VNHN - Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: "Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”. Thực hiện lời Bác dạy, mạng lưới hạ tầng giao thông (HTGT) của nước ta không ngừng được mở rộng, vươn xa. Hiện nay, các dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam đang được triển khai với kỳ vọng sớm nối thông toàn tuyến, trở thành "con đường thiên lý" của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tạo đà cho tăng trưởng kinh tế
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được đánh giá là khu vực có HTGT tốt nhất cả nước và các loại hình vận tải phát triển đa dạng từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng hải, hàng không. Trong đó, nổi bật hơn phải kể đến mạng lưới đường cao tốc kết nối Thủ đô Hà Nội với các địa phương trong vùng, nối dài đến khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và các tỉnh phía nam Đồng bằng sông Hồng. Mới đây nhất, cuối năm 2018, tuyến cao tốc Hạ Long-Vân Đồn được thông xe và bắt đầu khai thác từ đầu năm 2019, nối liền đường cao tốc từ Hà Nội đến Quảng Ninh, giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách, thời gian di chuyển. Các dự án cao tốc được hoàn thành đã tạo sinh lực mới, giúp các địa phương có tuyến đường đi qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người dân đi lại, giao thương dễ dàng, thuận tiện. Đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho rằng: Nhờ HTGT phát triển nên thời gian di chuyển của các phương tiện cũng được rút ngắn, giúp tiết kiệm nhiên liệu và bảo đảm thời gian giao hàng, vận chuyển hành khách. Quan trọng hơn, đường cao tốc giúp mỗi chuyến đi thêm an toàn, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông. Nhờ vậy, các đơn vị vận tải có điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư mua sắm phương tiện hiện đại.
Nhấn mạnh vai trò của giao thông vận tải (GTVT) là "mạch máu" của nền kinh tế, giao thông đi đến đâu, kinh tế-xã hội sẽ phát triển đến đó, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung nguồn lực cho phát triển HTGT, kết nối giữa các tỉnh và các khu vực trên cả nước. Riêng với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, khu vực này có hệ thống HTGT đồng bộ, hình thành các cửa ngõ đường cao tốc, như Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Quảng Ninh, Hà Nội-Ninh Bình, cùng với đường vành đai kết nối các tỉnh xung quanh trong vùng Thủ đô, tạo điều kiện để các địa phương tiếp tục phát triển công nghiệp, đột phá về dịch vụ.
Đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng nối liền tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Quảng Ninh. Ảnh: TRỌNG HẢI.
Tăng tính kết nối cho mạng lưới cao tốc
Để phát huy hiệu quả, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của mạng lưới đường cao tốc là bảo đảm tính kết nối. Hiện nay, miền Bắc, miền Trung và miền Nam đều có các dự án đường cao tốc đưa vào khai thác. Mục tiêu cấp bách trong thời gian tới là hình thành trục cao tốc Bắc-Nam, tạo thành "xương sống" của HTGT quốc gia, cùng với các tuyến cao tốc hướng tâm ở từng khu vực xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các kết cấu hạ tầng công nghiệp, đô thị trên toàn quốc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, 11 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đã được triển khai. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong số các dự án thành phần, đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế) dài hơn 98km là đoạn đầu tiên khởi công dự kiến vào tháng 9 - 2019. Giai đoạn đầu, dự án đầu tư với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23m. Dự án này khi hoàn thành sẽ cùng với đoạn La Sơn-Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh, rút ngắn thời gian đi lại, đồng thời, giúp giải tỏa lưu lượng giao thông của Quốc lộ 1A, hỗ trợ tuyến đường đèo và hầm Hải Vân nếu gặp sự cố, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo động lực phát triển cho cả miền Trung. Đoạn tuyến này nằm trong 3 dự án của cao tốc Bắc-Nam đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công. Ngoài ra, có 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP (đối tác công-tư).
Quốc lộ 1A là tuyến giao thông huyết mạch theo chiều dọc phía đông của đất nước. Tuy nhiên, do tính lịch sử, tuyến đường đi xuyên qua trung tâm các tỉnh lỵ, phương tiện bị hạn chế tốc độ khi đi qua các đô thị, ảnh hưởng đáng kể đến thời gian hành trình và thường xuyên có nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông. Việc xây dựng đường cao tốc sẽ giải quyết được vấn đề tốc độ xe chạy cao, năng lực thông hành lớn, an toàn, chi phí vận doanh thấp, bảo đảm được giao thông thông suốt trong các điều kiện thời tiết, cả ngày và đêm. Tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư dự án Cam Lộ - La Sơn), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu ban quản lý phải bám sát công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai thi công, giải ngân. Quá trình xét thầu phải căn cứ vào hồ sơ dự thầu, rà soát kỹ số lượng phương tiện máy móc, nhân sự… của nhà thầu để loại ngay những nhà thầu yếu, không đủ năng lực tham gia vào dự án đường cao tốc Bắc-Nam.
Rút kinh nghiệm qua việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT trước đây, Bộ GTVT cho biết, bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP để triển khai đầu tư dự án bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý chất lượng, tiến độ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Trong quá trình thực hiện dự án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng để dự án đạt được hiệu quả cao nhất.
Tuyến đường bộ cao tốc nối liền một dải từ Lạng Sơn đến Cà Mau có chiều dài hơn 2.100km, đến nay đã khai thác hơn 600km. Sau khi hoàn thành 11 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc-Nam dự kiến vào năm 2021 sẽ có thêm 654km tiếp theo được đưa vào sử dụng, đi qua 13 tỉnh, thành phố. Khát vọng về mạng lưới đường cao tốc hiện đại, góp phần đưa đất nước đi lên hùng cường đang hiện rõ hơn bao giờ hết.