VNHN - Những ngày gần đây, dư luận đứng ngồi không yên trước sự việc đang diễn ra tại TP.HCM. Sự việc dấy lên nhiều ý kiến trái chiều của người dân và cả trên mạng xã hội, nhiều khả năng sẽ có hàng ngàn học sinh tại TP.HCM sẽ không có cơ hội được vào lớp 1 …
Cụ thể, hàng ngàn học sinh đã đến tuổi cắp sách đến trường đứng trước nguy cơ không thể nhập học chỉ vì không có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh, hay trong trường hợp KT3 (KT3 là một loại sổ tạm trú dài hạn của cá nhân ở một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương nào đó, không phải nơi đăng ký thường trú của cá nhân này) của gia đình các em chưa đủ 12 tháng. Tên các em không có trong danh sách nhập học khi ngày khai giảng đã cận kề, gia đình các em không đủ điều kiện cho các em học trường tư. Những mầm non đất nước, các thế hệ tương lai này sẽ đi về đâu ?
Ảnh minh họa: Internet.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, trong năm học 2020-2021, học sinh các cấp toàn thành phố tăng hơn 54.000 em, trong đó học sinh cấp 1 tăng 9.000 em. Điều này cho thấy rằng số lượng học sinh tăng quá nhiều dẫn đến tình trạng quá tải không đủ cơ sở vật chất, trường học để có thể tiếp nhận toàn bộ học sinh. TP.HCM là nơi giàu tiềm năng, thu hút hàng ngàn lao động đến từ khắp mọi miền đất nước để lập nghiệp, nên không khó để có thể hiểu được rằng còn rất nhiều gia đình vẫn chưa có hộ khẩu hay thậm chí là KT3 đủ 12 tháng tại thành phố này.
Cách giải quyết nào cho các em để có thể đến được với ghế nhà trường ? Khi mà cha mẹ các em đa phần là người lao động nghèo đến từ các tỉnh khác vào địa bàn thành phố để lập nghiệp. Câu hỏi trên được đặt ra trong sự trăn trở không chỉ ở cha mẹ học sinh, mà ngay cả với những lãnh đạo nhà trường, họ băn khoăn về một phương pháp tốt nhất có thể để bảo đảm được rằng con em họ, những thế hệ tương lai sau này của nước nhà được cắp sách đến trường như bao học sinh có hộ khẩu thành phố khác.
Trước tình trạng số lượng quá lớn các học sinh không được vào lớp 1, lãnh đạo TP.HCM đã tạm thời đưa ra phương hướng giải quyết là tăng thêm chỉ tiêu nhập học nhưng số lượng không nhiều. Việc này dẫn đến tình trạng tên của các em học sinh còn lại không may lại nằm trên danh sách “Không trúng tuyển”.
Đợi khi KT3 đủ thời hạn 12 tháng, đưa con vào nhập học ở trường tư thay vì trường công lập, hay gửi con về quê để có thể tiếp tục trang trải cuộc sống nơi thành thị ?
Cách giải quyết nào cho con em để có thể đến được với ghế nhà trường? (Ảnh minh hoa: Internet).
Nếu đợi KT3 đủ thời hạn 12 tháng đồng nghĩa với việc phụ huynh phải chấp nhận cho con em mình học trễ một năm so với các bạn cùng lứa, hoặc nếu nhập học trường tư thì không thể chi trả nổi học phí khi phần đông phụ huynh đều là công nhân lao động vẫn đang chật vật với cuộc sống mưu sinh hằng ngày. Hay gửi con về quê thì không thể chăm sóc cho con vì con còn quá nhỏ.
Nhìn xa hơn về vấn đề này, tâm lý của các bậc cha mẹ luôn quan niệm rằng môi trường học tập và chất lượng giảng dạy nơi thành thị sẽ tốt hơn so với ở các tỉnh thành khác. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải học sinh ở thành phố nhưng lại thiếu thốn học sinh ở các vùng quê. Liệu lựa chọn này đã là tốt nhất cho con em của chúng ta?