Di sản văn hóa ở Việt Nam
Theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001 (bổ sung năm 2009, 2013), di sản văn hóa “bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử , văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(1). Di sản văn hóa vật thể gồm có các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: Tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác. Do đó, các di sản văn hóa là các sản phẩm vật chất và tinh thần không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, nghệ thuật, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng, mà còn có giá trị cao về kinh tế, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa; giữ vai trò là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Đồng thời, di sản văn hóa là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh làm nên cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam, là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương”(2).
Hiện nay, Việt Nam có gần 40 nghìn di tích, trong đó có 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.486 di tích quốc gia (107 di tích quốc gia đặc biệt(3); có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 433 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. UNESCO ghi danh:
- 2 di sản thiên nhiên thế giới (vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng);
- 1 di sản hỗn hợp: Quần thể danh thắng Tràng An;
- 5 di sản văn hóa vật thể thế giới (quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ);
- 3 công viên địa chất toàn cầu (Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông);
- 15 di sản được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể (nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ; ca trù; Hội Gióng; hát xoan Phú Thọ; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đàn ca tài tử Nam Bộ; hát ví giặm Nghệ Tĩnh; nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; nghi lễ và trò chơi kéo co; thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ; thực hành then Tày, Nùng, Thái; nghệ thuật xòe Thái; nghề làm gốm của người Chăm);
- 9 di sản tư liệu thế giới (mộc bản Triều Nguyễn; bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám; mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm; châu bản triều Nguyễn; thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; mộc bản trường học Phúc Giang; hoàng hoa sứ trình đồ; bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh)(4).
Đến năm 2023, Việt Nam có 194 bảo tàng, với 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập(5). Nhà nước công nhận 237 hiện vật và nhóm hiện vật được là bảo vật quốc gia(6).
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hợp lý để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng, hoàn thiện và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các hoạt động này cũng góp phần giới thiệu và quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế cũng như đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Ngày 24-11-2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”(7).
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở đối với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
Một là, hệ thống chính trị cơ sở bảo vệ di sản văn hóa, góp phần phát triển toàn diện, bền vững đời sống văn hóa ở cơ sở.
Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 18-3-2002, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn” khẳng định: “Hệ thống chính trị cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đoàn kết nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư”(8). Hệ thống chính trị cơ sở chính là lực lượng nòng cốt để bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tránh các hành động gây hư hỏng, sai lệch những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị cơ sở có thẩm quyền về văn hóa - thông tin khi nhận được thông báo về di tích bị huỷ hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại có thể kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh gây ra các hậu quả đáng tiếc. Gần đây nhất, việc tự ý sơn sửa lại đình làng thôn Mỹ Ả, Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội bằng các bức tranh hiện đại đã ngay lập tức được phát hiện và được yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu(9).
Hai là, hệ thống chính trị cơ sở góp phần tu bổ, gia cố, tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị ảnh hưởng do thời gian, thời tiết và các yếu tố tác động khác.
Di sản văn hóa vật thể là kết tinh trí tuệ của các dân tộc Việt Nam, không chỉ là tài sản riêng của Việt Nam, mà là tài sản chung của nhân loại. Do đó, việc tu bổ, gia cố, tôn tạo, phục dựng các di sản văn hóa vật thể là việc được tiến hành thường xuyên, liên tục, được đưa vào kế hoạch và chiến lược phát triển văn hóa của địa phương, trong đó có quyền và nghĩa vụ của hệ thống chính trị cơ sở. Phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó. Ngoài sự tham vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, thì lực lượng để tiến hành các hoạt động này thuộc hệ thống chính trị cơ sở, thể hiện ở việc triển khai các dự án trùng tu, tôn tạo không gian di tích, xây dựng bổ sung các thiết chế văn hóa hay thường xuyên thực hiện công tác tu bổ nhỏ như chỉnh trang cảnh quan di tích.
Ba là, hệ thống chính trị cơ sở góp phần tuyên truyền, tổ chức các hoạt động giới thiệu về những cái hay, cái đẹp của di sản văn hóa, làm giàu cả về vật chất và tinh thần cho địa phương.
Một trong những hoạt động vừa góp phần tuyên truyền, giới thiệu về những cái hay, cái đẹp của di sản văn hóa vừa đem lại giá trị kinh tế cao là các hoạt động du lịch. Bằng việc tổ chức hoặc tham gia tổ chức các hoạt động du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn, hệ thống chính trị cơ sở góp phần khẳng định đầy đủ, thấu đáo, rõ ràng hơn về các giá trị lịch sử, khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, nghệ thuật của di sản văn hóa, phát huy tác dụng của di sản văn hóa trong giáo dục truyền thống yêu nước, thương nòi, tính cố kết cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình, đoàn kết trong nhân dân. Các hoạt động này cũng giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động du lịch có liên quan đến nghệ thuật truyền thống, như hát bài chòi, cồng chiêng Tây Nguyên, hát xoan, hát quan họ, ca trù, đờn ca tài tử Nam Bộ,…
Sự nghiệp văn hóa không lấy lợi nhuận làm mục đích chính, mà chủ yếu là sáng tạo, truyền bá, làm giàu đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam phát triển toàn diện. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động này, hoạt động văn hóa có thể thích ứng với nhu cầu của kinh tế thị trường và khi các sản phẩm văn hóa và các loại hình dịch vụ văn hóa được triển khai, lan tỏa trong cộng đồng, được cộng đồng đón nhận, sẽ đem lại cả lợi ích về kinh tế.
Bốn là, hệ thống chính trị cơ sở thực hiện các chương trình văn hóa trọng điểm của địa phương, như xây dựng các điển hình tiên tiến, xây dựng các mô hình phát triển văn hóa, mở rộng giao lưu văn hóa giữa nông thôn và thành thị, giữa các dân tộc với nhau.
Di sản văn hóa nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cơ sở, nhất là khi nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO vinh danh, ghi nhận là di sản văn hóa thế giới. Từ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ di sản văn hóa, đưa di sản văn hóa vào các mục tiêu phát triển, hệ thống chính trị cơ sở nhận thức được giá trị của di sản văn hóa hiện có trên địa bàn để có những chính sách ưu tiên đầu tư cả nhân lực, vật lực vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, các chính sách ưu tiên đầu tư cho di sản không chỉ là trùng tu, tôn tạo, phục hồi, số hóa, tư liệu hóa, lưu giữ, truyền dạy, vinh danh nghệ nhân, mà còn rất nhiều hoạt động quảng bá, khai thác, phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Năm là, hệ thống chính trị cơ sở với việc hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích các nghệ nhân dân gian trong việc kiến tạo, trao truyền, thực hành di sản.
Ở cơ sở, cộng đồng dân cư được hình thành từ lâu đời, các mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, chịu các tác động từ môi trường sống xung quanh. Có rất nhiều yếu tố về tâm linh, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống, nếp sống, thói quen ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Các di sản văn hóa phi vật thể, như diễn xướng dân gian, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác đều diễn ra ở đây. Những làng nghề truyền thống vừa góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, bảo đảm các hoạt động sinh kế cho người dân, vừa là không gian bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các địa phương. Để có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người, các làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống, như lụa tơ tằm, dệt thổ cẩm, chạm khắc vàng bạc, đá phong thủy, đan mây tre, gốm sứ,.. rất cần đến sự góp sức của các nghệ nhân làng nghề. Họ chính là “báu vật sống” của địa phương và quốc gia. Mỗi sản phẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo, tinh xảo và sự sáng tạo của các nghệ nhân chứa đựng cả chiều dài lịch sử của dân tộc, bao chứa trong đó nhiều giá trị văn hóa. Đại đa số nghệ nhân là thành viên các tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam. Do đó, hệ thống chính trị cơ sở có thể nắm bắt được mong muốn, nguyện vọng, trăn trở của các nghệ nhân trong bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giúp họ có thêm nhiều đóng góp mới trong kiến tạo, trao truyền và thực hành di sản.
Một số bất cập, hạn chế trong việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở đối với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
Mặc dù trong những năm qua, hệ thống chính trị cơ sở đã phát huy vai trò đối với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế, nhưng cũng còn một số những hạn chế và bất cập nhất định. Các cấp chính quyền cơ sở chưa quản lý chặt chẽ việc mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; còn hiện tượng đánh cắp, đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài ở một số nơi. Ngoài ra, cũng có cá nhân, tổ chức lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện những hành vi trái pháp luật. Nhiều hoạt động mê tín dị đoan núp dưới danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo vẫn diễn ra, thậm chí công khai, nhưng chưa được chính quyền địa phương vào cuộc. Đội ngũ cán bộ cơ sở chưa thực sự nhận thức hết về vai trò của bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quần chúng nhân dân các biện pháp, cách thức để bảo tồn di sản văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong hệ thống chính trị cơ sở, sự “phân vai” của từng tổ chức có lúc, có nơi còn chưa rõ ràng, chồng chéo và chưa có sự phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể trong thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên có lúc chưa kịp thời nắm bắt, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, đặc biệt là các nghệ nhân. Vẫn còn tình trạng “Các chủ nhân di sản hay cộng đồng thực hành di sản dường như lại không có thẩm quyền nói về di sản của mình hay các triết lý phát triển mà mình lựa chọn. Việc coi một thực hành văn hóa có phải là di sản hay không và ứng xử với di sản thế nào phụ thuộc vào quan điểm và tiêu chí đánh giá của các cơ quan và người có thẩm quyền, vì vậy, trong nhiều trường hợp, đã bỏ qua nhiều thực hành văn hóa cũng như nhiều di sản văn hóa”(10).
Ở một số địa phương, đôi khi quá quan tâm đến phương diện kinh tế, đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, cố gắng khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản, nên đã đặt nhẹ công tác bảo tồn, chỉ cốt sao doanh thu càng nhiều càng tốt nên đã dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt di sản, thậm chí bóp méo di sản để thu lợi(11). Do đó, “về lâu dài, việc quá coi trọng mục tiêu kinh tế, đặt doanh thu, lợi nhuận lên trên hết mà không chú ý đến nhu cầu bảo tồn giá trị di sản văn hóa có thể tạo ra những hệ lụy về phát triển văn hóa - xã hội, cản trở sự phát triển bền vững của cộng đồng”(12).
Nâng cao vai trò của hệ thống chính trị cơ sở đối với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới
Thứ nhất, tăng cường vai trò của quản lý nhà nước trong quản lý di sản văn hóa. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa. Phổ biến pháp luật, trang bị cho cán bộ và nhân dân những hiểu biết, kiến thức về giá trị của di sản, kinh nghiệm bảo tồn di sản cũng như các nguyên tắc ứng xử với di sản và nghệ nhân dân gian. Xây dựng các văn bản hướng dẫn công tác bảo tồn di sản văn hóa sao cho hiệu quả. Thường xuyên tiến hành kiểm tra để có thể phát hiện ra sai phạm trong các hoạt động có liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa, các hoạt động mê tín dị đoan núp bóng thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. Khi phát hiện ra sai phạm cần phải tiến hành xử lý thật nghiêm khắc, có tính răn đe cao, tránh các trường hợp tương tự xảy ra. Trong quá trình hoạt động, cần có các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng loại di sản văn hóa cũng như từng khu vực, địa bàn để triển khai công tác bảo tồn di sản có hiệu quả. Quan tâm nhiều hơn đến công tác thống kê các di sản văn hóa, vì hiện nay nhiều số liệu không trùng khớp, thiếu những báo cáo về số liệu bảo tồn di sản văn hóa. Tổ chức định kỳ những lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác văn hóa để quán triệt các chủ trương, chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước về di sản văn hóa cũng như cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu giúp họ nắm bắt tình hình. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực khác cho bảo tồn di sản văn hóa, Nhà nước tiếp tục đầu tư cho các di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, trình độ của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở về quản lý di sản văn hóa. Đội ngũ này là người gần gũi, thấu hiểu nhân dân và nghệ nhân dân gian, hiểu rõ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cũng như đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cần nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa để tích cực tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân. Đồng thời, thấy rõ những khúc mắc, khó khăn trong công tác bảo tồn di sản văn hóa để tư vấn, tham mưu, góp ý, kiến nghị với các cấp, cơ quan có liên quan giải quyết; nâng cao nhận thức và trình độ về văn hóa nói chung, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói riêng để có phương pháp, cách thức bảo tồn di sản văn hóa phù hợp; cần trau dồi cả về nhận thức chính trị và phẩm chất đạo đức để tránh những cám dỗ về vật chất...
Thứ ba, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, nghệ nhân dân gian trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Phát huy tính tự giác, vai trò tự quản, tự nguyện, tích cực và chủ động của nhân dân và nghệ nhân trong bảo tồn di sản văn hóa. Khi được trao quyền trong quản lý danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, tổ chức lễ hội, thực hành di sản văn hóa phi vật thể, cần chủ động phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở để làm tốt các công việc này. Thường xuyên truyền tải những cái hay, cái đẹp, các nội dung, giá trị, ý nghĩa của di sản văn hóa cho các thế hệ sau, đặc biệt là thế hệ trẻ, để họ có thể tiếp nối các thế hệ cha ông bảo vệ tốt hơn nữa các di sản văn hóa của dân tộc.
Di sản văn hóa hàm chứa các giá trị văn hóa cốt lõi của quốc gia, thể hiện tâm hồn, trí tuệ, cốt cách của dân tộc. Công tác bảo tồn di sản văn hóa trước hết phải là trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở nhằm đem lại các lợi ích về vật chất và tinh thần cho đông đảo nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương ngày càng hiệu quả./.
----------------------
(1) Luật Di sản Văn hóa
(2) Bùi Văn Quang: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Phú Thọ, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-10-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/828817/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa%2C-gop-phan-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-o-tinh-phu-tho.aspx
(3) Danh mục di tích quốc gia đặc biệt, Trang điện tử Cục Di sản văn hóa, http://dsvh.gov.vn/danh-muc-di-tich-quoc-gia-dac-biet-1752
(4) Chi tiết các di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới ở Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử UBND tỉnh Thái Nguyên, ngày 10-7-2023, https://thainguyen.gov.vn/van-hoa-xa-hoi/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/chi-tiet-cac-di-san-thien-nhien-van-hoa-the-gioi-o-viet-nam/20181
(5) Nguyễn Anh Thư: Tọa đàm khoa học: “Phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam”, Trang điện tử Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ngày 13-6-2023, https://huc.edu.vn/a/124053/Toa-dam-khoa-hoc-Phat-trien-he-thong-bao-tang-ngoai-cong-lap-o-Viet-Nam
(6) Bảo vật quốc gia, Trang Thông tin điện tử Cục Di sản văn hóa, http://dsvh.gov.vn/bao-vat-quoc-gia-1758
(7) Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương, ngày 24-11-2021, https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc.html
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 18-3-2002, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hànhTrung ương Đảng khóa IX, “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”
(9) Xem: https://danviet.vn/di-tich-dinh-lang-my-a-ha-noi-bi-son-moi-co-phai-la-pha-hoai-di-tich-lich-su-khong-20231213103928693.htm
(10) Nguyễn Thị Phương Châm - Hoàng Cầm: Di sản văn hóa và sự phát triển bền vững, nhân văn ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 12-9-2022, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825837/di-san-van-hoa-va-su-phat-trien-ben-vung%2C-nhan-van-o-viet-nam-hien-nay.aspx
(11) Từ Thị Loan: Bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 6-12-2021, https://tuyengiao.vn/bao-ton-di-san-van-hoa-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-141631
(12) Từ Thị Loan: Bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, tlđd