22/05/2024 lúc 08:30 (GMT+7)
Breaking News

Hàng triệu học sinh, sinh viên nô nức bước vào năm học mới

VNHNO - Sáng ngày 5/9, nhiều ngôi trường trên cả nước đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2018-2019 trong không khí tưng bừng, chương trình ngắn gọn, hướng tới học sinh, sinh viên.

VNHNO - Sáng ngày 5/9, nhiều ngôi trường trên cả nước đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2018-2019 trong không khí tưng bừng, chương trình ngắn gọn, hướng tới học sinh, sinh viên. 

Học sinh nô nức đón năm học mới

Gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước hướng về ngày khai trường với các hoạt động ý nghĩa diễn ra. Năm nay, số lượng học sinh tăng hơn 2 triệu so với năm học trước.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường và gắn với thực tế của địa phương.

Chương trình lễ khai giảng sẽ diễn ra hai phần, trong đó, phần Lễ đảm bảo sự trang nghiêm với các nghi thức như chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước. Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới và đánh trống khai trường.

Sau phần Lễ, học sinh tham dự phần Hội là các tiết mục văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian. Nội dung lễ khai giảng chú trọng việc đón học sinh đầu cấp, bảo đảm đơn giản, tiết kiệm.

Giữ vững ngọn lửa đam mê

Trong không khí vui tươi của ngày khai giảng năm học mới 2018-2019, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư chúc mừng đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành giáo dục, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các em sinh viên, học sinh cả nước bằng những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước hoan nghênh, biểu dưỡng sự nỗ lực phấn đấu và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua.

Bước vào năm học mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, ngành giáo dục cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý Nhà nước, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, có giải pháp khắc phục hiệu quả những thiếu sót, hạn chế, đưa nền giáo dục nước ta phát triển vững chắc.

Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm hơn nữa con em các đối tượng chính sách, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi người dân.

Chủ tịch nước mong rằng các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để mai sau cống hiến cho nước nhà.

Nỗ lực đổi mới

Trước những thay đổi của xu thế phát triển và hội nhập, ngành Giáo dục Việt Nam cần có đánh giá chung, đổi mới căn bản, toàn diện ngành. Đồng thời tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý giáo dục. Từ đó, thảo luận đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành Giáo dục trong năm học tới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018 – 2019 là năm học có tính chất bản lề trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29. Năm học này, toàn ngành giáo dục sẽ bị chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng, đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở lớp 1 theo Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Theo đó, các nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2018 – 2019 được Bộ GD&ĐT đưa ra:

Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ QLGD; đổi mới chương trình giáo dục MN, phổ thông và đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong GDPT.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục.

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục. Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

 Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

 Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao./.