VNHN – Phi đội Tiếp vận Hậu cần hạm đội Số 30 (VRM-30) vừa được thành lập là đơn vị đầu tiên của Hải quân Mỹ khai thác máy bay cánh quạt nghiêng CMV-22B Osprey - phiên bản nâng cấp của dòng V-22 Osprey.
Năm 2015, lực lượng này đã chọn mua CMV-22B Osprey do hai công ty Bell Helicopters và Boeing Helicopters sản xuất để thay thế loạt máy bay vận tải tầm trung trên tàu sân bay Grumman C-2 Greyhound. Không giống máy bay cánh cố định C-2 Greyhound, dòng máy bay V-22 Osprey có thể bay với tốc độ của máy bay cánh cố định và bay lơ lửng như một trực thăng để hạ cánh thẳng đứng trên tàu sân bay.
Hiện tại, Hải quân Mỹ đang sử dụng máy phóng máy bay hình chữ Y để đẩy máy bay C-2 Greyhound cất cánh. Việc này làm tăng rủi ro và chi phí cho hoạt động tiếp tế.
Một chiếc CMV-22B Osprey được thử nghiệm trên một tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.
Máy bay CMV-22B Osprey lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2015 và đi vào sản xuất hàng loạt một năm sau đó. Máy bay được sản xuất dựa trên biến thể MV-22B Osprey của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Sự khác biệt căn bản của CMV-22B Osprey với các dòng máy bay V-22 Osprey trước đó là nó được trang bị thêm thùng nhiên liệu bên ngoài để nâng tầm bay từ 860 lên 1.150 hải lý (2.100km) mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.
Hải quân Mỹ sẽ sử dụng CMV-22B Osprey để thực hiện những nhiệm vụ tương tự như máy bay C-2 Greyhound, bao gồm vận tải, cứu hộ, cung cấp lương thực, phụ tùng và trang thiết bị cho các thủy thủ trên các tàu sân bay. Dự kiến Phi đội VRM-30 sẽ tiếp nhận lô máy bay CMV-22B Osprey đầu tiên trong năm tài khóa 2020.
Hiện quân đội Mỹ đang được biên chế nhiều phiên bản tiên tiến của V-22 Osprey như CV-22 Osprey thuộc Không quân, CMV-22B Osprey thuộc Hải quân hay MV-22B Osprey thuộc Thủy quân lục chiến./.