượng công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn với ưu tiên ứng dụng phục vụ lĩnh vực AI; tìm kiếm và vinh danh các giải pháp ứng dụng công nghệ AI phục vụ cho xây dựng, phát triển doanh nghiệp, gia tăng năng suất.

Đối tượng được Chương trình hướng tới cũng mở rộng đến các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, gồm các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các viện nghiên cứu, quỹ đầu tư..., qua đó, góp phần lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, khuyến nghị và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các giải pháp phục vụ nâng cấp cải tiến vận hành doanh nghiệp, cải thiện hiệu suất, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường thế giới.
Các cá nhân, đơn vị có giải pháp xuất sắc được lựa chọn sẽ có cơ hội giới thiệu giải pháp và hợp tác với các tập đoàn; nhận được cam kết đầu tư đến từ các quỹ đầu tư, các tập đoàn đầu ngành trong nước và quốc tế; được kết nối, gia nhập hệ sinh thái của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) và Tập đoàn Meta cùng các gói hỗ trợ, nâng cao năng lực, cơ hội xúc tiến thương mại, và nhiều giải thưởng khác. Khởi động mùa đầu tiên từ 2022, chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã gây được tiếng vang trên thế giới khi tiếp nhận hơn 758 hồ sơ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút 4,5 triệu lượt tiếp cận và tương tác trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, chương trình cũng quy tụ 50 chuyên gia cùng đồng hành, thu hút 40 đối tác trong và ngoài nước tham gia. Những con số này đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của Chương trình và khơi nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như cộng đồng đổi mới sáng tạo trên thế giới.

Đổi mới sáng tạo đang trở thành động lực phát triển quan trọng cho mọi ngành kinh tế. Trong hành trình đó, Việt Nam có lợi thế đến từ nguồn nhân lực trẻ với sự sẵn sàng cao và không ít doanh nghiệp đã gặt hái những thành tích đáng kể trong nghiên cứu ứng dụng AI như FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI... Đồng hành với doanh nghiệp và cộng đồng đổi mới sáng tạo, Chính phủ đang đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ chính sách, tạo những sân chơi bổ ích để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

 

Vũ Nhật