26/11/2024 lúc 14:24 (GMT+7)
Breaking News

Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hội nhập

VNHNO - Việt Nam hội nhập đang đứng trước những cơ hội và thử thách chưa từng có trong lịch sử phát triển của mình, con người Việt Nam cần có những phẩm chất gì để hội nhập và phát triển bền vững cùng cộng đồng quốc tế là câu hỏi lớn có tính thời đại.

VNHNO - Việt Nam hội nhập đang đứng trước những cơ hội và thử thách chưa từng có trong lịch sử phát triển của mình, con người Việt Nam cần có những phẩm chất gì để hội nhập và phát triển bền vững cùng cộng đồng quốc tế là câu hỏi lớn có tình thời đại.

Chúng tôi xin bàn thêm về vấn đề này dưới góc nhìn của người làm nghiên cứu có tham gia quản lý văn hóa thời kỳ Đổi mới. Về vấn đề hệ giá trị con người Việt Nam, chúng tôi có quan điểm khá tương đồng với Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, Viện Thông tin Khoa học xã hội trong bài viết: Mấy vấn đề về hệ giá trị Việt Nam. GS,TS Hồ Sĩ Quý cho rằng “chẳng có gì sai nếu ai đó gọi đó (“hệ giá trị con người Việt Nam” - chúng tôi diễn giải) là hệ giá trị văn hóa Việt Nam”. Con người với tư cách vừa là chủ thể văn hóa, vừa là khách thể, đối tượng đặc biệt của văn hóa, đồng thời bị chính cái văn hóa do mình tạo ra điều chỉnh hành vi, tình cảm, ước vọng, lối sống của mỗi con người và của toàn xã hội. Có thể nói văn hóa là con người, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam cũng là hệ giá trị văn hóa Việt Nam. 

Ảnh minh họa

Về người Việt Nam, chúng tôi muốn có cách nhìn theo triết lý “nhân vô thập toàn”, có nghĩa là có cả tính tích cực và cả những hạn chế mang tính chủng người và hoàn cảnh lịch sử, tự nhiên và xã hội tạo nên. Phải chăng con người Việt Nam với vóc dáng nhỏ, thấp nên sức mạnh cơ bắp vốn không phải là thế mạnh, trí thông minh được đề cao. Truyện kể về trí thông minh của người mạnh hơn hổ thể hiện rõ tinh thần này! Con người trải nghiệm trong nhiều cuộc đấu tranh giữ nước trước những kẻ thù mạnh hơn nên tinh thần dũng cảm, đoàn kết muôn người như một là phương thức tồn tại và trở thành phẩm chất tuyệt vời của người Việt Nam. Là người chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, nhưng cũng trải nghiệm mất mát to lớn bởi chiến tranh, nên hơn ai hết người Việt Nam yêu hòa bình, khoan dung, độ lượng với kẻ thù, mong sao chiến tranh không xảy ra, thù oán được khép lại. Là cư dân nông nghiệp, con người Việt Nam có triết lý sống hài hòa với thiên nhiên, nhưng cũng có hạn chế là thụ động, trông chờ…và những tính toán thực dụng, thường thiên về lợi ích nhỏ trước mắt dễ đạt được hơn là những lợi ích lớn có tính chiến lược, lâu dài. Phải chăng hạn chế ấy là nguyên nhân của việc phá vỡ hợp đồng một cách dễ dàng của người nông dân với các doanh nghiệp. Người dân dễ bị lôi kéo vào những việc như “mua bán lá khô”, “đỉa khô”, chân, sừng trâu… khi thấy lợi trước mắt!

Trong chiến tranh vệ quốc trước các kẻ thù mạnh hơn cần huy động sức mạnh toàn dân, cần một không khí hào hùng, nâng cao chí khí quyết tâm thắng giặc nên cần phát động nhiều phong trào, và kết quả là các chiến công thần thánh trong chiến tranh của người Việt Nam khiến cả thế giới nghiêng mình thán phục. Thời ấy ở Việt Nam “ra ngõ gặp anh hùng” và đã có người nước ngoài chân thành “mong được là người Việt Nam”! Tuy nhiên, nếu nhìn nhận  công bằng thì: Người Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt đẹp được cộng đồng thế giới thừa nhận, nhưng cũng có những hạn chế rất dễ nhận biết kể cả đối với bạn bè quốc tế thân thiện (Ở Nhật, nơi đang có cảm tình tốt với Việt Nam vẫn phải viết bằng chữ Việt cảnh báo: ở đây rất dễ mất cắp!”). Để đưa ra hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, trước tiên phải hiểu, phải đánh giá khách quan về ưu và nhược của con người Việt Nam. Lấy đó làm cơ sở thực nhằm định tính và định lượng những chuẩn mực cần có, phải có và có thể có của con người Việt Nam hiện đại. 

Về hệ chuẩn mực chúng tôi cũng thử chia ra: Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi và hệ  giá trị chuẩn mực phổ quát cần có của con người Việt Nam hiện đại. Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi là hệ giá trị bền vững được trải nghiệm, thử thách và đánh giá thông qua lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, trong đời sống thường nhật những biểu hiện của các giá trị chuẩn mực cốt lõi có thể không rõ nét, nổi trội, “nhường chỗ” cho những biểu hiện lệch chuẩn của một số thành viên trong cộng đồng với tần suất tăng “bất thường” làm cho người “hay hoài nghi” cho rằng: chuẩn mực cốt lõi có vẻ không còn đúng với điều kiện của đời sống hiện đại! Mặt khác, các chuẩn mực cốt lõi có tính khái quát cao, thường định tính bằng những phẩm chất cao đẹp của con người, khó định lượng, khó “cân đong, đo đếm” trong cuộc sống thường nhật, và vì thế không làm “thước” cho người đời “đo” một cách cụ thể, dễ quan sát nhằm điều chỉnh lối sống, hành vi ứng xử và kỹ năng xử lý các tình huống trong đời thường của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Khảo cứu từ thực tiễn trên, trong bảng giá trị chuẩn mực con người Việt Nam chúng tôi đưa ra một hệ giá trị thứ hai, không phải là hệ “thứ cấp” mà là hệ giá trị có quan hệ mật thiết với hệ giá trị cốt lõi, chịu sự chi phối của hệ giá trị cốt lõi và sự tác động của các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đương thời, trong đó có cả sự tác động của các yếu tố ngoại sinh trong điều kiện mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Hệ giá trị ấy chúng tôi gọi là Hệ giá trị phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại. Hệ giá trị này không phải thứ “nhất thành, bất biến” mà nó được hình thành từ yêu cầu cuộc sống, có thể điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tiến trình cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Hãy thử bàn sâu thêm về hai hệ giá trị này.

Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi con người Việt Nam là hệ giá trị đã được khẳng định  nhiều lần trong các văn kiện của Đảng, các công trình nghiên cứu của các học giả đi trước với sự đồng thuận cao về các giá trị và cách sắp xếp các giá trị trong bảng hệ giá trị; Cho dù ở mỗi công trình, mỗi văn bản có độ chênh nhất định về cách sắp xếp các giá trị trong hệ, cũng có cả độ chênh về số lượng, tên gọi các giá trị trong hệ giá trị, nhưng nhìn tổng thể với sự kết hợp tương đối ta có một bảng hệ giá trị có thể chấp nhận được, có thể coi là hệ giá trị cốt lõi con người Việt Nam. Kế thừa kết quả chỉ dẫn công phu của Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý; Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trương ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng, chúng tôi mạnh dạn đưa ra bảng Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi con người Việt Nam: 1. Yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; 2. Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý; 3. Đoàn kết; 4. Cần cù, sáng tạo.

Chúng tôi chọn 4 giá trị cốt lõi này bởi trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đặc biệt trong đấu tranh giữ nước những giá trị này là nền tảng đảm bảo sự trường tồn dân tộc, là gốc rễ của mọi chiến thắng. Những giá trị này biểu hiện rõ nét, không chỉ chúng ta nhận thấy mà cộng đồng thế giới, kể cả kẻ thù cũng phải thừa nhận.  

Giá trị thứ nhất chắc không cần phải luận giải nhiều, bởi nó được minh chứng qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, và cũng là ý kiến khá thống nhất của nhiều học giả, được thể hiện nhiều lần trong các văn kiện của Đảng.

Giá trị thứ hai là giá trị được nhiều học giả nêu dưới các ngôn từ khác nhau, nhưng bản chất là thống nhất nhận định giá trị Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý. Học giả Đào Duy Anh nhận định: “biết hy sinh vì đại nghĩa”; GS Trần Văn Giàu: “thương người, vì nghĩa”; GS Nguyễn Hồng Phong: “nhân đạo”.

Giá trị thứ ba là Đoàn kết được khẳng định ở cả 2 Nghị quyết chuyên đề của Đảng về văn hóa, đồng thời cũng được nhiều học giả đưa vào bảng hệ giá trị trong công trình nghiên cứu của mình. Điều đặc biệt, tinh thần đoàn kết đã được kiểm chứng qua các cuộc chiến tranh giữ nước, “triệu người như một” với tinh thần “sát thát”  “kết lại thành làn sóng cuốn phăng mọi kẻ thù xâm lược”. Không đoàn kết như vậy chắc chắn chúng ta khó có thể chiến thắng kẻ thù thường  mạnh hơn chúng ta nhiều lần! Giá trị thứ tư Cần cù, sáng tạo. Về cần cù có lẽ không có nhận định nào xác đáng hơn nhận định của học giả Nguyễn Văn Huyên: “Chẳng thấy nơi nào trên thế giới một dân tộc cần cù đến như vậy”. Về sáng tạo có thể có đôi chút khác nhau trong nhận định của các học giả. Học giả Đào Duy Anh cho rằng người Việt Nam “ít sáng tạo”; GS Trần Đình Hượu thì cho rằng: “(người Việt Nam) không có khát vọng để hướng đến sáng tạo lớn”; Học giả Nguyễn Văn Huyên lại nhận định: “Người Việt có chất nghệ sĩ nhiều hơn khoa học”… Xét các công trình khoa học, các nhân tài từ cổ chí kim người Việt Nam chưa có mấy người nổi tiếng thế giới! Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ giá trị này trong bảng hệ giá trị vì trên thực tế chúng ta phải nhìn nhận sự bộc lộ phẩm chất sáng tạo có phần hơi đặc trưng của người Việt Nam đó là “cái khó ló cái khôn” (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng)!

Sự sáng tạo thường bộ lộ trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, có khi trong thế bị dồn vào chân tường. Nếu nhìn nhận từ góc độ đó chúng ta mới đồng thuận với nhận định của GS Trần Văn Giàu là người Việt Nam sáng tạo. Nếu không sáng tạo sao có thể chiến thắng Pháo đài bay B52 với các vũ khí về lý thuyết là không thể đánh thắng được! Nếu không sáng tạo trong chiến lược, chiến thuật quân sự làm sao có thể 3 lần thắng quân Nguyên Mông, đội quân chinh phục cả châu Âu và một vùng rộng lớn Tây Á?! Có thể vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng Giá trị cốt lõi thường biểu hiện rõ nhất trong chiến tranh giữ nước, nếu áp vào chuẩn mực thường nhật đôi khi cảm thấy “vênh”, hơn nữa Giá trị cốt lõi là giá trị đặc trưng cho đại đa số người Việt Nam, thể hiện phẩm chất mang tính bản chất chứ không phải những hiện tượng lẻ tẻ của một số ít người.

Chúng tôi cũng đồng tình với một số ý kiến cho rằng, những giá trị chuẩn mực cốt lõi là những giá trị bao quát, thể hiện phẩm chất người, khó định lượng, khó đánh giá trong đời sống lao động, học tập, càng khó làm “tiêu” để căn cứ cho con người trong xã hội lấy làm chuẩn để rèn luyện trong đời sống hiện đại. Mặt khác, chúng tôi quan niệm giá trị con người Việt nam không phải thứ “nhất thành bất biến”, ngay cả hệ giá trị cốt lõi cũng có thể bị tác động bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và cả những yếu tố ngoại sinh mà có sự thay đổi Chẳng hạn: Giá trị cốt lõi: Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý, đang bị thói ham vật chất, tiền bạc lấn át. Vì một chút lợi cá nhân có thể “hy sinh” cả tình làng nghĩa xóm, bán rẻ tình bạn, tình yêu, tình thân, thậm chí cả tình cha con, mẹ con, vợ chồng…Sống buông thả, bất chấp đạo lý, đồi bại, bê tha đến mức tàn nhẫn, độc ác như con giết cha, vợ giết chồng, bạn giết bạn… sẵn sàng đâm chém man rợ không còn dấu tích nào của con người nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý!  Hiện tượng như thế đang diễn ra với tần suất ngày càng tăng, mức độ ngày càng khủng khiếp và tác động hết sức xấu đối với đời sống xã hội. Giá trị cần cù, sáng tạo cũng bị tác động mạnh. Nhân công Việt Nam chưa được đánh giá là nguồn nhân lực có năng suất cao. Nhìn vào số lượng người “lượn lờ” trên phố hàng ngày, ruộng đất bỏ hoang ở vùng nông thôn và đặc biệt lượng bia rượu được tiêu thụ trong các nhà hàng, quán nhậu vào hàng “đỉnh” của thế giới… khó có thể xếp người Việt Nam vào loại “cần cù không nơi nào có” như học giả Nguyễn Văn Huyên đã từng nhận định!

Chưa có công trình chuyên khảo, thống kê, đánh giá về độ cần cù của người Việt Nam hiện đại, nhưng với cảm nhận, chúng ta có thể thấy giá trị này đang bị tác động mạnh đến độ có nguy cơ suy giảm trông thấy! Về giá trị sáng tạo với cách đánh giá có tính khoa học dựa trên các phát minh, đăng ký sở hữu trí tuệ, các nhân tài và các sản phẩm sáng tạo quả thực chúng ta đang ở vị trí không cao trong sự so sánh với khu vực chứ chưa phải sự so sánh với các nước phát triển Âu, Mỹ! Giá trị Đoàn kết, giá trị cốt lõi của cốt lõi cũng có chiều hướng xấu trước tác động tiêu cực của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Giá trị Yêu nước, ý chí tự cường không được thể hiện đậm nét trong mọi bộ phận người Việt Nam hiện đại. Ngay cả trong giới tinh hoa, giới phải gương mẫu tiên phong cũng còn “bộ phận không nhỏ” đặt lợi ích của mình lên trên cả lợi ích công đồng, thậm chí trên cả lợi ích quốc gia! Rõ ràng, tất cả các giá trị trong Hệ giá trị cốt lõi đang bị tác động hết sức mạnh mẽ theo chiều tiêu cực của điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước với khu vực và quốc tế! Đó là một thực tế không thể không xem xét, đánh giá khi nghiên cứu về Giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện đại.Vấn đề là phải nhận biết được nó, đánh giá được nó để có thể bổ sung, điều chỉnh sao cho nó mãi mãi là nền tảng của xã hội, là hệ giá trị điều chỉnh hướng phát triển bền vững của dân tộc. 

Từ mạch tư duy có tính “thao tác” đó chúng tôi mạnh dạn nêu Hệ giá trị phổ quát cần có của con người Việt Nam hiện đại. Trước tiên chúng tôi xin trình bày đôi nét về ý tưởng hình thành hệ giá trị này. Thứ nhất, Hệ giá trị này là hệ giá trị phổ quát, có nghĩa là nó có tính người nói chung; Trước tiên là đối với người Việt Nam nói chung, không phân biệt giàu nghèo, địa vị, tầng lớp, nghề nghiệp, giới tính…Sau nữa, nó là giá trị con người trong thời đại toàn cầu hóa, con người hướng tới “viza toàn cầu”! Nói như vậy không có nghĩa giá trị phổ quát không có đặc trưng gì của con người Việt Nam. Trong bảng hệ, sự sắp xếp thứ tự sẽ thể hiện đặc trưng con người Việt Nam. Giá trị được đề cao hơn, cần thể hiện rõ hơn, xác lập tính riêng của hệ giá trị. Thứ hai, Hệ giá trị này là hệ giá trị cần có, có nghĩa là những giá trị đáp ứng yêu cầu đời sống hiện đại mà con người Việt Nam đang có, hoặc có thể đang hình thành, thậm chí chưa có. Vấn đề là, phẩm chất ấy, giá trị ấy không thể không có của con người Việt Nam thời hiện đại. Khác với giá trị cốt lõi là những giá trị đã có và  đã được thử thách,  củng cố, bồi đắp theo tiến trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, giá trị phổ quát cần có là giá trị của con người Việt Nam hiện đại đã và đang được hình thành trong quá trình con người Việt Nam thích ứng với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích ứng với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với khu vực vả thế giới.

Điều khác nhau cơ bản giữa hệ giá trị cốt lõi và hệ giá trị phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại là:

Thứ nhất, Hệ giá trị cốt lõi đã được định hình vững chắc qua thời gian có tính lịch sử, bởi thế nó được xem xét, đánh giá, nhìn nhận ở dạng “tĩnh”, nó là những phẩm chất tốt đẹp “không thể thay thế” của người Việt Nam trong  quá khứ và hiện tại; Khác với nó là hệ giá trị phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại là hệ giá trị chưa được định hình, có những giá trị đã hình thành nhưng chưa hoàn toàn ổn định, có những giá trị đang trong quá trình hình thành theo yêu cầu của đời sống hiện đại, sự sắp xếp vị trí của các giá trị trong hệ cũng chưa định vị một cách chắc chắn, bởi thế nó được xem xét, đánh giá, nhìn nhận ở dạng “động”, nó là phẩm chất tốt đẹp  “cần phải có” của người Việt Nam trong hiện tại và tương lai!

Thứ hai, từ phân tích trên ta thấy rõ hệ thứ hai không phải là hệ thứ cấp của hệ thứ nhất. Hai hệ có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau để tạo nên một chỉnh thể “lấp đầy”, “nối liền”  quá khứ - hiện tại - tương lai trong cách tiếp cận khoa học “mọi sự vật, sự việc (trong đó có con người) vận động không ngừng trong thế giới vận động không ngừng”. Hệ chuẩn giá trị con người Việt Nam được xem xét, nhận định trong điều kiện “vận động không ngừng” chứ không phải là thứ định hình tĩnh lặng “nhất thành, bất biến”!

Từ phân tích đó ta sẽ thấy điều khác nhau cơ bản của hai hệ giá trị này ở chỗ: Hệ giá trị thứ nhất là những giá trị đã định hình nhưng đang bị tác động mạnh mẽ của điều kiện mới. Những tác động mạnh đến mức các giá trị tốt đẹp, bền vững qua thời gian, thử thách bởi thăng trầm lịch sử, có nguy cơ biến dạng, thậm chí biến mất!; Hệ giá trị thứ hai là hệ giá trị chưa định hình, có những giá trị đã hình thành nhưng chưa hoàn toàn định vị chắc chắn trong bảng hệ cùng với các giá trị đang hình thành theo tiến trình thích ứng của con người Việt Nam hiện đại. Hệ giá trị thứ nhất đặt ra yêu cầu giữ gìn và phát huy; Hệ giá trị thứ hai đặt ra yêu cầu xây dựng, củng cố và hoàn thiện! Hệ thứ nhất tác động theo “chiều sâu” đối với con người Việt Nam hiện đại; Hệ thứ hai tác động trực tiếp, toàn diện, dễ nhận biết đối với con người Việt Nam trong cuộc sống thường nhật cũng như trong chiến lược phát triển bền vững.

Từ những phân tích, nhận định trên chúng tôi mạnh dạn đưa ra Hệ giá trị phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại, trước tiên là để góp phần gìn giữ hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi vốn có của người Việt Nam, đồng thời hướng tới việc hình thành, hoàn thiện hệ giá trị đáp ứng yêu cầu Việt Nam hội nhập! Hệ giá trị phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại gồm: 1.Yêu nước với tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí vươn lên hòa nhịp phát triển cùng các nước trong khu vực và thế giới; 2. Khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần, có khả năng thích ứng với cuộc sống hiện đại; 3. Có tinh thần và khả năng hợp tác trong học tập, lao động vì sự phát triển đất nước; 4. Thượng tôn pháp luật, tự trọng, trung thực.

* Giá trị thứ nhất có khác đôi chút so với giá trị thứ nhất trong hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi. Vẫn là yêu nước của con người Việt Nam, nhưng yêu nước với tinh thần tự tôn dân tộc trong điều kiện không phải “gồng mình” chống giặc ngoại xâm mạnh hơn mình, mà là yêu nước trong hòa bình, tự tin hơn, điềm tĩnh hơn, và vì một tương lai tốt đẹp hơn. Khác biệt sâu sắc hơn bởi tinh thần tự tôn dân tộc là nền tảng vững chắc cho ý chí vươn lên hòa nhịp phát triển cùng các nước trong khu vực và thế giới. Ý chí vươn lên, không thỏa mãn, không bằng lòng với “nghèo nàn. lạc hậu, tụt hậu” so với các nước khác, ý chí ấy hun đúc bản lĩnh con người Việt Nam hiện đại phải cố gắng trong học tập, lao động sáng tạo, phải cần, kiệm, liêm, chính…đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, hoặc chí ít cũng biết hài hòa lợi ích cá nhân với cộng đồng, với quốc gia dân tộc. Điều quan trọng là biết hổ thẹn khi dân tộc, quốc gia lạc hậu, và vì thế không vun vén cá nhân, “lo cho con, cho cháu hơn là linh hồn mình” (GS. Trần Đình Hượu) “sa vào thói chơi ngông” (Học giả Nguyễn Văn Huyên).

Yêu nước trong bảng hệ giá trị này đối với mỗi người còn là sự  giác ngộ một cách sâu sắc trách nhiệm công dân đối với quốc gia, dân tộc; sự nhận thức sâu sắc về danh phận, danh dự, hạnh phúc của bản thân, gia đình không thể tách rời hạnh phúc cộng đồng, độc lập, phồn vinh của quốc gia dân tộc. Không có hạnh phúc trên đau khổ của người khác! Giàu có bất minh khi đất nước không phát triển là sự sỉ nhục và mất tự do. Thậm chí, bằng giả, bằng thật học giả, không có đóng góp trí tuệ cho đất nước cũng là thiếu tinh thần tự tôn dân tộc, không những thế mà còn là sự vô trách nhiệm với danh dự bản thân, thiếu tự trọng cá nhân, đồng thời là tác nhân thụt hậu của đất nước. Trong hệ này chúng tôi không đặt vấn đề vượt nước này hay nước khác mà điều quan trọng là hòa nhịp phát triển cùng khu vực và thế giới, không để “lỗi nhip”, “lạc điệu” trong tiến trình phát triển trên con đường đã chọn.

* Giá trị thứ hai không có trong bảng hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi. Chúng tôi đưa giá trị này xếp thứ hai trong bảng hệ giá trị phổ quát cần có của con người Việt Nam hiện đại bởi phải có nó thì những giá trị cốt lõi và những giá trị khác mới được giữ gìn, hình thành và phát huy trong đời sống mỗi người và đời sống xã hội. Trước tiên phải khỏe về thể chất. Khỏe mới có thể mơ đến và làm được nhiều điều tốt đẹp. Khó có hoài bão lớn lao trong một cơ thể yếu ốm! Thực tế cho thấy khỏe về thể chất là điều cần làm và có thể làm. Điều này đã có kết quả và đang có xu hướng tích cực đối với việc cải thiện chiều cao nói riêng và sức khỏe nói chung của người Việt Nam hiện đại. Khỏe là phẩm chất cần có của người Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước và nâng cao chất lượng sống của toàn dân. Tuy nhiên, khỏe về thể chất phải đi đôi với lành mạnh về tinh thần. Chúng tôi dùng khái niệm lành mạnh về tinh thần để phân biệt với trạng thái tinh thần ốm yếu, bệnh hoạn. Trạng thái tinh thần lành mạnh là trạng thái tinh thần tích cực, biết chia sẻ tình cảm với cộng đồng, buồn vui đúng lúc, có bản lĩnh “thắng không kiêu, bại không nản”, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp, cân bằng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, không phấn khích lạc quan tếu, cũng không buồn bã bi quan, tự kỷ.

Con người khỏe về thể chất, lành mạnh về tinh thần vẫn chưa đủ, mà còn phải có khả năng thích ứng với cuộc sống hiện đại. Con người có khả năng thích ứng là con người hiện đại. Điều kiện về vật chất, tinh thần, điều kiện, môi trường học tập, lao động…và môi trường sống nói chung trong xã hội hiện đại có nhiều thay đổi, có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, không có khả năng thích ứng sẽ làm người ta thụ động, không những không góp gì cho tiến bộ xã hội mà còn có thể trở thành gánh nặng của xã hội. Phẩm chất thích ứng là yêu cầu cần có của con người trong xã hội hiện đại. Muốn có nó con người phải học tập, rèn luyện toàn diện: đức, trí, thể, mĩ và đặc biệt phải nuôi dưỡng tinh thần hòa nhập cộng đồng với bản lĩnh và bản chất người Việt Nam thể hiện trong hệ giá trị cốt lõi: Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý; cần cù, sáng tạo. Chúng tôi không nhấn mạnh trình độ học vấn cao, tài năng xuất chúng, chúng tôi đề cao sự thích ứng, “sự biết mình, biết người”, linh hoạt, không cố chấp, biết nhận định thời thế để ứng xử theo hướng tích cực.

* Giá trị thứ ba trong bảng hệ là: Có tinh thần và khả năng hợp tác trong học tập và lao động vì sự phát triển đất nước. Tinh thần và khả năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác là khâu yếu cốt tử của người Việt Nam trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tình trạng cứ tách ra là có hiệu quả hơn nhập vào, dẫn đến tình trạng “khắc nhập, khắc xuất” diễn ra trong nhiều năm ở nước ta có phải là biểu hiện của tinh thần và khả năng hợp tác yếu. Tách ra, đơn lẻ có vẻ có hiệu quả, nhưng chỉ là hiệu quả nhỏ, không đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa trong kinh tế thị trường, không đủ về trí lực, tài lực và cả sức lực vươn ra biển lớn. Tinh thần và kiểu cách manh mún, đơn lẻ, mạnh ai nấy làm có khi còn gây tổn hại cho cái chung lớn hơn cái thu được nhỏ lẻ. Thương hiệu có thể dễ đổ bể chỉ vì một ai đó thiếu tinh thần hợp tác, phá vỡ hợp đồng một cách vô nguyên tắc. Những câu chuyện xung quanh tinh thần và khả năng hợp tác của người Việt Nam chắc không phải dẫn giải nhiều! Tuy nhiên, gần đây nó đã được cải thiện. Việt Nam đang trở thành đối tác đáng tin cậy của cộng đồng thế giới, không còn là “đất nước không thể hợp tác” như nhận xét đáng buồn của một đối tác thân thiện của chúng ta trước đây. Giá trị này là giá trị đang hình thành, giá trị cần có của người Việt Nam hiện đại.

* Giá trị thứ tư trong bảng hệ là: Thượng tôn pháp luật, tự trọng, trung thực. Giá trị này cũng là giá trị đang hình thành, nó hết sức cần thiết trong điều kiện Việt Nam  hội nhập. Không thượng tôn pháp luật, không có kỷ cương phép nước sẽ ngập tràn tham nhũng, lãng phí, xã hội bất an, không thể phát triển bền vững. Mặt khác, có tinh thần thượng tôn pháp luật, người Việt Nam sẽ tự tin hơn khi mở cửa, hội nhập và đỡ thua thiệt khi tham gia vào thị trường quốc tế. Với cá nhân, tự trọng là phẩm chất tốt đẹp. Trong xã hội hiện đại, cá nhân tiếp xúc với cộng đồng nhiều hơn, trong nhiều tình huống và hoàn cảnh khác nhau hơn, chỉ có tự trọng bản thân mới có được sự tôn trọng của người khác và cộng đồng. Tự trọng còn là nền tảng để cá nhân hòa hợp với cộng đồng trên cơ sở tôn trọng người khác, tôn trọng cộng đồng. Tham ô, lãng phí, chơi ngông, buông thả, xa đọa, cờ bạc, đĩ điếm…là không tự trọng, là coi thường pháp luật, coi thường người khác và cộng đồng. Tự trọng là phẩm chất hết sức cần có của con người Việt Nam hiện đại. Tự trọng thực ra đã bao hàm trung thực. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, khi thói giả dối đã trở thành căn bệnh khá phổ biến làm suy vi đạo đức, lối sống của “bộ phận không nhỏ”, của cả xã hội, thì trung thực như là một phẩm chất cần đánh thức trong mỗi con người, mỗi cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương. Thói giả dối đã đến mức báo động vì nó tràn lan ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, mọi ngành và phương hại trầm trọng đến chính trị, kinh tế - xã hội. Và đương nhiên không thể hội nhập được!. Chính vì lẽ đó chúng tôi đề cao trung thực như một giá trị cần có, phải có của người Việt Nam hiện đại.

Nói tóm lại, hệ giá trị chuẩn mực phổ quát cần có của người Việt Nam hiện đại phải là hành trang tốt nhất, đảm bảo nhất trong con đường hội nhập và phát triển của Việt Nam.

TS. Nguyễn Viết Chức (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long)