03/05/2024 lúc 16:35 (GMT+7)
Breaking News

Hệ thống y tế tư nhân: Mắt xích quan trọng trong quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường

Trong những năm qua, công tác xã hội hóa y tế của Đảng, Chính phủ ngày càng thu được nhiều kết quả. Hệ thống y tế tư nhân trở thành mắt xích quan trọng trong quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
GS.TS Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.

Nhân dịp kỉ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2023), phóng viên VNHN có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam về quá trình hình thành, phát triển của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam và những đóng góp của Hiệp hội trong xây dựng Luật khám bệnh, chữa bệnh mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ II Quốc hội khóa XV.

- PV. Xin Giáo sư cho biết bối cảnh ra đời của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.

- GS.TS Nguyễn Văn Đệ: Từ năm 1997, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chính sách xã hội hoá y tế. Do nhiều nguyên nhân khách quan, việc thu hút các nhà đầu tư tham gia vào công tác xã hội hoá y tế còn nhiều bất cập. Năm 2004, ở phía Nam có một vài bệnh viện tư nhân được thành lập; phía Bắc có Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực ra đời đã tạo luồng gió mới cho hoạt động xã hội hoá lĩnh vực y tế phát triển.

Trong quá trình phát triển, hệ thống y tế tư nhân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều Luật, văn bản dưới luật về y tế chưa có sự nhìn nhận công bằng giữa y tế công lập và y tế tư nhân, tạo thành “rào cản” lớn đối với sự phát triển của khối y tế tư nhân. Hầu hết các bệnh viện tư nhân phải “vừa ném đá, vừa dò đường”, vừa làm, vừa tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành trung ương. Một số bệnh viện ra đời mang tính tự phát, thiếu chiến lược nên đã không thể tồn tại.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phải có một tổ chức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế tư nhân, tôi cùng một số chủ đầu tư bệnh viện tư nhân thành lập Ban vận động để tiến hành các thủ tục thành lập một tổ chức có đủ uy tín, tầm vóc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đơn vị y tế tư nhân. Sau hơn một năm vận động, ngày 26/8/2014, Hiệp Bệnh viện tư nhân Việt Nam chính thức được thành lập.

- PV. Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội đã có đóng góp quan trọng nào trong việc xây dựng chính sách y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển như hiện nay, thưa Giáo sư?

- GS.TS Nguyễn Văn Đệ: Ngay sau khi thành lập, Hiệp hội đã tích cực tham gia nghiên cứu, phản biện, đóng góp ý kiến trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo hoặc gián tiếp bằng văn bản cho nhiều dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư và hàng trăm văn bản dưới luật thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực y tế, BHYT, các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Quốc hội, Chính phủ, UBTW MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Thương mai và Công nghiệp Việt Nam, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương đã ghi nhận, đánh giá Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín và tích cực đóng góp nhiều nhất trong việc xây dựng chính sách, cải cách thể chế.

Lĩnh vực y tế có đặc thù riêng, vì vậy Hiệp hội đã đề nghị cần xem xét nâng số giờ làm thêm của nhân viên y tế tại cơ sở từ 200 giờ lên 300 giờ. Đề nghị này đã được Quốc hội tiếp thu, kịp thời điều chỉnh. Ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định rõ nội dung tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm tại Điều 61 và Điều 62. Đối với các cơ sở đào tạo y - dược thu mức học phí của học viên các bệnh viện tư nhân cao gấp 03 lần so với bệnh viện công lập là không phù hợp. Ý kiến đã được tiếp thu, chỉnh sửa mức thu học phí giữa 2 khối bệnh viện ngang bằng nhau. Kiến nghị bằng văn bản đến Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung, sửa đổi, ghi rõ “bệnh viện tư nhân” trong quy định lộ trình thực hiện mức giá khám chữa bệnh, BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng. Kết quả là các bệnh viện tư nhân được thực hiện mức giá gồm: chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 01/3/2016.

Luật Đấu thầu chứa đựng nhiều bất cập trong đấu thầu thuốc. Hiệp hội đã kiến nghị sửa Điều 52 của Luật này. Chính nhờ sửa Điều 52 nên khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hệ thống y tế tư nhân có đủ căn cứ để xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc, vật tư y tế để chia sẻ với hệ thống y tế công lập. Tôi rất mừng lúc đó đồng chí Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu “Môi trường của y tế tư nhân tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển; y tế công lập như thế nào thì y tế ngoài công lập như vậy”. Tôi trân trọng quan điểm và ghi nhận chủ trương của Quốc hội và Chính phủ ở thời điểm đó đã lắng nghe, tiếp thu phản ánh của Hiệp hội để sửa đổi.

- PV. Xin Giáo sư cho biết một vài minh chứng về thành quả mà hệ thống Bệnh viện tư nhân mang lại từ chủ trương xã hội hóa y tế của Đảng, Chính phủ.

- GS.TS Nguyễn Văn Đệ: Đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 400 bệnh viện tư nhân đang hoạt động (chỉ đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh cả nước) với nhiều quy mô giường bệnh khác nhau, có bệnh viện đạt quy mô 1.300 giường bệnh. Ước tính đến năm 2025, số giường bệnh của bệnh viện tư nhân trên cả nước chiếm 10% và đến năm 2030 là 15%. Việc tăng quy mô, số lượng, chất lượng trong hệ thống y tế tư nhân đã góp phần làm giảm áp lực về đầu tư và chuyên môn kỹ thuật cho y tế công lập. Bên cạnh việc làm thay đổi tư duy khám, chữa bệnh của người dân còn giúp các cơ sở khám chữa bệnh tự thay đổi tư duy, thái độ chăm sóc, điều trị người bệnh, chuyển từ tâm lý “được nhờ vả sang phải phục vụ”.

Trong tương lai không xa, sẽ có hàng ngàn bệnh viện tư nhân, trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao về y tế được thành lập. Nhà nước chỉ cần để một số bệnh viện công ở tuyến trung ương thực hiện việc nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, xử lí các vấn đề phòng, chống dịch và những việc cấp bách của ngành y tế. Quan điểm của Đảng là cái gì dân làm được, doanh nghiệp làm được thì Nhà nước rút dần và giao lại cho dân, cho doanh nghiệp làm. Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều hành theo đúng tầm nhìn, đúng quy hoạch, đúng quy định pháp luật.

Y tế tư nhân đã tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch bằng việc gửi hàng ngàn bác sĩ, y sĩ lên đường vào các tỉnh phía Nam tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ở các địa phương, hệ thống y tế tư nhân đã tham gia công tác sàng lọc bệnh nhân cho các địa phương tăng cương đi lấy mẫu xét nghiệm, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch. Nhiều bệnh viện tư nhân lớn như Vimec, Hợp Lực, Tâm Anh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mua sắm thiết bị y tế hiện đại, thu hút nhân lực chất lượng cao, đưa nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu vào phục vụ người bệnh, Nhà nước không phải bỏ ra một đồng vốn ngân sách nào. Đây là minh chứng cụ thể để Hệ thống y tế tư nhân xoá đi mặc cảm “chỉ bệnh viện công lập mới làm được còn bệnh viện tư nhân không làm được”. Đây cũng là minh chứng cho tính đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong công tác xã hội hóa y tế.

- PV. Ngày 09/1/2023 vừa qua, Quốc hội chính thức thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh mới. Xin Giáo sư cho biết quá trình đóng góp xây dựng luật này và kết quả ra sao?

- GS.TS Nguyễn Văn Đệ: Ngay khi Bộ Y tế ban hành bản Dự thảo đầu tiên vào năm 2017, Hiệp hội đã cử thành viên tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập góp ý xây dựng với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, đầy trách nhiệm vì quyền lợi người bệnh và vì sự phát triển chung của ngành y tế. Khi Luật được đưa ra trình Quốc hội, Hiệp hội đã tham gia hàng trăm văn bản, trên dưới 30 hội nghị, tọa đàm, hội thảo góp ý luật. Trong quá trình tham gia xây dựng luật, có rất nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm cấp tiến có, quan điểm bảo thủ có. Quan điểm của Hiệp hội là phải bảo vệ cái đúng, đẩy lùi những bất cập, thiếu công bằng, vô lý, phải vì sự phát triển ngành y tế,  trong đó có y tế tư nhân.

Những nội dung đóng góp của Hiệp hội vào quá trình xây dựng Luật là những nội dung sát thực nhất được đúc rút từ thực tiễn nên đã được Quốc hội lắng nghe, chia sẻ và chấp thuận thông qua. Điểm mới là mở rộng đối tượng và tiêu chuẩn hành nghề, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho bệnh viện, đặc biệt đã mạnh dạn phân quyền thẩm định cấp phép hoạt động bệnh viện tư nhân cho cấp tỉnh, thành phố; giải quyết bức xúc quy trình thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động bệnh viện, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư, đặc biệt y tế tư nhân tiếp tục tự quyết định việc xây dựng, ban hành, công khai giá khám, chữa bệnh tại đơn vị./.

- PV. Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.

Ngọc Thể - Đỗ Thanh